Trong nước

Những trận đánh mở đường tiến về Sài Gòn

Chọc thủng lá chắn thép Xuân Lộc được xem là trận chiến mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, là chỉ huy một trong ba sư đoàn, tham gia tấn công Xuân Lộc 45 năm trước

Cách Sài Gòn 80km về phía Đông Bắc, Xuân Lộc, Long Khánh được ngụy quyền Sài Gòn xây dựng thành “lá chắn thép” để ngăn quân giải phóng. Chọc thủng lá chắn thép Xuân Lộc được xem là trận chiến mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Mở toang cánh cửa thép phía Đông Bắc Sài Gòn

Long Khánh nay đã trở thành đô thị loại III, một thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Nhìn tổng thể, Long Khánh giờ đã là một đô thị sầm uất, khang trang. Trong quy hoạch điều chỉnh vùng TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đã nhận định đô thị Long Khánh là cực tăng trưởng trọng điểm phía Đông của vùng.

Đồng thời, Long Khánh cũng sẽ là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, kho vận hàng hóa của vùng và tiến đến trở thành đô thị loại II.

Trên tuyến QL1 đi qua trung tâm Long Khánh, dòng xe vẫn tấp nập hối hả, mấy ai biết rằng, nơi đây 45 năm về trước là một chiến trường khốc liệt, được xem là “lá chắn thép” của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Long Khánh trước đây là huyện Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh. Nằm trên trục QL1A, cách Sài Gòn khoảng 80km, Xuân Lộc là nơi giao nhau giữa các tuyến giao thông huyết mạch đi các tỉnh Lâm Đồng, Phước Long, Phước Quy (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Đây cũng tiền đồn của Quân đoàn 3 ngụy quyền Sài Gòn, lá chắn cuối cùng của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để ngăn bước tiến của quân giải phóng.

Để tiến vào Sài Gòn, quân ta đã mở chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu từ ngày 9 đến 21/4/1975, nhằm phá tan phòng tuyến cuối cùng của địch ở cửa ngõ phía Đông Bắc, tạo đà để bộ đội ta tiến vào Sài Gòn.

Trung tướng Nguyễn Văn Thái, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, là chỉ huy một trong ba Sư đoàn tham gia tấn công Xuân Lộc hồi đó. Ở tuổi 90, vị tướng già vấn nhớ rõ những ngày miền Nam nóng bỏng ấy, đặc biệt là trận chiến 12 ngày đêm ở chiến trường Xuân Lộc.

Để giữ Xuân Lộc, ngụy quyền Sài Gòn đã bố trí tại đây lực lượng và phương tiện phòng ngự mạnh nhất, bao gồm Sư đoàn 18 bộ binh, Lữ đoàn 1 dù, Liên đoàn 3 biệt động quân... với khoảng 12.000 quân do tướng ngụy Lê Minh Đảo chỉ huy. Họ đã biến Xuân Lộc thành nơi “tử thủ” để bảo vệ Sài Gòn. Bởi, như một vị tướng lục quân Mỹ đã nói “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.

Theo lời kể của Trung tướng Nguyễn Văn Thái, đêm ngày 8 rạng sáng 9/4, Sư đoàn 7 thuộc Quân đoàn 4 đã đánh thẳng vào Xuân Lộc. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình đồi núi dốc lên xuống và sự kháng cự quyết liệt của địch đã khiến các mũi tiến công của ta gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu đánh nhanh, tiêu diệt nhanh Xuân Lộc không thể thực hiện được.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 kể thêm: Để phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố này, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo Quân đoàn 4 thay đổi cách đánh, chuyển từ tấn công trực diện Xuân Lộc sang bao vây, cô lập, chia cắt lực lượng quân ngụy và tiêu hao dần sinh lực địch.

Ngày 14/4/1975, với cách đánh mới, Sư đoàn 7 đã tiêu diệt Sư đoàn 52 của địch tại Gia Kiệm trên đường QL20, tạo điều kiện cho việc bao vây, cô lập Xuân Lộc, đồng thời hàng ngày quân chủ lực vẫn tiếp tục bắn pháo vào Xuân Lộc. Những ngày sau đó, quân ta phối hợp với nhiều lực lượng đánh vòng ngoài, chặn cắt các ngả đường tiếp tế, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, bẻ gãy toàn bộ các đợt phản kích của chính quyền Sài Gòn.

Đêm 20 rạng sáng 21/4/1975, sau khi nã hơn 5.000 quả đạn pháo về ngã ba Dầu Giây, Lê Minh Đảo và đội quân ngụy quyền lặng lẽ rút khỏi cứ điểm Xuân Lộc. Toàn bộ lực lượng còn lại của quân đội ngụy tháo chạy, Xuân Lộc được giải phóng. “Lá chắn thép” Xuân Lộc bị phá đã mở toang cánh cửa cho đại quân ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của ngụy.

Ký ức khó quên…

Tượng đài chiến thắng Xuân Lộc đặt tại trung tâm TP Long Khánh ngày nay

Phá được phòng tuyến Xuân Lộc, nhưng con đường tiến vào Sài Gòn của quân giải phóng vẫn còn nhiều gian nan, bởi quân địch vẫn cố thủ nhiều điểm then chốt như cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn.

Trên đường thần tốc tiến về Sài Gòn, cánh quân phía Đông của ta đã bị chậm do gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân ngụy tại cửa ngõ Thủ Đức và phải đi đường vòng. Nhưng đến cầu Ghềnh (Đồng Nai) quá hẹp, xe tăng không qua được, phải nhanh chóng lệnh bỏ đường Biên Hòa - Thủ Đức, quay ra đường số 1.

Nhiệm vụ của quân giải phóng không chỉ đánh “mở đường” mà còn phải giữ đường, giữ cầu để xe tăng tiến vào được Sài Gòn.

Năm nay tròn 93 tuổi, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là thương binh hạng 2/4, tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Chúng tôi gặp ông tại căn nhà nằm trong hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Nhớ về trận đánh cách đây 45 năm, Đại tá Tư Cang chậm rãi kể, nhận nhiệm vụ Chính ủy cánh Bắc của Lữ đoàn Biệt động đặc công 316 để đánh mục tiêu quan trọng là Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, nhằm làm tê liệt tổ chức chỉ huy của địch ngay từ phút đầu.

Khi các đoàn quân thuộc Lữ đoàn 316 đã vào sát mục tiêu đúng theo kế hoạch thì Đại tá Tư Cang cũng được thông báo giờ G của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh cho toàn mặt trận là “0 giờ ngày 29/4”. Nhưng quân địch vẫn chốt giữ tại cầu Rạch Chiếc rất ngoan cố.

Sau ba ngày chiến đấu quyết liệt, mãi đến 5 giờ ngày 30/4, quân ta mới chiếm giữ được cầu Rạch Chiếc để cho xe, pháo của Quân đoàn 2 qua cầu lúc 7 giờ sáng, thẳng tiến đến Dinh Độc Lập.

“Lúc tôi thảo điện khẩn để báo cấp trên mà nước mắt rưng rưng vì quá vui mừng, hạnh phúc. Giây phút lịch sử đó cảm giác xúc động không thể nào tả nổi”, Đại tá Tư Cang nhớ lại.

Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã khép lại với kết quả chấm dứt 21 năm chia cắt, thống nhất đất nước. Những ngày mùa Xuân lịch sử này, những cựu chiến binh như Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Đại tá Tư Cang vẫn thường gặp lại các đồng đội của mình để ôn lại giây phút lịch sử 45 năm về trước.

Nghĩa trang liệt sỹ Long Khánh nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sỹ quân giải phóng trong chiến dịch Xuân Lộc 45 năm về trước nay đã được tôn tạo lại khang trang, đàng hoàng hơn. Những đồng đội của họ hôm nay về đây thắp nén hương thơm, như gửi lời tri ân sâu sắc đến những người đã ngã xuống cho đất nước có những mùa xuân hòa bình, no ấm.

Tác giả: Phan Tư - Nguyên Hằng

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP