Chúng tôi tìm đến làng chài Hà Long sau trận mưa của một sáng tháng 4, cảnh vật im lìm, hiu hắt đến mức khiến lòng người thấy bất an. Bước chân xuống thăm con thuyền nhỏ của cụ Trần Thị Hồng (78 tuổi), những giọt nước mưa còn vương lại làm ướt hết cả một khoang thuyền của cụ, vừa lau khô chỗ ướt cụ vừa nói: “Chẳng trận mưa nào mà thuyền không bị ướt, mưa nhỏ thì ướt nhẹ, mưa lớn thì ướt nhiều”.
Trò chuyện cùng chúng tôi, cụ Hồng bảo tiếp: “Thế hệ cha ông tôi đã gắn bó đời mình trên con thuyền, đến đời tôi cũng như thế. Và bây giờ, con cháu tôi cũng đang sinh sống trên thuyền như một truyền thống. Nhưng tôi chẳng mong truyền thống này được lưu truyền. Luôn mong ước thế hệ đời sau sẽ thay đổi được cảnh sống trên sông nước này. Mong chúng có được một căn nhà nho nhỏ, không cần to đẹp, chỉ cần thoát khỏi cảnh lênh đênh trên dòng sông này là tôi mừng”.
Đôi mắt cụ nhìn về một hướng xa xăm, cụ kể cho chúng tôi nghe về những cực khổ, vất vả và cả những hiểm nguy của cuộc sống làng chài.
Men dọc theo làng chài, tôi được nghe kể về hoàn cảnh của ông Nguyễn Đình Nhất - một gia đình làng chài Hà Long có 6 người con nhưng đã mất đi 3 người vì bị đuối nước. Giây phút ấy tôi thấy tim mình lặng đi, không gian ngưng lại, chỉ còn tiếng nước sông vỗ nhẹ vào mạn thuyền, và tiếng hơi thở của những đau thương và nhịp sống vất vả nơi đây.
Cuộc sống bấp bênh, nguy hiểm là thế tại sao cư dân không bỏ đi mà vẫn cứ tiếp tục duy trì? Tôi hỏi. Và rồi nhận được sự chia sẻ từ anh Nguyễn Đình Thân: “Cuộc sống sông nước khổ cực nhiều lắm, mọi chi tiêu đều nhìn cả vào con tôm, mớ tép bắt được từ sông. Hôm nào may mắn thì trẻ con được cái kẹo làm quà, còn không thì đủ tiền mua gạo. Khổ nhất là vào mùa mưa bão, sóng gió đi làm vừa nguy hiểm lại vừa không yên tâm khi con trẻ ở thuyền… Biết khổ là thế nhưng làm sao thay đổi được, không ở thuyền chúng tôi biết ở đâu đây trong khi đất đai, ruộng vườn đều không có”.
Chẳng cần phải là người con của sông nước, phải sống những tháng ngày trên con thuyền chật hẹp, bấp bênh mới có thể hiểu hết được tâm can của người làng chài, mà chỉ cần nhìn những con người nơi đây bạn cũng có thể hiểu được cuộc sống của họ. Những cuộc đời cứ lênh đênh mãi trên những con thuyền rồi biết sẽ đi về đâu?
Tương lai nào cho những đứa trẻ làng chài?
Nhìn những đứa trẻ làng chài nơi đây sẽ khó giữ để lòng không len lói những niềm thương cảm và cả những giọt nước mắt. “Trẻ em như búp trên cành”, thế mà nơi đây các em lại phải sớm đương đầu với những khó khăn, vất vả, phải học cách trưởng thành trước tuổi.
Chịu nhiều những khó khăn, thiệt thòi những đứa trẻ này chưa từng được chơi ở những sân chơi có cầu trượt, đu quay… Chưa từng được ngồi học ở phòng học hiện đại, nhưng các em vẫn cố gắng vươn lên từng ngày.
Em Nguyễn Văn Huy, học sinh lớp 7 chia sẻ: “Đi học mà ở trên thuyền em thấy nhiều bất cập lắm. Học thì không có bàn, phải nằm để học, đèn điện cũng chẳng có, ánh sáng yếu nhiều hôm em thấy hoa mắt. Rồi những ngày mưa bão, thuyền bấp bênh chao đảo em vừa sợ lại vừa không làm được bài tập về nhà”.
Lúc đầu cậu bạn còn rụt rè, nhưng sau đó như quen hơn nên Huy thoải mái kể cho chúng tôi nghe về những nỗi niềm của em. Huy bảo, có lần vì vội chạy theo đám bạn để đến trường cho vui nên đã trượt chân khi bước lên bờ, áo quần bị bẩn, dép rơi xuống sông và trôi mất một chiếc, cuối cùng đi học muộn và còn bị bố mẹ mắng.
Bởi chính những khó khăn, vất vả, khổ cực của cuộc sống đã nhen nhóm lên trong họ những tia hi vọng về một cuộc sống tươi đẹp, đủ đầy hơn. Và cũng chính những khó nhọc ấy đã trở thành động lực thôi thúc thế hệ mới đưa làng chài bước sang một trang mới.
“Em sẽ cố gắng học thật giỏi, lớn lên em sẽ xây một ngôi nhà thật to, thật đẹp để bố mẹ cùng ở. Em sẽ mua tivi cho mọi người xem”. Đó là mong ước của bé Thùy, một bé gái mới học lớp 2. Ước mơ ấy của Thùy là ao ước chung của tất thảy những con người nơi đây.
Giá như con em, những mầm xanh tương lai của đất nước được sinh sống, học tập trong một môi trường đầy đủ. Được yên tâm học hành dưới những mái nhà kiên cố chắc chắn rằng điều đó sẽ làm cho cư dân ở đây hạnh phúc hơn bất cứ thứ gì trên đời.
Nhìn thẳng vào ánh mắt của con người nơi đây, ngoài những lo toan về cuộc sống, chúng tôi còn thấy được cả những tia hi vọng mạnh mẽ của họ như chắc chắn khẳng định rằng cuộc sống họ rồi sẽ được đổi mới, làng chài này rồi chắc chắn sẽ thay bằng những ngôi nhà vững chắc.
Tác giả bài viết: Phan Quỳnh
Nguồn tin: