Trong tỉnh

Những người khoác áo Blouse trắng với những đêm trắng thầm lặng

Khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng, nhiều người đã phải gạt đi những đam mê ngoài công việc, những cái riêng của bản thân để tập trung lo lắng, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh, ít ai biết những "lặng thầm" phía sau chiếc áo Blouse của họ.

Cứu người – Mệnh lệnh từ trái tim

Không như những ngành nghề khác, người làm việc trong lĩnh vực y tế luôn đứng trước nhiều áp lực, rủi ro, hậu quả hết sức nghiêm trọng nếu thiếu chuyên môn nghiệp vụ, thiếu sự tận tâm và trách nhiệm.

Khoác trên mình tấm mặc áo Blouse trắng, các y, bác sĩ đang ngày đêm miệt mài cùng bệnh nhân chống chọi lại bệnh tật.

Tôi may mắn được quen thân với nhiều y, bác sĩ, một phần vì lý do thường xuyên là “khách” của bệnh viện, một phần vì công việc đưa tin, truyền thông về mảng y tế. Có một điểm chung mà tôi vẫn luôn tâm đắc về họ, những người anh, người bạn mặc áo Blouse trắng đó là không quan trọng cấp bậc, chức vụ lãnh đạo, hay nhân viên, trong một bệnh viện, họ đối xử với nhau hết sức hòa nhã, gần gũi. Họ luôn sống có trách nhiệm, hết sức cẩn trọng và nhẹ nhàng trong giao tiếp.

BS Lan - Phó khoa cấp cứu BV Sản Nhi Nghệ An đang thăm khám cho bệnh nhân vào đêm muộn ngày 26/2

Có lẽ, chính cái nghề nhiều áp lực, nhiều gian truân và luôn được xem là “mẹ hiền”, là “dâu trăm họ” ấy đã rèn giũa khiến họ trở nên đẹp hơn. Nhẹ nhàng và lịch lãm như chính chiếc áo Blouse trắng vẫn khoác trên mình mỗi ngày ở nơi làm việc.

Y tế ngày càng tiến bộ vượt bậc, nhiều bệnh được xem là hiểm nghèo, “hết thuốc chữa” thì nay cơ bản đã được khắc chế, điều trị khá tốt. Máy móc hiện đại được đưa vào phục vụ trong lĩnh vực này ngày càng đa dạng, tiên tiến. Nó hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ trong việc chuẩn đoán, điều trị bệnh, nhưng sao thay thế được “bàn tay vàng” của người khoác trên mình tấm áo Blouse trắng.

Bác sĩ vẫn ngày đêm miệt mài, “cân não”, đấu tranh giành lại sự sống cho người bệnh. Những chuyện tôi góp nhặt được tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An phần nào nói lên được tình thương, trách nhiệm, sự nỗ lực của những y, bác sĩ đang công tác tại nơi đây.

7h tối, khi mọi gia đình đang quây quần bên mâm cơm gia đình, cười vui với những bữa ăn sum vầy, thì ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, hàng trăm y, bác sĩ lại đang căng mình với công việc thường nhật. Chạy đôn chạy đáo, khám, hướng dẫn người bệnh làm thủ tục nhập khoa, phòng… Hay nhanh chóng cấp cứu khẩn cấp cho những em bé đã tím tái, sự sống chỉ còn “vài bước chân”.

Nụ cười hạnh phúc của người nhà bệnh nhân khi thấy sức khỏe cháu bé được cải thiện rõ rệt sau khi nhập viện điều trị, đó là sự động viên lớn lao nhất đối với các y, bác sĩ nơi đây

Đặc thù nghề y luôn phải túc trực chăm lo cho sức khỏe người bệnh, bởi vậy việc làm thêm giờ, mải công việc quên cả ăn uống là chuyện như “cơm bữa”. Thế nhưng họ luôn xem đó là niềm vui, trách nhiệm từ y đức, không hề suy tính hay đòi hỏi điều gì.

BS Hoàng Thị Thu Lan – Phó khoa Cấp cứu BV tâm sự, ngày bình thường tiếp nhận trên 15 ca, còn những mùa có dịch bệnh thì có lúc lên tới trên 40 ca cấp cứu với đủ các loại bệnh, tai biến ở trẻ nhỏ. Thường thì khi đưa các bé vào khoa cấp cứu bệnh ở mức độ khá nặng, vì vậy đòi hỏi những y, bác sĩ luôn phải nhanh, kịp thời và có chuyên môn.

Việc tiếp nhận, điều trị ban đầu cho các bé cũng gặp nhiều khó khăn khi bệnh nhân thường là trẻ sơ sinh, hoặc trẻ chưa thể nói. Các y, bác sĩ chỉ có thể tiếp cận được chút ít thông tin từ người nhà, từ đó vận dụng chuyên môn, nghiệp vụ để xem xét, xử lý, lên phương án cấp cứu, điều trị chính xác, kịp thời.

Giữa đêm khuya, các bác sĩ vẫn luôn theo dõi, túc trực, trao đổi tình hình sức khỏe của bệnh nhân với gia đình người bệnh

Cũng bởi vậy, ở Khoa cấp cứu BV Nhi Nghệ An luôn thường trực những bác sĩ có chuyên môn sâu, kinh nghiệm công tác ít nhất trên 10 năm. Việc cấp cứu diễn ra thông suốt 24/24, tiếp nhận, xử lý cấp cứu tại đây cũng vì thế mà luôn diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, mang tới sự an tâm cho người nhà bệnh nhân.

“Không kể giờ giấc, ngày thường hay ngày lễ, thậm chí cả Tết, anh, chị em cán bộ Khoa vẫn phải thay ca nhau túc trực đầy đủ để bảo đảm cho công việc. Làm cái nghề này thì phải gác lại nhiều thứ xung quanh cuộc sống để tập trung gần hết thời gian cho công việc. Đổi lại đó là niềm vui, sự phấn khởi trong lòng mỗi khi xử lý trọn vẹn những trường hợp cấp cứu nguy kịch nhất. Cũng có những giọt nước mắt vui mừng khi giành giật được sự sống ít ỏi cho những sinh linh bé bỏng đang dần rơi vào tay “thần chết” – BS Lan chia sẻ.

Lặng thầm những chiến công với những đêm dài “cân não” !

Những ca trực đêm triền miên không được một giấc ngủ, các y, bác sĩ, điều dưỡng thay phiên nhau kiểm tra, thăm khám cho bệnh nhân theo đúng giờ giấc, trường hợp bệnh. Chủ động trong mọi tình huống xảy ra với người bệnh, để kịp thời có sự can thiệp, điều trị, bởi các bệnh nhân chủ yếu là trẻ nhỏ, việc trao đổi thông tin những biểu hiện trong cơ thể với bác sĩ điều trị về cơ bản là không có.

Với những trường hợp tình trạng bệnh tiến triển nhanh, sức khỏe bệnh nhân xấu đi nhanh chóng, các y, bác sĩ lại chạy đôn, chạy đáo chuẩn bị các dụng cụ cần thiết, cấp cứu trực tiếp ngay trên giường bệnh.

Những "thiên thần" khoác trên mình những chiếc áo Blouse trắng vẫn miệt mài xuyên đêm bên từng bệnh nhân tại Khu cấp cứu đặc biệt

Tại khu vực cấp cứu đặc biệt thuộc Tòa nhà B1, theo ghi nhận, toàn bộ các bác sĩ, điều dưỡng trực vẫn đang săn sóc từng bệnh nhân, hướng dẫn người nhà phối hợp theo dõi sát sao tình trạng diễn biến sức khỏe các cháu bé.

Diễn biến tình trạng bệnh của bệnh nhân hết sức khó lường, nhiều trẻ buổi chiều vẫn ăn uống, chơi đùa nhưng tối đến bỗng khó thở, sốt, lên cơn co giật, tím tái nhanh chóng…những lúc ấy, các y, bác sĩ lại phải “cân não” để xử lý. Chỉ cần chút chậm trễ, hay sơ suất nhỏ cũng đủ để nhận hậu quả lớn với tính mạng người bệnh.

Bởi thế, trong từng ca trực, trong từng suy nghĩ của các bác sĩ luôn nêu cao tinh thần, nhanh chóng xử lý các tình huống, diễn biến xấu xảy ra, kiểm soát chặt chẽ, nhanh chóng xử lý hiệu quả khi người bệnh gặp khó khăn.

Cận kề ngày lễ ngành, hoa sắp đầy văn phòng khoa, nhưng có lẽ trong trái tim những vị bác sĩ này thì chẳng có sự ngọt ngào, hạnh phúc nào hơn là kết quả của việc điều trị, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

“Thấy họ tận tình, chu đáo, chuyên môn cao nên tôi cũng thoải mái, an tâm hơn. Có điều gì khúc mắc là hỏi ngay, các bác sĩ sẽ giải thích, hướng dẫn cụ thể. Gia đình tôi ở quê, cháu mới 2 tuổi, khi nhập viện bị viêm phổi nặng nhưng mấy ngày điều trị, nhờ các bác sĩ mà bây giờ cháu ăn ngon, ngủ ngoan, bệnh thuyên giảm nhiều, mừng lắm. Thật không biết lấy gì mà trả ơn họ, nhiều khi đưa chút quà cáp thì họ từ chối, thậm chí còn nhắc nhở. Giờ ốm đau, bệnh tật không khổ sở như xưa, vì các bác sĩ vừa giỏi, lại có tâm, không phân biệt giàu nghèo….” – Chị Giang, trú tại huyện Quỳnh Lưu đang chăm sóc con tại bệnh viện này chia sẻ.

Hay những tình huống đầy kịch tính vẫn diễn ra thường nhật tại Khoa Sản. Nói đến chuyện sinh nở, những tai biến trong sinh nở vẫn khiến nhiều người phải rùng mình, sợ hãi. Vì nếu chỉ lơ là, tắc trách một chút thôi là đủ để người mẹ có thể mất con, thậm chí mất luôn tính mạng bản thân.

Những “chiến sĩ” khoa sản đầy kinh nghiệm như BS Tâm – một tên gọi trìu mến mà nhiều người vẫn thường nhắc tới mỗi khi nhớ về phút sinh nở tại bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Được xem là một hộ sinh “mát tay”, trải qua nhiều năm công tác tại đây, chị đã đem biết bao niềm vui lớn, niềm hạnh phúc vô bờ tới cho biết bao gia đình trong và ngoài tỉnh.

Những câu chuyện đỡ đẻ thuộc diện “kinh điển” vẫn luôn được nhắc mãi, được lưu truyền, trở thành những bài học giá trị cho biết bao thế hệ, những người làm việc trong lĩnh vực sản khoa. Như câu chuyện vào tháng 6/2018, đỡ đẻ thành công cho người sản phụ Đoàn Thị H. (Quỳnh Lưu, Nghệ An) mang tam thai 35 tuần con so.

Cận kề ngày lễ ngành, hoa sắp đầy văn phòng khoa, nhưng có lẽ trong trái tim những vị bác sĩ này thì chẳng có sự ngọt ngào, hạnh phúc nào hơn là kết quả của việc điều trị, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh.

Sau khi thăm khám xác định sức khỏe mẹ tốt, tử cung mở gần hết, thuận lợi, cân nặng của các bé không quá lớn, nên các bác sĩ quyết định cho sản phụ sinh tự nhiên. Ekip đã phối hợp sẵn sàng với các bác sĩ chuyên khoa gồm: Sản phụ khoa, Sơ sinh… để có kế hoạch can thiệp một cách nhanh chóng, tích cực với đầy đủ phương tiện hồi sức cho mẹ và con.

Ca đỡ đẻ "mẹ tròn con vuông" với sự chào đời của 3 bé xinh xắn: 2 bé gái với cân nặng lần lượt là 1200gram, 1500gram và 1 bé trai có cân nặng 1500gram. Sau sinh, 3 bé sức khỏe đều ổn định.

Và hàng trăm ngàn câu chuyện khác vẫn ngày đêm được các y, bác sĩ nơi đây “viết lên” với sự thầm lặng nhưng hết sức cao cả, với chính tấm lòng, trái tim và trách nhiệm nghề nghiệp của họ đối với bệnh nhân. Những con người mang trên mình chiếc áo Blouse trắng tinh khôi ấy vẫn ngày đêm miệt mài, thổn thức với công việc, đau đáu với những căn bệnh đang hành hạ những sinh linh bé bỏng.

Tác giả: Hoàng Phạm

Nguồn tin: Báo Pháp luật & Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP