Nam bệnh nhân Đặng Đình Hoà (60 tuổi, Cát Bà, Hải Phòng) từ tuyến dưới chuyển đến BV Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch, liệt toàn thân, suy hô hấp nặng, phải thở máy, đồng tử 2 bên giãn 6mm.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, với tình trạng này, các bác sĩ ít kinh nghiệm hoặc với nền y học trước đây có thể nhầm lẫn với một người đã tử vong.
Qua khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, tối hôm trước ông Hoà có nướng một con so to cỡ 10cm để ăn.
Bệnh nhân trong tình trạng rất nặng những ngày đầu nhập viện |
Đến 22h cùng ngày, ông Hoà thấy khó thở, tê môi, lưỡi, miệng, mặt, chân tay và bắt đầu nói khó. Gia đình lập tức đưa bệnh nhân đến BV Cát Bà. Dù được cấp cứu nhưng tình trạng khó thở vẫn tiếp tục tăng lên, liệt tất cả các chi. Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu sụp mi, đã lập tức chuyển lên BV Bạch Mai.
Tại đây, bác sĩ chỉ định thở máy, hồi sức tích cực. Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã có thể tự thở. Hiện sau 20 ngày nằm viện, bệnh viện đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, trường hợp nói trên ngộ độc tetrodotoxin – một chất độc tự nhiên có trong con so (dễ bị nhầm là sam biển lành tính).
Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, rất độc, tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại), nếu đun sôi 100 độ C thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; để phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200oC trong 10 phút, nếu cho vào dung dịch HCl 0,2-0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ.
|
Khi bị nhiễm độc, bệnh nhân rối loạn cảm giác (tê môi, lưỡi, chân tay), sau đó nhanh chóng bị liệt toàn bộ các cơ của cơ thể, đồng tử giãn, trong đó quan trọng là liệt các cơ hô hấp, dẫn tới bệnh nhân không thể ho khạc, không thể thở được và nhanh chóng suy hô hấp, tử vong. Chất độc cũng có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nôn, đau bụng.
Đáng lưu ý, tình trạng ngộ độc xuất hiện nhanh và rất nặng, tỉ lệ tử vong lớn nếu không được cấp cứu kịp thời, đặc biệt với những người ăn uống trên tàu thuyền, ngoài đảo, xa cơ sở y tế. Thực tế đã từng có người tử vong trên đường vận chuyển do không kịp tới bệnh viện.
Chất độc tetrodotoxin phổ biến có ở cá nóc, tuy nhiên cũng có ở nhiều loài sinh vật khác như con so, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…
BS Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc, bà con không ăn cá nóc và các loài sinh vật biển lạ hoặc khi bình thường ít được ăn. Vì ngay cả với các chuyên gia, việc phân biệt chắc chắn giữa các sinh vật trông hình dạng tương tự nhau nói chung cũng rất khó.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Tác giả: Thúy Hạnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet