Kinh tế

Ngược đời khi giá lợn ở trại siêu rẻ, lên tới chợ thì vụt tăng

Giá lợn ở các trại có xu hướng giảm nhưng khi lên kệ siêu thị, chợ truyền thống thì lại vụt tăng khiến nhiều người tiêu dùng băn khoăn, đặt ra nhiều câu hỏi.

Lợn hơi rất rẻ

Ông Thắng, một người chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai cho biết, ông vừa bán một đàn lợn với giá 55.000 đồng/kg, đây là giá lợn hơi thấp nhất trong 3 tháng qua.

"Đầu tháng 6, giá lợn hơi vẫn ở mức 69.000 - 70.000 đồng/kg nhưng khi dịch bùng phát mạnh thì giá lợn hơi giảm dần. Đến tháng 8, mỗi ký lợn hơi đã giảm 15.000 đồng so với trước" - ông Thắng nói.

Không chỉ ở Đồng Nai, giá lợn hơi tại các tỉnh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu… cũng giảm mạnh.

Trong khi đó, thịt lợn bán lẻ tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi tại TPHCM vẫn có giá cao ngất ngưởng. Cụ thể, thịt đùi được bán với giá từ 140.000 - 150.000 đồng/kg, nạc dăm 160.000 đồng/kg, thịt cốt lết 150.000 đồng/kg, sườn non 240.000 đồng/kg…

Thịt lợn ở trại rẻ nhưng khi đến chợ, siêu thị giá vẫn tăng.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai - thừa nhận, giá lợn hơi tại tỉnh đã xuống mức 55.000 - 58.000 đồng/kg nhưng giá thịt lợn bán lẻ tại Đồng Nai và TPHCM vẫn còn ở mức rất cao.

Theo ông Công, nguyên nhân giá thịt lợn vẫn ở "trên trời" là khâu phân phối bị ảnh hưởng nặng nề, hàng trăm khu chợ truyền thống phải tạm đóng cửa, trong khi các siêu thị chỉ đáp ứng được 35 - 40% nhu cầu thịt lợn của người dân.

Việc lưu thông, vận chuyển thịt lợn cũng gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng. Điều này khiến giá thịt lợn vẫn "neo" ở mức cao dù giá lợn hơi đã giảm sâu.

Giá trứng "nhảy múa"

Ở một số chợ truyền thống Hà Nội, giá trứng gà được bán phổ biến với giá 4.300 - 4.500 đồng/quả. Tuy nhiên, ở một nơi khan hiếm hơn, giá trứng gà ta được đẩy lên tới 5.500 - 6.000 đồng/quả.

Tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) giá trứng gà ta, trứng vịt dao động 4.300 - 4.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp dao động 3.800 - 4.000 đồng/quả, trứng vịt lộn 4.300 - 4.400 đồng/quả, trứng chim cút 8.000 - 8.500 đồng/chục.

Tương tự, tại chợ Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), giá trứng gà ta dao động từ 4.500 đồng đến 4.800 đồng/quả, trứng gà công nghiệp được bán với giá 4.000 đồng/quả.

Còn ở chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) giá trứng gà ta dao động 4.500 - 5.000 đồng/quả, trứng gà công nghiệp 3.800 - 4.000 đồng/quả, trứng chim cút 8.000 - 10.000 đồng/chục.

Cá biệt, ở khu vực Hà Đông (Hà Nội) nhiều tiểu thương rao bán trứng gà ta với giá 5.500 - 6.000 đồng/quả.

Một tiểu thương tên L.P ở Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị bán trứng gà ri nuôi ở Bắc Giang. Những ngày này, hàng khan hiếm, khó nhập nên giá cao hơn trước.

Ở một số siêu thị Hà Nội, giá trứng khá bình ổn. Trứng gà ta có giá dao động 4.800 - 5.500 đồng/quả, trứng gà công nghiệp 2.800 - 3.300 đồng/quả. Hầu hết nhân viên siêu thị đều khẳng định nguồn cung trứng vẫn dồi dào, đủ cung ứng cho người dân Thủ đô.

Trái cây miền Tây ùn ứ

Anh Tuấn, chủ vườn nhãn ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, đây là lần đầu tiên anh gặp tình trạng nhãn rớt giá thảm như hiện tại. Thậm chí, dù đã "thả", mặc kệ giá rẻ như cho nhưng cũng không có người thu mua.

"Tầm này năm ngoái, giá nhãn cơm vàng ở mức 30.000 đồng/kg, thế nhưng hiện rớt còn 6.000 đồng/kg. Mà nói thế thôi, 6.000 đồng cũng chẳng ai thèm mua, bảo người ta cứ tự trả giá thấp hơn đi nhưng họ cũng lắc đầu.

Thật ra không phải do họ kén, mà là họ có nhập hàng về cũng không biết bán đi đâu. Tình hình chung nên chúng tôi đành chấp nhận", anh Tuấn cho hay.

Theo anh Tuấn, trước tình trạng trái cây giá rớt thảm, nhiều nhà vườn trong vùng cố nén nhãn thêm vài ngày để mong thị trường ổn định. Thế nhưng, càng nén thì nhãn càng già và tự rụng, phải đổ bỏ cho cá ăn.

"Nhà tôi may mắn hơn, vườn 5 tấn nhưng bán tháo được 4 tấn rồi, còn 1 tấn này chín quá rồi, đã xác định đem đổ cho cá ăn. Nếu tính chung, thì mùa nhãn năm nay, 50% là dân tụi tui bán lỗ 6.000 đồng/kg, còn 50% còn lại đổ cho cá ăn", anh Tuấn thở dài.

Cũng theo anh Tuấn, chi phí chăm trồng cây nhãn không quá cao nhưng cũng không rẻ. Với tình hình này, nếu các năm sau được mùa, được giá, người dân cũng phải mất 2 năm mới lấy lại vốn.

Thanh long vàng đắt khách

Gần đây, trên chợ mạng, nhiều tiểu thương rao bán loại thanh long vàng (thanh long vàng tổ yến) với giá cao từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Theo quảng cáo, đây là loại thanh long có nguồn gốc từ Thái Lan, được trồng nhiều ở Gia Lai, Bình Thuận. Quả có kích thước khá lớn từ 0,5 - 1 kg.

Rao bán trên chợ mạng, chị Thùy Linh ghi: "Thanh long vàng nhà em đã về, hôm nay em bán 100.000 đồng/kg. Quả này có phần thịt trong vắt, vân yến nổi rõ, ăn nó sật sật, hơi dai dai, mùi thơm thoang thoảng hương nhãn. Ở giữa quả có cái trắng như sữa, trẻ con 10 bé ăn thì khen giống thạch cả 10".

Thanh long vàng được bán với giá 80.000 - 120.000 đồng/kg.

Chị Linh tiết lộ, năm nay, nhà chị bắt đầu nhập thanh long vàng tổ yến về bán. Theo chị, đây là hàng chọn nên có giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.

"Do mặt hàng này có giá đắt đỏ nên mỗi tuần, tôi chỉ nhập 20 - 30 kg về bán cho khách quen. Bởi hiện nay trên thị trường, thanh long ruột trắng chỉ 25.000 - 30.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ từ 35.000 - 40.000 đồng/kg. Thế nên, không phải ai cũng sẵn sàng chịu chi, bỏ một khoản tiền như thế để mua quả lạ về thưởng thức", chị nói.

Tương tự, chị Trang, một tiểu thương ở chợ 337 (Hà Nội) cho biết, cứ ngày rằm hoặc mùng một là chị lại gom thanh long vàng về bán. Dòng này có đặc điểm là gần sát vỏ thì chua thanh nhưng phần thịt bên trong lại rất ngọt.

"Mọi người rất thích mua thanh long vàng về thắp hương vì chúng có mẫu mã đẹp, lạ mắt. Hơn nữa, trẻ con rất khoái ăn món này do ruột quả như thạch dừa, còn hương vị thì pha mùi nhãn", chị miêu tả.

Tác giả: An Chi (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP