Mâu thuẫn trong cách dạy con là câu chuyện khá quen thuộc ở mỗi gia đình. Thường thì các nàng dâu khi ở chung với bố mẹ chồng luôn than vãn chuyện bất đồng quan điểm sống vì khoảng cách giữa 2 thế hệ. Nhưng ở xa như Phương (28 tuổi đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) mà vẫn bị mẹ chồng kiểm soát gắt gao thì thật là khó nói.
Phương tâm sự: "Mẹ chồng mình lại không phải tuýp các cụ truyền thống. Bà rất tân tiến, vì nghỉ hưu rồi nên có nhiều thời gian quan tâm con cháu. Nhưng mình thấy bà có phần hơi bảo thủ. Ví dụ như việc mỗi lần mình cho con về chơi là bà thường chăm cháu theo kiểu của bà: cho chơi thoải mái, đồ ăn lúc nào cũng phải đồ xịn, sữa ngoại, bỉm ngoại, bánh kẹo cũng ngoại hết. Hôm nào mình để lại đồ cho con bé là bà lại càu nhàu 'mẹ mày cứ tiết kiệm, để đấy bà sắm hết'.
Ảnh minh họa |
Nói chung mẹ chồng mình rất thương con cháu nhưng bà lại thương không đúng cách. Năm nay con bé lên 5 tuổi mà đã có tư tưởng kiểu sính ngoại và coi thường những đồ rẻ tiền mà mẹ mua hoặc được cho".
Phương cho biết cô rất khổ tâm và khó xử. Vì rõ ràng bà vừa tốn tiền mà con dâu vẫn không hài lòng thì bà phật ý là dễ hiểu thôi. Phương đã nhờ chồng, em chồng nói với bà nội của con mình rất nhiều song đều không có tác dụng.
Thời gian vừa rồi ở quê bùng dịch, Phương đón con lên Hà Nội luôn để cho con bé đi học, sang năm vào lớp 1 rồi. Ở nhà 3 tháng với bà nội mà con bé lại gầy đi. Đã nhờ vả ông bà nên Phương không dám nói năng gì, trẻ con số cân lên xuống cũng là bình thường.
"Toàn chuyện vặt vãnh nhưng gộp lại rất đau đầu. Bà đưa gì mình cũng cầm cho bà vui nhưng đón được con lên là mình chăm nó theo ý mình, giờ giấc sinh hoạt, ăn uống cũng phải vào khuôn khổ.
Thế mà cũng đã hơn 2 tháng trôi qua, mấy lần bà đòi lên thăm cháu vì nhớ nhưng chồng mình bảo dịch không nên đi lại. Bà có vẻ cũng buồn và hơi tự ái. Hôm vừa rồi không biết con bé gọi điện cho bà nói chuyện gì mà bà tức tốc đi taxi 50km lên để hỏi tội con dâu", Phương kể.
Vừa vào đến nhà mẹ chồng Phương đã nặng giọng: "Chị Phương đâu rồi, chị chăm cháu tôi thế nào để con Bông nó gọi bà vừa khóc vừa nói không thành lời, cháu tôi đâu? Ôi rồi ôi tôi biết ngay mà...".
Phương cũng hết hồn không hiểu chuyện gì đang xảy ra mà con trai thì đang học thêm tiếng Anh. Chờ hơn 30 phút đến giờ con tan học mà lòng Phương nóng như lửa đốt.
Ảnh minh họa |
Cuối cùng cũng đến giờ đón con bé về để hỏi cho "ra ngô ra khoai". Nhưng vừa nhìn thấy bà nội là con bé ôm chầm. Mẹ chồng Phương ngắm cháu mắt không chớp, quên cả nỗi lo. Bà thốt lên: "Sao có 2 tháng mẹ không gặp mà nó phổng phao thế này cơ à?".
Ngồi chơi với bà 1 lúc thì con bé bật tivi có bài hát tiếng Anh, thấy nó hát theo mẹ chồng Phương tấm tắc không ngớt. Con bé còn mang sách học toán Soroban ra khoe cô mới cho điểm 10. Bấy giờ bà mới thôi trách con dâu.
Hóa ra tiếng ú ớ như tiếng khóc lẫn nói không thành lời mẹ chồng Phương bảo chính là tiếng con bé tự diễn clip tiếng Anh. Bà không nghe rõ với xung quanh nhiều âm thanh quá nên tưởng con dâu đánh cháu nội bà.
Phương kể, đến tối mẹ chồng phát hiện ra đồ bà gói cho cháu nội mang đi vẫn còn nguyên trong tủ bà khó chịu ra mặt.
"Trong khi mình chưa biết giải thích thế nào cho mẹ chồng hiểu thì con bé khoe: 'Con thích uống sữa mới mẹ mua bà ạ. Con không ăn bánh kẹo nữa đâu, bánh kẹo này nhiều đường không tốt cho sức khỏe'. Bà cau mày nhìn sang hộp sữa mình pha cho con trước khi đi ngủ, trên đó vẫn còn giá chưa bóc bà lại ngạc nhiên: 'Sao rẻ thế này liệu có đảm bảo không con?'. Thấy bà dịu xuống mình bật luôn clip tư vấn sữa của viện dinh dưỡng, mình cũng nói rõ đôi khi đồ đắt không phải đồ tốt. Nó phải phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ và điều kiện của bố mẹ nữa", Phương giãi bày.
Dù mẹ chồng chưa thông suốt hẳn nhưng nhìn cháu thay đổi rõ rệt, lanh lợi thông minh bà không còn khó khăn nữa. Thế mới nói để thay đổi suy nghĩ của 1 người là cả quá trình, phải cho họ thấy kết quả họ mới tâm phục khẩu phục.
Tác giả: Ngọc Anh
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc