Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm tại vùng bãi Ngang, ven biển của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngày càng phát triển. Kéo theo đó, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở đây đang bị tàn phá không thương tiếc.
Dân tự ý đắp đất, be bờ nuôi tôm thẻ chân trắng
Có mặt tại sông Mơ, đoạn qua xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), không khó để chứng kiến cảnh tượng nhiều hộ dân ngang nhiên thuê máy móc, nhân công cày nát một vùng đất rừng ngập mặn. Sau khi san lấp, các hộ dân đã cải tạo, đắp đất, be bờ để nuôi trồng tôm thẻ chân trắng.
Người dân xã Quỳnh Thanh đã cải tạo, đắp đất, be bờ trong diện tích rừng phòng hộ ven biển để tiến hành nuôi trồng tôm thẻ chân trắng. |
Ngay sát chân cầu, một ao nuôi tôm mới nằm ngoài đê (thuộc vùng rừng ngập mặn) đang được hình thành. Men theo bờ đê tiến sâu vào trong, vùng rừng ngập mặn xanh tốt đã bị người dân thuê máy xúc vào đào bới, khoanh bờ bao, đắp đập, be bờ. Rừng ngập mặn dọc sông Mơ biến thành những ao nuôi tôm rộng mênh mông.
Theo quan sát, dọc sông Mơ, có khoảng 4-5 ha diện tích rừng trồng đã bị máy móc tàn phá nặng nề và không còn khả năng phục hồi.
Được biết, rừng ngập mặn tại xã Quỳnh Thanh rộng 21,3 héc-ta nhưng diện tích ao, hồ nuôi tôm của người dân trong vùng đã chiếm tới 15,6 héc-ta. Hiện tại, diện tích cây có rừng chỉ còn hơn 5 héc-ta và ngày càng giảm sút.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Xuân Xuyên, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho hay: “Việc người dân đào đất đắp hồ nuôi tôm ở rừng phòng hộ đã có từ những năm trước đây, do từng hộ cá nhân làm. Nếu vi phạm, chúng tôi sẽ báo cáo cấp trên và các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nghiêm”.
Diện tích rừng phòng hộ ven biển, cửa sông bị giảm sút nghiêm trọng. |
Tình trạng lấn đất diễn ra ở nhiều xã
Được biết, không riêng xã Quỳnh Thanh, tình trạng phá rừng ngập mặn để nuôi tôm đã và đang xảy ra ở các xã lân cận như Quỳnh Lương, Quỳnh Thọ, An Hòa...
Cách dòng sông Mơ khoảng 5km, chúng tôi về xã Quỳnh Lương. Nơi đây mặc dù không nằm trong quy hoạch để nuôi trồng thủy sản nhưng một số hộ dân vẫn ngang nhiên lấn chiếm đất rừng phòng hộ để cải tạo hồ nuôi tôm. Thậm chí, có hộ còn tiến hành xây dựng những ngôi nhà kiên cố trên diện tích đất phòng hộ.
Có hộ đã tiến hành xây dựng cả những ngôi nhà kiên cố trên diện tích đất phòng hộ. |
Còn tại xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. Hiện nay, nhiều diện tích rừng ngập mặn ven sông cũng đã được người dân phá bỏ để làm các hồ nuôi tôm.
Trước thực trạng nhiều cây đưng, cây ngăn mặn bị chặt phá, chúng tôi tìm về địa phương thì được người dân nơi đây cho biết: “Đó là những cây trồng từ thập niên 90, còn giờ đây không ai chăm sóc và các vùng đất ven sông này là do nhân dân chúng tôi tự trồng cây lại, chăm sóc và tự khai hoang. Nay, với mong muốn chuyển đổi sản xuất, kinh doanh nên người dân chúng tôi đã đào đất để làm hồ nuôi tôm”.
|
Người dân xã An Hòa cũng đã đào đất dọc cửa sông để làm hồ nuôi tôm. |
Cũng tại xã Quỳnh Thọ, một diện tích lớn rừng trồng phi lao ven biển chắn sóng và bảo vệ đê biển cũng bị chặt phá. Thay vào đó, tại đây mọc lên những bãi tập kết cát biển từ việc nạo hút Lạch Thơi. Rừng phi lao bị tàn phá không những ảnh hưởng đến môi trường mà vào mùa mưa bão, nước biển dâng còn ảnh hưởng trực tiếp đến chân đê ven biển quốc phòng.
|
Rừng phi lao chắn sóng ven biển ở xã Quỳnh Thọ cũng bị cày phá và trở thành bãi tập kết cát nạo vét Lạch Thơi. |
Ông Trần Huy Đạt, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Ban quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu cho biết: “Nguồn gốc rừng ngập mặn khu vực này trước đây là dự án Hội chữ thập đỏ trồng. Tuy nhiên, từ khi ban chưa thành lập, cây tốt lên, bà con tự ý ra chặt rồi tự trồng lại. Do không được quản lý tốt nên đã xảy ra tình trạng trên.
Hiện nay, trong công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị có nhiều bất cập. Phía đơn vị cũng có làm công văn đề xuất, kiến nghị gửi cơ quan cấp trên, kể cả tỉnh và sở để có phương án thu hồi hoặc có biện pháp xử lý. Đến nay, phía đơn vị mới chỉ được giao sơ đồ vùng rừng ngập mặn chứ chưa được giao đất, giao rừng”.
PV An ninh tiền tệ sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tác giả: Ngọc Tuấn
Nguồn tin: antt.vn