Trong tỉnh

Nghệ An: Hiểm họa từ những cây cầu xuống cấp

Cầu yếu, xuống cấp nhưng vẫn phải “oằn mình” chịu tải bởi lượng phương tiện qua lại mỗi ngày. Đó là thực trạng ở những cây xuống cấp tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Những cây cầu già yếu

Cầu Sa Tràn bắc qua sông Vũ Giang thuộc địa phận xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, được làm từ những năm 1984 -1985, vừa phục vụ nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương và phục vụ tưới tiêu cho 2 xã Khánh Thành và Liên Thành.

Một nhịp cầu đã sập hẳn xuống so với các nhịp còn lại và nghiêng sang một bên.

Qua thời gian dài đưa vào sử dụng, hiện nay cầu đã có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân cũng như đe dọa đến sự an toàn mỗi khi qua lại trên cầu, nhất là sau sự cố sập cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ.

Ghi nhận thực tế có thể thấy, cầu dài khoảng 50m, rộng chưa đến 5m. Hai bên cánh gà ở hai đầu cầu có dấu hiệu bị sụt lún, dầm cầu bằng sắt bị ăn mòn theo thời gian dài sử dụng…

Ông Nguyễn Đào Quý – Chủ tịch UBND xã Khánh Thành, cho biết: “Hàng năm, địa phương đều tiến hành sửa chữa nhưng ở mức vừa và nhỏ như làm lại mặt cầu, sửa lại lan can, đánh gỉ sét sơn lại các dầm cầu hạn chế sự ăn mòn của nước.

Hiện nay cầu chỉ cho phép các phương tiện dưới 3,5 tấn được đi qua. Dù đã có chủ trương đầu tư cầu mới của cấp trên, nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên dự án chưa được triển khai”.

Cầu Phú Thọ xã Long Thành hiện nay đã bị rào chắn ngăn người dân liều mình qua lại.

Chị Phan Thanh Hòa, người dân địa phương, cho biết: “Cây cầu này đã xuống cấp từ nhiều năm nay rồi, sợ nhất mùa mưa bão nước sông dâng cao, cây cầu trở nên chông chênh hơn bao giờ hết. Người dân cũng đã kiến nghĩ lên các cấp nhiều làn nhưng đến nay vẫn chưa có cầu mới thay thế”.

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng

Tương tự, một cây cầu ở xóm Phú Thọ nối xã Long Thành với xã Nhân Thành, huyện Yên Thành cũng trở nên nguy hiểm hơn mỗi khi phải đi qua. Do thời gian sử dụng đã lâu và không được trùng tu sửa chữa, khiến cho cây cầu có nguy cơ đổ sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Mặt cầu chỉ vừa đủ cho chiếc xe công nông chạy qua, nên không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Cách đây vài tháng, phần nhịp cầu thứ hai từ xã Long Thành đi qua đã bị sập hẳn xuống so với các nhịp còn lại và nằm nghiêng hẳn. Dưới mỗi nhịp cầu là các dầm sắt nằm gối lên trụ dường như đã bị ăn mòn theo thời gian, có thể gãy sập xuống sông bất cứ lúc nào.

Cầu Máng xã Phúc Thành cũng xuống cấp cần sửa chữa, thay thế.

“Cây cầu này đã hư hỏng từ lâu nay rồi, theo thời gian ngày một xuống cấp hơn, người dân mỗi khi có việc đi qua cầu là bất an lo lắng vì không biết cầu sẽ sập xuống lúc nào. Mới đây một nhịp cầu sập hẳn xuống nên chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, đồng thời dùng cây chắn hai đầu cầu để người dân không liều mình qua lại”, ông Nguyễn Văn Bảy – người dân sống gần đây cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đề – Chủ tịch xã Long Thành, cho biết: “Địa phương còn hai chiếc cầu đã bị cầu bị hư hỏng nhiều năm nay, đây đều là những chiếc cầu vừa phục vụ dân sinh vừa phục vụ đi lại sản xuất của người dân nên đều quan trọng. Người dân cũng đã phản ánh nhiều lần lên xã và xã cũng đã kiến nghị để cấp trên xem xét giải quyết”.

Hai cây cầu ở xã Phúc Thành huyện Yên Thành là cầu Máng xóm Phương Sơn và cầu Khe Chùa xóm Liên Sơn cũng trong tình trạng tương tự. Cầu Máng được xây dựng từ năm 1966, có chiều dài 25m, chiều rộng mặt cầu 2,5m. Vừa là cầu phục vụ việc đi lại, vận chuyển hàng hóa cho khoảng 1500 hộ dân sinh sống xung quanh vừa là máng tưới tiêu nước cho khoảng 20ha đất nông nghiệp.

Người dân bất an lo lắng vì không biết cầu sẽ sập xuống lúc nào

Đây đều là những cây cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc thông thương qua lại của người dân với trung tâm xã, nên người dân phải qua lại mỗi ngày bằng xe thô sơ, còn với xe ô tô cá nhân hay các xe tải chở vật liệu xây dựng thì đành chịu quay đầu.

Ông Trần Thế Anh – Chủ tịch xã Phúc Thành chi sẻ: “So với cầu Khe Chùa, cầu Máng còn quan trọng hơn rất nhiều, vì vừa là cầu dân sinh vừa là đường đi của người dân ở xóm với trung tâm xã. Vào mua mưa bão, nước từ các hồ, đập đổ về với lưu lượng lớn, địa phương năm nào cũng phải thuê máy múc để giữ hai đầu cầu, tránh cầu bị sập cuốn trôi”.

Cầu Sa Tràn xã Khánh Thành hạn chế phương tiện dưới 3,5 tấn đi qua.

Một lãnh đạo huyện Yên Thành cho biết: “Cùng với việc lồng ghép với các dự án của cấp trên, huyện cũng đã đầu tư nhiều cây cầu mới kiên cố hóa đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên vẫn còn nhiều cây cầu đã yếu và xuống cấp, đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương hiện nay.

Việc xây dựng cầu mới rất tốn kém, nên phải chờ dự án và nguồn vốn của Nhà Nước thì mới có thể triển khai xây dựng được”.

Tác giả: Gia Ân - Đức Chung

Nguồn tin: congly.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP