Trong tỉnh

Nghệ An: Chính quyền nói gì về việc khai thác đất trái phép cạnh khu di tích Truông Bồn?

“Chúng tôi sẽ cho công an kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện sẽ gọi báo với cảnh sát môi trường xử lý liền chứ không có chuyện múc đất đó nữa”

Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương cam kết với phóng viên như vậy sau khi bài viết “Nghệ An: Ai tiếp tay cho khai thác đất trái phép cạnh khu di tích Truông Bồn” đăng tải trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Trước đó, vào ngày 10/4, báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài phản ánh về tình trạng khai thác đất trái phép tại khu vực xóm 10, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, sau những gì mà phóng viên cung cấp, phản ánh đến các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An thì đều nhận được câu trả lời là sẽ cho kiểm tra lại.

Các phương tiện vô tư đào bới đất ở xóm 10, xã Mỹ Sơn diễn ra công khai giữa ban ngày

Ngay chiều 9/4, lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cũng đã thành lập tổ công tác để đến hiện trường khai thác đất ở xóm 10, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương nhưng các phương tiện, máy móc đều “án binh bất động”. Theo lãnh đạo phòng Cảnh sát môi trường thì do quãng đường từ Vinh lên huyện Đô Lương phải mất gần 1 tiếng đồng hồ (khoảng hơn 50km) nên không thể xử lý trực tiếp ngay được.

Sau khi báo Diễn đàn Doanh nghiệp đăng tải thông tin liên quan đến tình trạng khai thác đất trái phép ở xóm 10, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương nằm sát QL 15A, khu di tích lịch sử Truông Bồn thì các vấn đề vi phạm các quy định của pháp luật đã được chấn chỉnh.

Các phương tiện vô tư đào bới đất ở xóm 10, xã Mỹ Sơn diễn ra công khai giữa ban ngày

Chiều ngày 13/4, trao đổi với ông Đặng Văn Tú – Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết: “Sau khi nhận được thông tin đã cho lực lượng vô đình chỉ rồi. Từ ngày 26/4 đến ngày 4/4 đã chấm dứt hoạt động múc đất ở ngay cạnh khu di tích Truông Bồn. Vừa qua một số hộ muốn cải tạo đất vườn để làm nhà nhưng tôi không cho vì múc đất đổ trong vườn thì được còn múc đất đi ra ngoài địa bàn là chúng tôi không cho phép. Nếu hộ dân đưa máy móc để cải tạo tại chỗ thì chấp nhận được còn múc đất đi nơi khác là sẽ đình chỉ ngay”.

Để rộng đường dư luận, chiều cùng ngày, phóng viên liên hệ với ông Ngọc Kim Nam – Bí thư huyện uỷ huyện Đô Lương thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn rằng: “Mọi việc chúng tôi thực hiện theo luật pháp”?

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều ngày 13/4, phóng viên tiếp tục gọi điện thoại liên lạc, nhắn tin tới ông Trần Văn Toản – Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Nghệ An) nhưng đều không có hồi âm.

Đến đây, dư luận vẫn chưa có được câu trả lời rõ ràng rằng tại sao ở một nơi có di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, QL 15A đi qua lại liên tục để tình trạng khai thác đất diễn ra “công khai” trong suốt thời gian qua mà không hề bị xử lý, ngăn chặn kịp thời?

Tác giả: Ngọc Thái

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP