Gia đình giáo dân Nguyễn Văn Tùng, xóm 10, xã Tường Sơn được vay vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi gà… đã thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Ủy thác qua các tổ chức chính trị là xương sống triển khai tín dụng chính sách
Năm 2007, gia đình bà Hà Thị Đào, bản Hội 2, xã Châu Hội được Tổ TK&VV thuộc Hội Nông dân bình xét cho vay 10 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ nghèo. Được Hội Nông dân, cán bộ bản, Tổ TK&VV tư vấn, gia đình bà quyết định mua hai con bò sinh sản.
Đến năm 2010 đã sinh sản được thêm bảy bê con, nhưng do thiếu kinh nghiệm, chưa quan tâm đến việc phòng bệnh, nên đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, bò, bê còi cọc. Đến thời điểm nợ đến hạn, gia đình bà Đào bán một con bò, hai con bê để trả nợ. Do điều kiện chi phí học hành của các con dù đã được NHCSXH cho vay từ Chương trình học sinh viên nhưng cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình, do vậy đến năm 2010 gia đình vẫn chưa thoát nghèo.
Đến năm 2011 gia đình bà Đào được vay thêm 15 triệu đồng cùng với vốn tự có mua thêm một con bò và hai con trâu sinh sản. Nhờ học hỏi kinh nghiệm và được hướng dẫn kỹ thuật, công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, đàn trâu bò phát triển tốt. Năm 2013 gia đình được vay thêm tám triệu đồng từ chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư chuồng trại và nước sinh hoạt. Được Nhà nước cấp 14ha rừng, năm 2015 gia đình tiếp tục xin vay vốn chương trình cho vay Hộ sản xuất Kinh doanh vùng khó khăn 30 triệu đồng trồng keo, xen trồng cỏ cho đàn trâu bò.
Sau một thời gian đầu tư chăn nuôi sản xuất có hiệu quả, biết tận dụng tối đa các cơ sở hiện có, gia đình bà Đào đã dần ổn định, có nguồn thu nhập tăng thêm từ sản xuất chăn nuôi, đất rừng được giao được hình thành từ nguồn vốn cho vay từ NHCSXH, đến nay gia đình đã thoát được nghèo vươn lên trở thành hộ khá của xã Châu Hội.
Nay gia đình bà Đào có tổng đàn trâu bò 30 con, mua sắm được một ô-tô tải, một máy xay xát, một máy đóng táp lô, có điều kiện chu cấp cho con út học Khoa Nôn nghiệp của Đại học Vinh. Hiện gia đình đang đào thêm một ao cá để chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia trại sang chăn nuôi theo mô hình trang trại. Việc sản xuất chăn nuôi đã tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình vừa có điều kiện học nghề.
Gia đình bà Lô Thị Hải, bản Bình 1, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu từ nguồn vốn vay ban đầu thông qua Tổ TK&VV thuộc Hội Phụ nữ mua được một con bò sinh sản, được vay tiếp 20 triệu đồng đến nay gia đình đã phát triển được đàn dê 200 con và đàn bò lên đến 30 con, cùng với đó gia đình đã trồng thêm 10ha rừng nguyên liệu (keo). Gia đình bà Hải từ hộ nghèo đã thoát nghèo và trở thành điển hình về mô hình phát triển kinh tế của xã Châu Bình...
Nói về hoạt động tín dụng chính sách, Chủ tịch Hội Phụ nữ cũng xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp Cao Thị Quyền cho biết: Thời gian qua, Yên Hợp không có nợ quá hạn. Có được như vậy là do được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã phối hợp chặt chẽ với ngân hàng chỉ đạo các Hội Ủy thác, các Tổ TK&VV định hướng cho các thành viên vay vốn xác định rõ việc đầu tư xây dựng các mô hình cây con phù hợp theo thế mạnh của từng vùng. Thông qua các tổ chức Hội, Tổ TK&VV nắm rõ trình độ nhận thức về tư duy và khả năng sử dụng vốn nhằm kiểm tra định hướng, tập huấn tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi..., để sử dụng vốn vay có hiệu quả cao. Những hộ nghèo trình độ yếu kém, tổ chức Hội, Tổ TK&VV đến hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng vốn bằng “cầm tay chỉ việc”. Khi đến hạn, các hội, tổ rà soát các thành viên, nếu các thành viên vay vốn gặp điều kiện rủi ro, khó khăn đặc biệt không trả nợ đúng hạn thì các hội ủy thác, các tổ sẽ xem xét hỗ trợ.
Trong năm năm (2011-2015), trên địa bàn huyện Quỳ Hợp đã triển khai xây dựng được mạng lưới với 396 tổ vay vốn và tiết kiệm thuộc bốn hội ủy thác. Đến 31-7, tổng dư nợ là 352 tỷ 980 triệu đồng; huy động tiết kiệm qua Tổ TK&VV đạt 12 tỷ 077 triệu đồng; dư nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,03%/tổng dư nợ. Qua xếp loại có 364/369 tổ xếp loại tốt, năm tổ xếp loại. Các đối tượng được vay vốn đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện Quỳ Hợp xuống còn 20% (tính đến tháng 6-2016) theo tiêu chí mới.
Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An Trần Khắc Hùng khẳng định, với phương thức thực hiện ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện tiết giảm chi phí quản lý, tiết giảm các bộ phận trung gian.
Đến 31-12-2015 các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn Nghệ An đang tham gia quản lý 2.661 tỷ đồng, chiếm 99,51% tổng dư nợ, tăng 1.059 tỷ đồng so với đầu năm 2011; chất lượng tín dụng ủy thác không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn năm 2015 là 0,23%, giảm 0,08% so đầu năm 2011. Các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 3.124 Tổ TK&VV tại 2.057 thôn, bản đến nay 100% thôn, bản trên địa bàn đã có Tổ TK&VV hoạt động, phục vụ cho nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, không còn thôn, bản “trắng” về tín dụng chính sách. Với mô hình tổ chức đặc thù gồm bộ máy quản trị, cùng bộ máy điều hành tác nghiệp tinh gọn và bốn tổ chức chính trị - xã hội làm ủy thác, xây dựng thành công mạng lưới Tổ TK&VV đã giúp cho NHCSXH tỉnh Nghệ An chuyển tải 3.679 tỷ đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng nhanh chóng, thông suốt, đảm bảo công khai, dân chủ theo phương châm “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”.
Ông Trần Khắc Hùng cho biết, phương thức quản lý của NHCSXH hiện nay không chỉ đạt mục tiêu quản lý tín dụng chính sách có hiệu quả mà còn tạo điều kiện cho việc tổ chức thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội, chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư; tạo điều kiện cho chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhất là tại cấp xã thường xuyên tiếp cận với nhân dân, khuyến khích nhân dân góp ý xây dựng chính quyền, hội viên xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo ổn định an ninh, ổn định chính trị tại địa phương.
Góp phần xóa đói giảm nghèo nhanh
Nghệ An là tỉnh dân số đông thứ 4 cả nước; trình độ dân trí giữa các vùng miền khá chênh lệch. Số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác chiếm tỷ lệ khá lớn, đến cuối năm 2010 toàn tỉnh có hơn 164,2 nghìn hộ nghèo (tỷ lệ 22,86%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng miền tây chiếm tỷ lệ cao 36,19%.
Hoạt động tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện ngân hàng đang quản lý và triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ giao và hai chương trình tín dụng chính sách nhận ủy thác tại địa phương. Doanh số cho vay giai đoạn 2011-2015 đạt 3.679 tỷ đồng với 188 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Hơn 92% tổng dư nợ do NHCSXH Nghệ An thực hiện là tập trung vào các chương trình tín dụng dành cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và thực hiện an sinh xã hội. Xét về đối tượng cho vay thì dư nợ cho vay dành cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo chiếm tỷ lệ 81%/tổng dư nợ.
Trong năm năm (2011-2015), nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cho hơn 188 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống; mức đầu tư bình quân cho vay tăng gấp 1,8 lần (từ 13 triệu đồng/hộ năm 2011 lên 24 triệu đồng/hộ năm 2015); nhờ đó có hơn 23,4 nghìn hộ nghèo đã thoát nghèo, hàng chục nghìn hộ nghèo cải thiện về đời sống và có chuyển biến về nhận thức cũng như cách thức làm ăn; nguồn vốn từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã thu hút và tạo việc làm ổn định cho trên 4,8 nghìn lao động, 1.535 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; hàng chục nghìn hộ kinh doanh vùng khó khăn có vốn sản xuất, kinh doanh; hơn 10,8 nghìn hộ nghèo được vay vốn từ Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, giúp người nghèo có nhà ở kiên cố, ổn định, xóa bỏ tình trạng nhà tạm bợ dột nát cho người nghèo; nguồn vốn từ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên đã tạo điều kiện cho 32,7 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đi học; hay nguồn vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp 21,4 hộ sinh sống tại vùng nông thôn vay vốn xây dựng 39,9 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 22,86% đầu năm 2011 xuống còn 7,5% cuối năm 2015 theo tiêu chí chuẩn nghèo giai đoạn (2011-2015), trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng miền núi giảm từ 36,19% (đầu năm 2011) xuống còn 15,7% và thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại cho biết: Những năm qua nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, tại các huyện miền núi, huyện nghèo 30a, bám sát Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng miền tây Nghệ An, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo 10 huyện miền núi thuộc đề án thực hiện công tác quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương, nhằm phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng. Đồng thời, chính quyền địa phương đã thường xuyên phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn về cách phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi... Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế được triển khai và mang lại hiệu quả cao, điển hình như mô hình trồng chanh leo tại các xã thuộc huyện nghèo Quế Phong; mô hình chăn nuôi đại gia súc sinh sản, đại gia súc lấy thịt, chăn nuôi gà đen, tại huyện nghèo Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.
Cùng với đó, các dự án trồng rừng sản xuất quy mô lớn (chủ yếu là mô hình trồng cây keo lai và cây thông lấy gỗ và bột giấy) phát triển mạnh tại các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn; hay các mô hình kinh tế trang trại, khai hoang, phục hóa, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế lớn tại các huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn; các mô hình trồng cây công nghiệp, vùng cây nguyên liệu giá trị cao (cà-phê, cao-su, chè, mía..) tại các huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Tân Kỳ…
Với nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp và ổn định, thời hạn cho vay tương đối dài kết hợp với sự hỗ trợ kịp thời từ chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, định hướng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ kiến thức… là những yếu tố quan trọng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nói chung và hộ nghèo, đối tượng chính sách tại miền tây Nghệ An nói riêng sử dụng vốn vay có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Minh Thư