Hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn tồn tại, thậm chí phát triển tệ bói bài, xem giò gà, nhất là dịp sau mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng.
Đúng như dân gian ta có câu tục ngữ: Xem bói ra ma, quét nhà ra rác. Thể nào sau khi xem bói, chủ nhà cũng phải nhờ vả đến "thầy", nếu không thì sắm sửa lễ vật theo lời "thầy" và tự cúng cầu, giải hạn. Chẳng rõ sự việc linh nghiệm đến mức nào, chỉ biết sau các buổi cúng cầu, không ít trường hợp tiền mất tật mang, tự rước họa vào thân.
"Thầy" Gái ở xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị hành nghề bói bài quanh năm, khách đến đông nhất kể từ sau mùng 1 Tết cổ truyền đến giữa tháng Giêng.
Năm nay, gần cuối tháng Giêng mà nhà "thầy" Gái vẫn đông nghịt người. Khách đến xem bói ngồi tràn ra khoảng sân rộng. Không mê tín, cũng chẳng mấy khi để ý tới việc đi xem bói toán, hay cúng cầu của những người xung quanh, nhưng việc đi lần này của tôi là vì một người bạn.
Bạn chúng tôi, anh Hải có những vướng mắc trong công việc suốt một năm qua. Là bạn bè gắn bó với nhau đã lâu, nên khi một đứa có chuyện buồn, cả nhóm liền chia sẻ, giúp đỡ như anh em ruột.
Và, mặc dù đã nhiều lần sẻ chia, động viên, thậm chí giải thích cho Hải hiểu không nên tin vào chuyện có người âm, tâm lý con người khi đã gặp chuyện không may, nhất là chuyện không may này kéo dài, thì thường rất bất an. Bởi vậy, bạn chúng tôi quyết định tìm thêm nơi để "chia sẻ", trấn an mình. Đó là thầy bói.
Người đến nhà "thầy" Gái xem bói bài luôn đông đúc. |
"Cậu năm vừa rồi có dính đến luật pháp, nhưng may có bà cố giúp đỡ nên mọi việc mới tai qua nạn khỏi", "thầy" Gái vừa phán vừa quan sát sắc mặt Hải. Tất nhiên, mặt bạn chúng tôi lúc đó tái đi rất nhanh, vì sự rắc rối nói trên đúng là có dính dáng đến pháp luật.
Lẽ thường, khi ai đó đánh trúng tâm lý của người đang gặp rắc rối mà tự người đó không giải thích được thì dễ tin vào lời lẽ ấy gần như tuyệt đối. Trong trường hợp này, Hải không nghĩ rằng cuộc sống xung quanh chúng ta, cái gì nhiều hay ít đều có liên quan đến pháp luật. Lời "thầy" Gái chẳng khác nào mưa từ trên cao đổ xuống, chỗ nào mà chẳng ướt.
Khi thấy Hải lặng đi, "thầy" Gái phán tiếp: "Năm nay cũng còn dính dáng đến pháp luật chút ít, nhưng yên tâm; về xây mới hoặc sửa sang lăng mộ bà cố, sắm sửa lễ vật vàng mã giấy áo cúng khấn tử tế, là tai qua nạn khỏi".
Lúc ra về, Hải vẫn còn điều băn khoăn nên hỏi "thầy" Gái: "Những người ghét em, họ như thế nào vậy thầy?". "Thì họ cũng ở quanh em thôi. Ờ mà trong số họ có cả bạn bè nữa đấy. Nhớ là đừng tin ai ngoại trừ cha mẹ, anh em ruột thịt và vợ con mình. Bạn bè thân thiết mấy cũng nên chừng mực. Riêng những người có tên chữ đầu là M. và K. thì tuyệt đối không nên chơi". Bạn chúng tôi đều có 2 chữ đầu ấy, nên cảm thấy rất khó chịu…
Liên tiếp 3 tuần sau đó, Hải luôn lảng tránh mọi người cho đến một hôm con trai Hải không may bị TNGT. Hôm đó, cả Minh và Kha (bạn chúng tôi) đang chạy xe máy, đoạn qua thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, Quảng Trị thì thấy đông bà con xúm lại.
Một số người cố vẫy đón những chiếc xe ô tô đang chạy trên Quốc lộ 9. Minh và Kha tá hỏa phát hiện người bị tai nạn nằm bên đường, đang được bà con chăm sóc là con trai của bạn. Họ cố gắng thay nhau liên lạc với Hải, vợ con Hải, và tất cả những người thân trong gia đình, nhưng không một ai nghe máy.
Khi vợ chồng Hải đến, cháu Linh, con trai của họ đã tạm qua cơn nguy kịch nhờ vào việc đưa đi cấp cứu nhanh chóng của Minh và Kha, sự kịp thời cứu chữa, phẫu thuật sọ não của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. Sau này, ai cũng biết lý do Hải và người nhà đều từ chối việc nghe điện thoại gọi đến của hai 2 người bạn kia.
"Cơ sở" xem bói của "thầy" Gái cách UBND xã Gio Hải chỉ vài trăm mét. |
Điều mà Hải cảm thấy ngậm ngùi, khổ sở và hổ thẹn cho đến bây giờ là sự suy nghĩ, cách xử sự của bản thân vì quá tin vào lời thầy bói. Do tin vào lời thầy bói nên ngay sau khi đi xem bói về, vợ chồng Hải đã cầm cố nhà cửa, vay mượn tiền để xây mới một lăng mộ nguy nga cho bà cố vốn đã được xây lăng mộ trước đó, đến thời điểm phá bỏ để xây mới vẫn còn khá mới và đẹp.
Vợ chồng Hải cũng hổ thẹn vì sự chia sẻ, giúp đỡ hiện tại của 2 người bạn. Biết gia đình bạn không thể xoay xở, vay mượn thêm được tiền bạc, Minh và Kha đã bán những thứ có giá trị trong gia đình của mình để giúp vợ chồng Hải có thêm nguồn tiền điều trị kịp thời, tốt nhất cho con trai của họ, mà không hề để bụng những gì vợ chồng, người thân trong gia đình đó đã suy nghĩ, xử sự không đúng với mình.
Ở huyện Gio Linh, Quảng Trị có một ngôi làng nhiều người học hành đổ đạt cao, nhưng không ít người ở đó vẫn hành nghề bói, cúng. Thầy giáo dạy cấp 2 của chúng tôi ở làng này.
Dịp thầy trò, lớp cũ gặp mặt nhau đầu năm mới, thầy kể một câu chuyện nghe hài hước, nhưng có thật và đau lòng về việc người chuyên xem bói ở làng thầy.
"Ông thầy" bói đó tên là Đệ. Những năm lại đây, người làng không còn ai tin vào trò bịp của "thầy" Đệ. Vậy nên, khách đến xem chỉ còn người ngoại xã. Chẳng rõ "thầy" Đệ phán thế nào, thời gian qua, người nông dân làng Mạ, xã X rất ít khi gặp nhau.
Thầy giáo chúng tôi thường đến làng này thăm bạn bè cũ, thấy sự việc không mấy bình thường nên tìm hiểu qua những người bạn. Sau này, thầy biết sự việc không bình thường ấy là do "thầy" Đệ gây ra. Người làng Mạ mỗi khi đến xem bói, "thầy" Đệ đều phán: "Ở đời có rất nhiều người thương, nhưng cũng có không ít người ghen ghét cô/ chú. Người ghen ghét ấy có nước da ngăm ngăm đen…".
Người nông dân làng Mạ lúc đầu nửa tin nửa ngờ lời "thầy" Đệ. Nhưng về sau khi có một số việc không may xảy ra với gia đình mình, họ nhìn tới nhìn lui cũng chỉ thấy bà con, xóm làng. Việc tìm hiểu không có kết quả, họ bỗng nhớ tới lời "thầy" Đệ, rồi quy kết cho những người xung quanh.
Họ đâu biết rằng, người làng Mạ mấy khi đi xa mà có người khác ghen ghét, nông dân làng Mạ hay nông dân ở đâu cũng vậy, nước da họ bao giờ cũng có màu ngăm ngăm đen…
Chuyện bà con nông dân ở làng Mạ bỗng dâng ghét nhau và trở thành một "bệnh dịch", khiến thầy giáo của chúng tôi vừa buồn vừa giận. Một hôm, thầy quyết định đến nhà "thầy" Đệ để hỏi chuyện cho phải quấy.
- Đệ này! Chỗ người làng, cũng là chỗ bạn bè với nhau từ nhỏ nên mình hỏi thật bạn một việc và rất không bằng lòng với bạn về việc… Chưa nói dứt câu, "thầy" Đệ bỗng cười khoan khoái, trả lời cắt ngang, bởi dường như đã đoán trước được điều người khác muốn hỏi lúc này: "Bạn hỏi mình việc xem bói bài chứ gì? Cũng là một cách kiếm sống thôi mà". "Nhưng bạn có biết bà con ở làng Mạ bây giờ ai cũng ghét nhau vì tin vào lời bạn nói. Điều đó có đáng không? Có phải tội với người khác không? Bạn đã bịp bợm họ khi ai tới xem, bạn cũng bảo chỉ mỗi một nội dung thương và ghét", thầy giáo của chúng tôi bảo.
Nghe vậy, "thầy" Đệ ậm ợ đáp: "Thì bạn thấy đấy, ai cũng trả mình 20 ngàn". Câu chuyện một lúc sau trở nên căng thẳng. Thầy giáo chúng tôi ra về, khuôn mặt thầy tái đi vì giận.
Chuyện bói bài, xem giò gà không chỉ có ở nông thôn mà còn khá phổ biến ở thành thị. Ở khu vực cầu vượt đường sắt, khu phố 6, phường 1, TP. Đông Hà, Quảng Trị có "ông thầy" Bạo nổi tiếng với việc bói toán này.
Một hôm, ông nội của cu Ặng (5 tuổi), ở khu phố 1, Đông Lương, Đông Hà đi xem bói giò gà ở "ông thầy" Bạo về mặt mày tái mét. Bà nội của cu Ặng gặng hỏi mãi, ông nội mới chịu trả lời: "Sớm muộn tôi cũng nói cho bà biết, nhưng mấy hôm nay tôi đang lo lắng suy nghĩ. Chuyện là, năm nay gia đình mình sẽ gặp chuyện buồn, đại tang".
Ông nội cu Ặng chưa nói hết, bà nội đã lòng như lửa đốt, hỏi tới tấp: "Thầy Bạo nói thế nào? Thầy Bạo nói thế nào?". Khuôn mặt ông nội cu Ặng mỗi lúc một tối sầm lại. Ông bỗng thở dài thườn thượt: "Giò gà tụ máu đen, cái bị chỉ, báo hiệu một sự việc không may; gia đình có đại tang trong năm nay, sau đó là ông bà, cha mẹ, con cháu lục đục vì trên bảo dưới không nghe".
Một "cơ sở" xem bói ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị nằm gần Quốc lộ 9. |
"Thế thầy có bảo cách cúng cầu, giải hạn thế nào không? Phải có cách giải ấy chứ!", bà nội hỏi ông nội cụ Ặng mà như tự trả lời cho mình. "Có chứ! Tôi định bàn với con trai và con dâu, nhưng thôi, vì chúng chẳng mấy khi tin.
Bà với tôi cứ lặng lẽ sắm sửa lễ vật để 22 tới thầy Bạo đến cúng", ông nội cu Ặng bảo và cho biết thêm: "Căng nhất là phần con ngựa, vì việc đặt làm ngựa họ phải có thời gian. Mộ ông cố nội bị động, cần cúng giải và sắm sửa con ngựa cho ông nội đi lại, vì trước lúc mất ông cũng chỉ biết đi ngựa".
Chiều hôm đó, ông nội cu Ặng vội vã về làng Phú Hải, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, nơi chuyên làm nghề phục vụ… "cõi âm", đặt làm một con ngựa giấy theo lời dặn của thầy Bạo, với kinh phí 6 triệu đồng.
Chừng 3 ngày sau, ông nội cu Ặng trở lại nhận hàng, nhưng vì con ngựa y như thật, lại quá "khủng" nên ông không thể chở về bằng xe máy, mà phải thuê một chiếc xe ba gác kéo từ dưới đó lên Đông Hà hơn 3 chục cây số.
Khi ngựa về đến nơi và được đặt ra sân thì xảy ra chuyện không may. Thằng cu Ặng đang mãi mê chơi trò nấu ăn với chị, nhìn ra bỗng thấy con ngựa to đùng ở sân, nó liền chạy ùa ra rồi lấy hết sức bình sinh nhảy phóc lên con ngựa để cưỡi.
Vì ngựa giấy, sức nặng của đứa trẻ hơn ba chục cân nên con ngựa này lập tức bị bẹp dúm. Ông nội cu Ặng lúc đó người như bị điện giật, đang đứng thẳng nhìn ngắm con ngựa, bỗng ngồi sụp xuống, vô hồn. Rồi ông điên lên vì giận dữ, bao nhiêu đòn roi cứ quất ừ ự vào thằng cháu nội đích tôn mà bấy lâu nay ông vốn rất cưng chiều.
Một ngày sau trận đòn roi bất ngờ, thằng cu Ặng bỗng bị sốt nặng. Các Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị bảo thằng bé bị sốt do bị chấn thương nhiều nơi trên cơ thể cộng với việc bị sang chấn tâm lý nên tình hình sức khỏe có phần xấu.
Một tuần nay, anh Trung bố thằng bé vẫn đang giận đến mức không nhìn mặt bố mình. Còn ông nội cu Ặng thì như người đã tĩnh cơn say. Cái chân gà bị tụ máu cũng do chính thằng cu Ặng và chị của nó nghịch. Biết ông bà nội hay đi coi bói giò gà, và có lẽ ai đó đã xúi chúng nên chúng lấy chiếc sắt nhọn lén đâm vào bàn chân con gà này trước lúc nó bị giết mổ.
Ông nội cu Ặng hết vào phòng bệnh nhìn thằng cháu nội thương xót, nước mắt chảy ròng ròng, lại ra hành lang bệnh viện ngồi một mình. "Đúng là tiền mất, tật mang, bói với toán", ông tự xỉ vả, đay nghiến bản thân mình như vậy.
Tác giả: Phan Thanh Bình
Nguồn tin: Cảnh sát toàn cầu