Cuộc sống

Ly hôn là… đòi lại quà

Khi tình cảm đang mặn nồng, người trong cuộc thường chẳng tiếc gì, sẵn sàng chia sẻ với đối phương tất cả những gì mình đang có.

Nhưng, lúc yêu thương phai nhạt, hôn nhân đổ vỡ, ngay đến những món quà từng tặng nhau cũng khiến họ tiếc rẻ, nằng nặc đòi lại...

“Của hồi môn” là chung hay riêng?

Theo văn hóa của người Việt, trong lễ cưới các con, bậc sinh thành và họ hàng hai bên thường trao cho con cháu những món nữ trang như vòng cổ, nhẫn, hoa tai... gọi là “của hồi môn”. Những món quà này mang ý nghĩa giúp đôi trẻ có điều kiện gây dựng cuộc sống chung. Khi đó, chẳng ai nghĩ cuộc hôn nhân sẽ có lúc tan vỡ, nhưng thực tế vẫn có không ít trường hợp như thế và “của hồi môn” bỗng dưng thành cái cớ đưa hai người trẻ vào “cuộc chiến” phân chia.

Xét xử những vụ việc như vậy, trước đây, các thẩm phán vẫn áp dụng Nghị quyết 01/1988/ NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Cụ thể: “Đồ trang sức mà vợ/chồng được cha mẹ vợ/ chồng tặng, cho riêng ai trong ngày cưới là tài sản riêng; nhưng nếu được cho chung với tính chất tạo vốn cho đôi trẻ làm ăn được tính là tài sản chung của vợ chồng”. Tuy nhiên, tại Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ra đời thay thế Nghị quyết 01, việc chia “của hồi môn” là nữ trang đã không còn được quy định. Luật Hôn nhân gia đình 2014 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cũng không có quy định liên quan đến phân chia tài sản là nữ trang, trang sức.

ly hon la doi lai qua 8846400
Ảnh mang tính minh họa

Tìm đến văn phòng luật sư, anh Tùng (Q.8) khổ sở hỏi thăm cách lấy lại số nữ trang mà... vợ anh đang cất giữ, ước tính năm lượng vàng. Anh cho biết, trong đó có một lượng vàng được cho tặng bởi cha mẹ vợ mà nguồn gốc tài sản là của anh; do gia đình vợ khó khăn nên anh đã xuất tiền mua đưa cho ông bà. Một lượng vàng nữa là quà tặng của cha mẹ anh, ba lượng còn lại thuộc về họ hàng anh. Dù việc cho tặng diễn ra trong ngày cưới, mọi người trao hết cho cô dâu, nhưng “truy” nguồn gốc, thì toàn bộ số nữ trang nói trên là của anh và phía gia đình anh. Nửa tháng sau ngày cưới, hai người đăng ký kết hôn. Bảy tháng chung sống phát sinh nhiều mâu thuẫn, họ thống nhất ly hôn, “ân oán” chung chính là số nữ trang mà ai cũng khăng khăng là tài sản riêng của mình.

Theo luật sư Đặng Đức Trí - Giám đốc Hãng luật ROMA, nữ trang ngày cưới đã không còn được hướng dẫn phân chia, nên mọi tranh chấp sẽ được xác định dựa vào thời điểm hai người xác lập quan hệ vợ chồng. Cụ thể, nữ trang trao cho cô dâu/chú rể trước khi hai người đăng ký kết hôn, thì số tài sản được trao cho ai sẽ là tài sản riêng của người đó. Ngược lại, nếu tài sản được trao tặng sau khi đã đăng ký kết hôn, thì áp dụng Luật Hôn nhân - gia đình 2014, tính là tài sản chung giữa vợ chồng - trừ trường hợp cô dâu/chú rể được cha mẹ, họ hàng cho tặng riêng. Dù giải quyết theo quy định, nhưng sự phân chia quà cưới là nữ trang chưa bao giờ dễ dàng đối với các tòa án.

Yêu thương đi qua, nợ nần ở lại

Từ thuở yêu nhau hoặc khi đã bước vào hôn nhân, nhiều người vẫn chọn bày tỏ tình cảm thông qua việc tặng quà. Khi đó, ý nghĩ đòi lại hay trả lại quà tặng không mảy may xuất hiện trong suy nghĩ của các bên. Nhưng thực tế chia tay/ly hôn là đòi lại quà vẫn xảy ra hàng ngày, với rất nhiều lý do, mà nguyên nhân chính vẫn là từ sự ích kỷ, lòng căm ghét hoặc toan tính thiệt hơn lúc yêu thương không còn.

Mới đây, bà Phượng (Q.4) đã buộc phải trả lại chiếc ô tô cho… người em chồng trong phiên xử ly hôn, tranh chấp tài sản chung giữa bà và chồng là ông Hào. Thời kỳ hôn nhân, ông Hào mua tặng vợ chiếc ô tô nhưng lại do em gái ông đứng tên. Ai cũng biết ô tô được mua bằng tiền của ông Hào, nhưng không thể chứng minh được đó là tài sản chung của vợ chồng, huống hồ lại là quà tặng - lẽ thường người nhận vẫn cho là thuộc sở hữu của mình. Bà Phượng ấm ức: “Hồi đó, ông Hào khăng khăng tặng tôi chiếc ô tô, là vợ chồng, tôi đâu nghĩ có ngày ông ấy đòi lại, càng không quan tâm ai đứng tên sở hữu chiếc xe”.

Điều 466 Bộ luật Dân sự quy định việc tặng cho động sản cụ thể là hợp đồng tặng cho (bao gồm bằng lời nói) có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận được tài sản - gồm những quà tặng không phải đăng ký quyền sở hữu như: nữ trang, điện thoại…; đối với động sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho chỉ có hiệu lực vào thời điểm đăng ký - tức bên tặng cho chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho - gồm ô tô, xe máy, kim cương… Quy định là vậy, nhưng theo các luật sư, do thiếu kiến thức pháp luật lẫn tâm lý chung của người Việt thường coi món quà bất kể giá trị cao hay thấp, có bắt buộc đăng ký quyền sở hữu hay không, một khi được cho tặng là đã thuộc về mình, nên việc giải quyết tranh chấp sau đó luôn nhập nhằng.

Không riêng hiện vật, quà tặng là tiền cũng nhập nhằng không kém. TAND TP.HCM đang thụ lý đơn kiện của bà Tâm, dự kiến xét xử vào tháng Tám tới. Cho rằng giữa mình và chồng, ông Jimmy Trần, không có tài sản chung sau hai năm hôn nhân; nhưng bà Tâm lại bị ông Trần đòi số tiền bằng trị giá căn hộ bà đang ở.

Theo đó, sau kết hôn, ông Trần quay về Mỹ để tiếp tục công việc. Rồi ông có nhân tình nên bà Tâm xin ly hôn. Ông Trần khăng khăng suốt hai năm yêu nhau, ông đã nhiều lần gửi tiền cho bà Tâm. Ngoài tiêu vặt, bà Tâm đã gom góp số tiền được cho mua một căn hộ đứng tên mình khi chưa đăng ký kết hôn.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Giám đốc Công ty luật Đức Chánh) phân tích: “Nếu ông Trần chứng minh được các khoản tiền gửi về không phải mục đích cho tặng, thông qua chứng từ - như ghi rõ gửi về cho bà Tâm mua nhà hoặc cho mượn… thì ông Trần có khả năng đòi lại được. Ngược lại, nếu trong giấy gửi tiền không đề cập đến mục đích gửi tiền thì việc đòi lại là bất khả vì khó có thể chứng minh số tiền ông gửi về được bà Tâm dùng vào việc mua nhà tại Việt Nam”.

Ngay cả việc xác định quà tặng là tranh chấp dân sự hay tài sản trước/ trong thời kỳ hôn nhân, mỗi tòa lại có một cách giải quyết khác. Đơn cử như việc người trong cuộc dùng 10 lượng vàng được tặng lúc đang yêu vào mục đích kinh doanh sinh lợi nhuận trong hôn nhân, có tòa sẽ xử trên con số 10 lượng vàng nhưng cũng có tòa sẽ xử trên tổng tài sản được làm ra từ 10 lượng vàng đó. Vì vậy, theo các luật sư và thẩm phán, để đảm bảo quyền lợi, sẽ không có gì quá đáng khi các bên cho tặng, kể cả bất động sản hay động sản, nên luật hóa cụ thể các thỏa thuận.

Tác giả bài viết: Tuyết Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP