Gốc tích của một lời nguyền
Chẳng phải hai làng có “thâm thù oán hận” gì để thề độc với nhau, cũng không phải gái làng An Nhân không dịu dàng, đằm thắm, nết na xinh đẹp hay trai làng Thông không cần cù, siêng năng, chăm chỉ như trai làng khác.
Mường tượng trong trí nhớ của mình, ông Lại Văn Đức, làng An Nhân một người đã có 43 năm làm công tác đưa thư cho xã Yên Tân kể lại, ông không biết rõ lời nguyền ấy có từ bao giờ nhưng từ khi sinh ra ông đã được nghe bố kể lại. Con sông Thiên Phái là ranh giới tự nhiên giữa làng Thông và làng An Nhân.
Dòng sông Thiên Phái bắt nguồn từ dãy núi Đọi Sơn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chạy vòng qua đất Ý Yên ôm quanh ngọn núi Tiên Sa rồi đổ ra cống Hoàng Đan, hòa vào dòng sông Đáy
Dòng sông Thiên Phái bắt nguồn từ dãy núi Đọi Sơn huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chạy vòng qua đất Ý Yên ôm quanh ngọn núi Tiên Sa rồi đổ ra cống Hoàng Đan, hòa vào dòng sông Đáy. Ít ai biết được rằng làng quê yên bình với mái đình cổ kính, cây đa bến nước ấy trước đây đã từng sảy ra một cuộc tranh chấp vô cùng cam go vì dòng sông có tên Thiên Phái.
Ngày ấy khi người Pháp đắp cống ở thượng nguồn lại, khiến cho dòng sông Thiên Phái ngày càng nhỏ lại, từ đó nước cũng dần ít đi và nguồn thức ăn là tôm cá cũng ngày càng khan hiếm. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nguồn thức ăn lại bị cạn kiệt khiến cho những người nông dân càng phải thắt lưng buộc bụng. Hai làng An Nhân và làng Thông làng nào cũng muốn dành con sông về mình để đánh bắt tôm cá. Từ đó diễn ra một cuộc tranh chấp phân chia ranh giới dòng sông, khiến nhiều cuộc “đụng độ” đã xảy ra.
Ngồi nhâm nhi chén trà đặc, ông Nguyễn Cao Phong (84 tuổi), xã Yên Tân nhớ lại, ngày ấy cả hai làng bắt đầu tranh chấp nhau con sông, không làng nào chịu thua, phía nào cũng cho là mình đúng và đòi giành con sông về phần mình.
Lục đục bắt đầu diễn ra giữa hai làng, hễ cứ dân làng nào sang xâm phạm địa phận được cho là của làng kia là hai bên lại “chiến đấu” lẫn nhau, từ các cụ cao niên cho đến trai tráng, phụ nữ trong làng bỏ công bỏ việc, bỏ buổi để bàn bạc sẵn sàng giành lấy con sông về phía làng mình. Ngày ngày các cụ bô lão trưng dụng Đình làng làm nơi để bàn mưu tính kế cướp lấy con sông, giữ lấy nguồn sống cho làng mình.”
Thanh niên trai tráng làng nào cũng ngày thì lo ra đồng cày cuốc, đêm đến lại chuẩn bị gậy gộc để đi đánh nhau. Dù chưa nghe đến chuyện có án mạng nhưng sứt đầu mẻ trán thì nhiều vô kể.
Thôn An Nhân đất chật người thưa nên quyết định bàn bạc “đánh nhanh rút gọn” phía bên kia là thôn Tiêu Bảng Hạ (làng Thông) đất rộng người lại đông nên thừa thế tha hồ càn quét, dùng ghe thuyền chở các thanh niên trai tráng vác gậy gộc qua lấn át. Thôn An Nhân biết bên mình ít người và yếu thế hơn nên đã cậy nhờ đến công lý và thống nhất viết đơn khởi kiện.
Ông Lại Văn Đức nhớ lại lúc lớn lên ông đã nghe bố ông kể lại gốc tích về lời nguyền
Đơn kiện đến được tay của quan tri huyện khi đó diễn ra một phiên xét xử. Quan tri huyện mới đặt ra một câu hỏi cho cả hai làng: “Nếu cho rằng dòng sông ấy là của làng mình thì dòng sông ấy có tên là gì?”. Dân An Nhân nghe quan tri huyện hỏi mới ngớ người ra. Xưa nay người làng chỉ biết thả đăng, kiếm cá chứ có ai để ý xem con sông tên gì? Lúc ấy, người dân làng Tiêu Bảng Hạ mới trình bày: “Sông ấy là sông Thiên Phái”.
Nghe câu trả lời thấy hợp lý, quan xử dân Tiêu Bảng Hạ dành phần thắng. Thế nhưng, dân làng An Nhân lại cho rằng lý do thua kiện là do làng Tiêu Bảng Hạ khi đó có ông Phủ Ngọc là người làng, làm quan to dẫn đến kết quả vụ kiện. Thua mà không phục nên các cụ làng An Nhân đã có một lời thề độc: “Từ nay về sau, trai gái hai làng nếu lấy nhau thì sẽ đứt quãng, gãy đòn gánh, không ai được hạnh phúc tới đầu bạc răng long”.
Hai làng An Nhân và làng Thông hiện nay đã khác xưa nhiều, những con đường được bê tông hóa trải dài khắp ngả đường, những mái nhà vững chãi, hiện đại và kiên cố mọc lên san sát. Nhưng dòng sông Thiên Phái một “nhân chứng” sống vẫn còn đó.
Năm tháng qua đi, lớp trẻ lớn lên, những hằn thù bị xóa nhòa, trai gái hai làng sống rất chan hòa với nhau, cũng đã có nhiều đôi nảy sinh tình cảm với nhau. Mặc dù hai bên gia đình không ai đe dọa, ngăn cấm trai gái hai làng yêu thương nhau nhưng họ chỉ trở thành bạn bè chứ không kết hôn, không ai dám vượt qua cái rào cản đó vì sợ cái cảnh “người đi, kẻ ở” hoặc “giữa đường đứt gánh”, không thì không đôi nào được trọn vẹn.
Lời nguyền cũng chỉ là tích xưa truyền lại
Ngồi nhẩm tính lại, ông Phong cho biết: “ Trai gái 2 làng nên duyên vợ chồng cũng được khoảng hơn chục đôi. Nhưng không có đôi nào được “thuận buồm xui gió”, đôi nào cũng người thì mất vợ, người mất con, kẻ thì mất chồng không thì cũng ốm đau bệnh tật liên miên”.
Ông Phong cũng kể lại, lúc tranh chấp dòng sông làng Tiêu Bảng Hạ không chỉ muốn lấy dòng sông mà còn đòi cả phần ruộng bên kia sông mãi tới tận lũy tre làng. Trong số những ruộng đó có cả phần đất Vua ban cho dân làng An Nhân trồng cấy, để trông nom ngôi Đình thờ Minh Quốc Uy Linh Đại Vương.
Ông Phong kể thêm: “Ngày đó ông Phủ Ngọc là người của làng Tiêu Bảng Hạ đã vẽ lại bản đồ khiến con sông nằm lệch về phía làng Thông nhằm chiếm con sông đó. Cho đến khi làng An Nhân biết nhưng không làm gì được bèn kêu Thánh, khi đó Thánh linh ứng làm mù mắt ông Phủ Ngọc. Đến lúc lâm chung nằm trên giường bệnh, không hiểu do ân hận, dằn vặt hay do những ám ảnh nào đó, ông đã dặn dò con cháu: “Sông của An Nhân, ruộng của làng An Nhân phải trả về cho An Nhân”.
Dòng sông Thiên Phái nay chỉ còn là một con kênh nhỏ phục vụ việc tưới tiêu. Người dân 2 làng hòa thuận, sống đùm bọc lẫn nhau
Vụ kiện tranh chấp dòng sông ấy đã qua cách đây hàng trăm năm, dòng sông Thiên Phái ngày ấy giờ đây đã không còn như xưa mà chỉ còn là một con kênh nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Cho tới bây giờ chỉ có những cụ cao niên mới biết được lịch sử không mấy vui vẻ của con sông. Không biết tranh chấp đã được hoá giải chưa nhưng cả hai làng đã đều chung sống hoà thuận với nhau, yên ấm và hài hoà.
Trong thời điểm hiện tại, vẫn còn đâu đó những lời bàn tán, vẫn có những người lo lắng cho các đôi bạn trẻ vì “lời nguyền" độc địa mà cổ nhân xưa để lại. Nhưng trai gái hai làng đã cùng nhau vượt qua "lời nguyền" của cổ nhân để tìm hiểu, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau đi đến hôn nhân hạnh phúc.
Tác giả bài viết: Việt Linh
Nguồn tin: