“Nung gốm là công đoạn mệt và vất vả nhất. Giữa trời nắng oi bức, vẫn phải thay phiên nhau đốt lửa. Có hôm đang nung trời bỗng đổ mưa, những lúc như vậy lại phải huy động thêm người che chắn để công việc được hoàn thành. Nếu bỏ dỞ coi như mẻ gốm đó vứt đi. Cũng vì việc phải dầm mưa, dãi nắng liên tục nên ai làm nghề này cũng mắc các bệnh về xương khớp. Do đó, người dân Trù Sơn thường gọi đây là nghề “bán xương, nuôi thịt”, bà Long tâm sự.
Cái chuầy làm của hồi môn
Năm nay đã 65 tuổi, nhưng hai tay bà Nguyễn Thị Long (ngụ xóm 11, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) vẫn thoăn thoắt nặn đất thành những chiếc nồi đất, ấm sắc thuốc tròn trịa, bắt mắt. Vừa làm, bà kể chuyện: “Lên 6, 7 tuổi tôi đã học nghề từ bố mẹ. Giờ ngót nghét gần 60 năm vất vả nhưng tôi luôn cảm thấy yêu chân lấm, tay bùn này”.
“Thời trước, con gái làng Trù Sơn đi lấy chồng được bố mẹ tặng cho cái chuầy (cái bàn xoay gốm) làm của hồi môn. Từ món quà đó, các cô gái bắt đầu nối nghiệp gia đình. Bản thân tôi cũng được bố mẹ tặng của hồi môn, vật kỷ niệm đó tôi luôn cất giữ cẩn thận”.
Làng Trù Sơn được biết đến là nơi duy nhất làm ra các loại nồi bằng đất ở xứ Nghệ. Không những thế, đây có thể là ngôi làng duy nhất trong cả nước còn làm các loại nồi bằng đất. Do vậy, ngoài cái tên Trù Sơn, nơi đây được gọi là làng “nồi đất”.
Tuy không có tài liệu nào chứng minh rõ nguồn gốc nhưng theo người làng, làm gốm có từ thời nhà Trần. Tương truyền, một công chúa con vua Trần truyền dạy cho người dân vào đây khai hoang lập đất. Trải qua nhiều thế hệ, làng nghề ngày càng phát triển bằng kỹ thuật rất đơn giản là truyền miệng và cầm tay chỉ việc.
Gốm Trù Sơn có nét đặc biệt vì đây là loại còn giữ được những nét cơ bản nhất của gốm cổ. Sản phẩm gốm ở đây dù không sặc sỡ, bắt mắt và tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Độc đáo hơn, khi sử dụng các sản phẩm gốm để nấu thức ăn hoặc sắc thuốc đều giữ được mùi thơm, hương vị vốn có của đồ nấu. Thậm chí, nhiều nơi còn dùng nồi đất của Trù Sơn để nấu vàng.
Cầm chiếc nồi đất trên tay, bà Long cho biết: “Trông thì đơn giản nhưng để làm ra nó cũng rất kỳ công, nào là lấy đất, làm đất, tạo khung, phơi, đem vào nung”. Để có đất làm gốm ưng ý, người Trù Sơn phải sang các một số xã ở huyện Nghi Lộc và Yên Thành để chọn đất dẻo, không lẫn sỏi đá.
Những khối đất được ủ thành đống, che chắn tránh nắng, mưa cẩn thận. Khi làm gốm, người thợ dùng liềm cắt đất ra từng lát mỏng, sau đó đặt lên phiến đá có mặt hơi lõm, dùng chầy giã, mục đích làm cho đất nhuyễn, có độ dẻo.
Những lò nung không có mái che
Đất làm xong được đưa vào công đoạn tạo dáng. Dụng cụ tạo dáng ở đây khá đơn giản gồm bàn xoay (gọi là cái chuầy), một nồi đựng nước, nắm giẻ để vuốt, bàn vỗ bằng gỗ, cái nạo bằng tre và một số que tre vót nhọn đầu để sửa đồ gốm. Trước khi tạo dáng, người thợ rắc lên trên mặt bàn xoay một lớp tro bếp mỏng để chống dính.
Qua bàn tay khéo léo lành nghề, họ bắt đầu tạo hình cho sản phẩm. “Chân tay phải kết hợp nhuần nhuyễn mới có sản phẩm đẹp. Lúc nhỏ tôi học nghề từ bố mẹ, ông bà. Đến khi lấy chồng thì theo gia đình nhà chồng nối tiếp nghề truyền thống”, chị Trần Thị Hương (31 tuổi), con dâu bà Long vừa làm vừa trò chuyện.
Những sản phẩm sau khi hoàn thành được đem đi phơi nắng rồi xếp vào lò nung. Bà Phạm Thị Hoàng (75 tuổi, ngụ xóm 10) người có thâm niên nhiều năm trong nghề chia sẻ, lò nung gốm của người dân Trù Sơn khá đặc biệt. Lò nung ở ngoài trời, không có mái che, hoàn toàn nổi trên mặt đất, làm theo hướng đông tây để lợi dụng được hướng gió Lào. Nhiên liệu để nung gốm là rơm, rạ và một ít lá bạch đàn, phi lao nhằm tránh việc nổ đột ngột của đồ nung.
Cách nung có thể nung từ hai đầu với hai người cùng nung. Mỗi người phụ trách ba cửa lò. Sau khi cho lá khô vào đốt, họ dùng nạng để đẩy nhiên liệu vào và kéo tro than ra. Than tro cũng được tận dụng để ủ lên các chồng gốm đang nung.
Người thợ nung liên tục như vậy trong hơn 3 giờ liền với nhiệt độ đạt được khoảng 500 – 600 độ C là gốm chín. Một sản phẩm đạt yêu cầu phải có màu đỏ hồng. Để gốm chín đều, người thợ phải biết cách “xem lửa” canh chừng thời điểm nào là cần phải dừng nung.
“Nung gốm là công đoạn mệt và vất vả nhất. Giữa trời nắng oi bức, vẫn phải thay phiên nhau đốt lửa. Có hôm đang nung trời bỗng đổ mưa, những lúc như vậy lại phải huy động thêm người che chắn để công việc được hoàn thành. Nếu bỏ dở coi như mẻ gốm đó vứt đi. Cũng vì việc phải dầm mưa, dãi nắng liên tục nên ai làm nghề này cũng mắc các bệnh về xương khớp. Do đó, người dân Trù Sơn thường gọi đây là nghề “bán xương, nuôi thịt”, bà Long tâm sự.
“Hồi sinh” làng nghề
Những năm 1975 trở về trước được xem là thời kỳ cực thịnh của làng gốm Trù Sơn. Khi ấy nhà nào cũng làm gốm nên đi khắp làng khắp xóm người ta đều thấy một màu gốm đỏ au. Những chiếc nồi đất đầy đủ kích cỡ như chiếc niêu kho cá, siêu sắc thuốc… là những sản phẩm có tiếng của nghề gốm ở Trù Sơn. Các sản phẩm không những được tiêu thụ trong nước mà còn đưa sang nước ngoài xuất khẩu.
Các cụ cao niên trong làng kể lại, thời đó cứ vào sáng sớm, những chiếc xe đạp chất đầy nồi lại bắt đầu hành trình dọc ngang khắp vùng xa, vùng gần để rao bán.
“Mỗi chiếc xe chúng tôi xếp chừng 500 chiếc nồi đất rồi đẩy đi tiêu thụ. Mỗi nhóm như vậy tầm ba bốn người để trợ giúp nhau trong hành trình dài. Trên những chuyến đi đó, không tránh khỏi việc ngã xe, bể hết nồi đất. Những lúc như vậy, anh em đi cùng lại san sẻ nồi cho nhau cùng bán để thu lại chút vốn liếng”, ông Nguyễn Công Du nhớ lại một thời gian khó.
Những năm gần đây, khi giao thông thuận lợi, việc bán hàng của người dân Trù Sơn dễ dàng hơn. Không những được vận chuyển bằng xe máy, nhiều thương lái còn đi ô tô đến tận nơi để “ăn hàng”. Hơn nữa, so với cha ông ngày trước, lớp hậu thế đã không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã hữu dụng hơn từ sình lọ đến trệt sưởi, chõ hông xôi, niêu kho cá, bát nhang… đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Điều mà nhiều người làm nghề ở Trù Sơn trăn trở là hiện nay mặc dù nồi đất lọt vào những nhà hàng sang trọng bán cơm niêu, cơm đập, cá kho tộ…nhưng cùng với sự xuất hiện của xoong nồi nhôm, gang, inox… nồi đất ngày càng vắng bóng trong các gia đình.
Bà Long cho hay, trung bình mỗi ngày làm được chừng 30 chiếc nồi đất và ấm sắc thuốc. Giá mỗi chiếc nồi đất là 6 nghìn đồng, còn ấm sắc thuốc 15 nghìn đồng. “Nếu chịu khó làm, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng trăm nghìn. Với các vùng quê, dù sao đây cũng là khoản tiền đủ sống”, bà Long nói.
Theo thống kê của chính quyền xã, hiện các hộ làm nghề nồi đất trên xã chủ yếu tập trung ở các thôn 10, 11, 12, 13. Bình quân mỗi tháng, người làng Trù Sơn sản xuất được hàng chục ngàn sản phẩm. Đây là công việc tranh thủ được thời gian nhàn rỗi, nhiều đối tượng tham gia nên những năm gần đây đang dần được phục hồi.
Ông Trần Công Định, trưởng xóm 12, xã Trù Sơn cho biết: Nhiều năm trước, nghề làm nồi đất đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây. Sau đó, vì sự xuất hiện của các nồi gang, inox và sự vất vả của nó nên nghề này ngày càng mai một. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân Trù Sơn bắt đầu khôi phục nghề cổ truyền để gìn giữ nét đẹp bao đời của cha ông, cũng là phát triển kinh tế.
Tác giả bài viết: Long Trần
Nguồn tin: