Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley của Bộ Năng lượng (Mỹ) đã thiết lập được một chiếc kính hiển vi điện tử mới có thể quay phim ở cấp độ nguyên tử với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Kính hiển vi điện tử có thể quay phim ở cấp độ nguyên tử |
Chiếc "máy quay" này được ứng dụng vào việc gì? Một ví dụ khả thi nhất của công nghệ này là giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về những gì xảy ra ở quy mô nhỏ nhất trong pin và các thành phần vi mạch để giúp kiểm soát và ngăn ngừa các hậu quả. Một kính hiển vi điện tử có thể tìm thấy các “khiếm khuyết” của sản phẩm ở cấp độ nguyên tử.
Đây là chiếc máy quay cấp độ nguyên tử nhanh nhất hiện đang hoạt động và sẽ mở ra những cánh cửa hoàn toàn mới trong công nghệ kính hiển vi điện tử. Thiết bị có thể ghi lại hình ảnh ở quy mô nguyên tử nhanh hơn 60 lần so với bất kỳ thiết bị hiện có nào. Điều này cho phép các nhà khoa học quay toàn bộ phim về các thí nghiệm, thay vì phải chụp và xử lý các hình ảnh đơn lẻ khác nhau.
Được gọi là Camera 4D, thiết bị sẽ xuất ra một lượng dữ liệu khổng lồ (lên đến khoảng 4TB mỗi phút). "Lượng dữ liệu tương đương với việc xem khoảng 60.000 phim HD cùng một lúc" - Peter Ercius, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Berkeley cho biết. Điều đó đòi hỏi nhóm phải xây dựng một hệ thống mạng giữa kính hiển vi và siêu máy tính để có thể cung cấp đủ dung lượng liên tục cho thiết bị.
Nhưng nhiều dữ liệu đó cũng có nghĩa là nhóm sẽ có thể ghi lại từng điện tử trong một thí nghiệm. "Thông qua bộ dữ liệu ghi được thực sự lớn này, chúng tôi sẽ có thể thực hiện các thí nghiệm theo mẫu - chúng tôi sẽ không phải quay lại và lấy dữ liệu mới từ các điều kiện hình ảnh khác nhau", Jim Ciston, một nhà khoa học khác trong nhóm cho biết.
Tác giả: An Nhiên
Nguồn tin: Báo VietNamNet