Giáo dục

Khi bố mẹ biến con thành mọt sách?!

Chẳng cứ thời bây giờ bố mẹ đua nhau đầu tư cho con học, quên dạy con những phép tắc ứng xử đời thường, quên dạy con làm việc nhà mà ngay từ thời chúng tôi còn đi học cách đây 20 năm vẫn có rất nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng ôm hết việc để con “dùi mài kinh sử”.

Bố mẹ hy vọng con thành tài, thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn, đỗ đạt làm gia đình vẻ vang. Ước mơ đó không có gì sai nhưng sự hy sinh hết mình của mẹ cha vô tình tạo nên những đứa con ích kỉ, hẹp hòi và người khổ tâm nhất, chịu đựng nhiều nhất chính là bố mẹ các em. Nhiều em ra ngoài giao tiếp rất lịch thiệp, đối nhân xử thế được lòng thiên hạ chỉ với mục đích kiếm tiền, tiến thân trên con đường sự nghiệp. Về đến nhà, các em như biến thành người khác, coi thường xúc phạm bố mẹ. Tôi từng chứng kiến không ít trường hợp và cảm thấy đây là kết quả của việc cha mẹ các em quá nuông chiều con, chỉ bắt con học và học, không phải làm bất cứ việc gì.

Một số gia đình hiếm con thì càng chiều chuộng con thái quá: tìm thầy giỏi cho con học ngày học đêm để “săn” danh hiệu học sinh giỏi. Cháu có chút thành tích nhưng đi đường không biết chào hỏi ai, cô dì chú bác ngay cạnh loay hoay dọn dẹp cháu cũng phớt lờ không hề giúp đỡ ai. Cháu có thể giúp ai được khi việc trong nhà cháu không phải làm gì hết, từ quét nhà - nấu cơm - đổ rác bố mẹ đều dành làm hết. Cháu còn tuyên bố xanh rờn "sau này bố mẹ về già, con gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão ở", thế mà bố mẹ cháu chỉ cười còn cho rằng cháu suy nghĩ hiện đại. Nhiều em đến tuổi thanh niên nhưng vẫn ngô nghê với mọi việc: từ cách ăn mặc, nói năng đều lóng ngóng, không biết nấu ăn, thà ngồi đồng trên mạng chứ không biết xắn tay dọn dẹp nhà cửa.

Có những gia đình bố mẹ làm nông nghiệp, hàng đống việc trên vai từ ruộng vườn, cày cấy, chăn nuôi nhưng không muốn con phải dây bẩn, con cứ việc chong đèn học, bố mẹ nai lưng trên cánh đồng làng chỉ với mục đích tối cao: dồn tiền nuôi các con học đại học.

Các con có biết bố mẹ vất vả cực nhọc không? Chắc chắn là có cảm nhận được nhưng nếu không để các con lao động cùng san sẻ gánh nặng với bố mẹ thì vô tình bố mẹ đã tự khiến các con sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân. Bố mẹ đi làm vất vả về có nói nặng một chút thì nhiều em dằn dỗi, bỏ ăn bỏ học khiến bố mẹ lo lắng mất ăn mất ngủ. Nhiều bạn trẻ ngồi vào mâm cơm thì chê bai món ăn không hợp khẩu vị chứ chưa từng tự vào bếp nấu nướng bao giờ. Bố mẹ các em quan niệm phải đỗ đại học bằng mọi giá, việc nhà học lúc nào chả được.

Bố mẹ tận tâm tận lực phục vụ con, con thì coi đấy là chuyện đương nhiên. Nhiều em khi thành đạt ngoài thành phố lại quay ra chán cảnh gia đình bố mẹ quê mùa mà tỏ ý coi thường bố mẹ. Nhiều bậc phụ huynh thường ngậm ngùi than khổ trong nhà nhưng ra đến ngoài đường vẫn cứ giả vờ tươi như hoa khoe con thành đạt. Nhiều người hy sinh cho con đến mức khi con có sự nghiệp rồi, bố mẹ vẫn cứ lao lực tiết kiệm để cho con tiền mua nhà thành phố nhưng con vẫn cứ oán trách khi xảy ra va chạm quan điểm sống.

Không thể cứ yêu thương con, chiều chuộng con một cách vô điều kiện. Con thành mọt sách thì làm sao biết trân trọng công sức nuôi nấng, dạy bảo của mẹ cha. Tôi cho rằng cần để con sớm biết lao động, nhỏ thì làm việc nhà, lớn thì có thể cùng cha mẹ lao tăng gia sản xuất. Học hành đi đôi với lao động thì con mới trưởng thành đúng nghĩa!

Tác giả bài viết: Thanh Mai (Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP