Sau khi đồng đội Victor thực hiện thành công cú sút 11m san hòa 2-2 cho TP.HCM, đội trưởng Đình Luật lao tới cầm bóng sút 3 lần liên tiếp tung nóc lưới đội chủ nhà Đà Nẵng. Nhiều ý kiến cho rằng đó là hành động khiêu khích khán giả đối phương, vi phạm văn hóa sân cỏ trong khi Đình Luật bào chữa rằng hành động của mình không có gì xấu và chẳng đụng chạm đến ai (!?)
Người hâm mộ bóng đá đều hiểu cảm giác khi đội nhà ghi bàn và trong tâm trạng phấn khích, những hành vi bộc phát đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của các cầu thủ. Đó là lý do FIFA cùng các tổ chức thành viên phải ra các chế tài để cầu thủ ý thức được việc giữ hành vi ăn mừng không vượt qua giới hạn cho phép. Và đó là yêu cầu bắt buộc các cầu thủ phải tuân thủ trong một cuộc chơi chuyên nghiệp.
Trở lại với pha ăn mừng của Đình Luật, nếu đặt mình vào vị trí khán giả Đà Nẵng chứng kiến một cầu thủ là cựu đội trưởng ĐTQG “sút như điên” vào nóc lưới đội nhà với thái độ quá khích, có lẽ Đình Luật sẽ thôi khăng khăng biện minh rằng “hành vi đó không sai, không đụng chạm đến ai”.
Công bằng mà nói, hành vi của Đình Luật chưa tới mức phản cảm như “ngón tay thối” của Danh Ngọc hướng về cổ động viên Thể Công mùa 2009 hay cách tạo hình bằng tay thô tục của Omar nhằm vào khán giả Khánh Hòa mùa này, nhưng về bản chất vẫn là hành vi thiếu tôn trọng khán giả. Bóng đá ở khía cạnh nào đó là sản phẩm kinh doanh.
Khán giả khi bỏ tiền mua vé vào sân xem bóng đá là những khách hàng và xét trên góc độ kinh doanh bóng đá, họ xứng đáng được phục vụ một cách tốt nhất. Vì thế những hành vi thiếu tôn trọng, bất kể mức độ nặng nhẹ cần phải được lên án, thay vì bao che, dung túng.
Chuyện của Đình Luật, xét rộng ra là vấn đề của bóng đá Việt Nam khi cầu thủ ra sân nhưng không phải ai cũng ý thức được nghĩa vụ phục vụ khán giả. Sau mỗi pha ghi bàn, cầu thủ ở các đội bóng lớn thế giới tìm đến khu vực khán giả để cùng chung vui, ăn mừng, trong khi nhiều cầu thủ V-League lao ngay tới phía ông “bầu” - những người có thói quen rút tiền thưởng nóng cho họ sau trận đấu - để báo công.
Sự khác biệt đó phần nào lý giải vì sao các CLB lớn thế giới sống khỏe từ nguồn tiền bán vé và thương hiệu đội bóng, trong khi V-League thi thoảng lại chứng kiến cảnh cầu thủ bất ngờ bị ra đường sau khi ông “bầu” đột ngột bỏ làm bóng đá.
Rất may, V-League vẫn có những mối gắn kết bền chặt giữa cầu thủ - khán giả và đội bóng - hội cổ động viên, như ở CLB Than Quảng Ninh, Hải Phòng hay HAGL. Bất kể thắng hay thua, khán giả của họ vẫn kéo tới sân làm chỗ dựa cho đội bóng và sau trận đấu, từ lãnh đạo đội tới cầu thủ nắm tay nhau cúi chào thay lời tri ân khán giả - những người đã giúp họ sống khỏe nhờ tiền bán vé và được xác định là đối tượng cao nhất để họ phục vụ, tôn trọng.
Tác giả bài viết: Phượng Hoàng
Nguồn tin: