Kinh tế

Hơn chục người bắc giàn giáo nhặt lá cho cây mai cổ 100 tuổi

Hơn 10 người cùng leo giàn giáo để nhặt lá cho cây mai cổ hơn 100 năm tuổi kịp ra hoa chào đón Tết Tân Sửu 2021.

Khi Tết Tân Sửu 2021 đang gần kề, vườn mai rộng 4.000m2 của anh Minh Phong (huyện Bình Chánh, TPHCM) tập trung hàng chục công nhân thời vụ làm công việc nhặt lá cho cây mai.

Vườn mai cổ với gần 200 cây mai lớn nhỏ ở huyện Bình Chánh, TPHCM.

Khu vườn mai của anh Phong có gần 200 cây mai lớn, nhỏ từ 15 năm đến hơn 100 năm. "Tôi làm nghề này hơn 10 năm nay, ngoài trồng mai thì còn thêm các loại cây cảnh khác. Vườn hiện có 170 cây đều có tuổi từ 15 năm trở lên được tôi mua từ nhiều tỉnh, nhất là khu vực miền Tây", anh Phong chia sẻ.

Để chuẩn bị mang mai ra đường bán Tết, anh Phong thuê công nhân đến chăm sóc và nhặt lá cho cây mai trong vườn. "Từ ngày 13 âm lịch tôi bắt đầu thuê nhân công để nhặt lá mai. Thời điểm hiện tại, có gần 40 người vừa làm chính và thời vụ vừa nhặt lá vừa chăm sóc cho mai", anh Phong cho biết.

Nhiều cây mai cổ thụ có chiều cao gần 10m nên anh Phong phải bắc giàn giáo, dùng thang cao để công nhân leo lên nhặt lá. Cây mai 100 năm tuổi có chiều cao 6m, công nhân lắp 2 giàn giáo 2 tầng để thuận tiện cho việc nhặt lá. "Cây mai này tán rộng nên khá nhiều lá, tôi phải cử 10 người cùng nhặt nguyên ngày thì mới xong được", anh Phong nói.

Hàng chục công nhân được thuê để nhặt lá cho cây mai trăm tuổi.

Chị Thùy Trang (34 tuổi) đã làm công việc nhặt lá mai từ mấy năm nay nên đã rất thạo việc. "Lặt lá mai cũng khá đơn giản, làm cẩn thận không để gãy cành và rụng nụ là đạt yêu cầu", chị Trang cho biết.

Bà Phạm Thị Huệ (59 tuổi) là một trong những công nhân lớn tuổi nhất làm công việc này. "Tôi được người quen giới thiệu đến đây làm việc trong mấy ngày cuối năm để kiếm tiền tiêu tết, làm từ sáng đến chiều được trả 250.000 đồng", bà Huệ cho hay.

Vận chuyển giàn giáo như ở công trường xây dựng.

Hai giàn giáo được lắp 2 tầng cho 10 người cùng làm việc.

Theo anh Phong, cây mai này đã 100 năm tuổi và đã có người đặt mua nên anh huy động công nhân nhặt lá trong ngày.

Trong những ngày này, vườn mai có gần 40 người cả làm chính và thời vụ. Phụ nữ được ưu tiên đứng làm việc dưới đất.

Các lao động nam có sức khỏe leo lên giàn giáo, lên cây để nhặt lá.

Công việc thường bắt đầu từ ngày 13 đến 17 âm lịch.

Công việc không cần nhiều sức nhưng đòi hỏi sự cẩn thận để không làm gãy cành, hỏng nụ.

"Những người làm thời vụ được trả 250 nghìn đồng/ngày. Người làm chính tôi trả theo tháng khoảng 7 triệu đồng/người", anh Phong cho biết.

Anh Phong tưới nước cho các chậu mai trong vườn. "Sau khi lặt xong lá, tối 22 âm tôi thuê xe cẩu đưa mai ra đường Thành Thái để bán Tết", anh Phong nói.

Cây mai sau khi ngắt hết lá chỉ còn nụ và một vài lá non.

Một vài cây đã trổ bông vàng.

Tác giả: Nguyễn Quang

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP