Mới đây, một cô gái chia sẻ đoạn clip quay lại tình huống khi nhân vật đang thổi nến sinh nhật trên sân khấu, bất ngờ quả bóng bay bên cạnh chiếc bánh sinh nhật chạm vào nến khiến phát nổ. Lập tức ngọn lửa bùng lên và khiến nhiều quả bóng khác ở trên trần nhà cũng nổ theo. Hậu quả, cô gái phải nhập viện điều trị những vết bỏng, sau 6 ngày nằm viện cô mới bình tĩnh lại và chia sẻ sự việc nhằm cảnh báo cho mọi người.
![]() |
Cô gái bị bỏng do bóng phát nổ |
Ngày 20/2, trao đổi với PV, BS Nguyễn Thống, Nguyên Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết, thực tế có nhiều tình huống xảy ra đều ở các cuộc liên hoan, sinh nhật hoặc hội nghi hay cưới hỏi. Nhiều người sẽ vui vẻ chụp hình hoặc trẻ em chơi bóng bay đó nhưng thường không quan tâm đến tác hại của nó.
Theo BS Thống, đôi khi sau sự kiện tháo quả bóng ra không cẩn thận, hoặc vô tình gió thổi va chạm vào khiến bóng nổ gặp phải nhiệt sẽ gây bỏng. Đa số các bệnh nhân bị bỏng ở mặt, hai cánh tay hoặc cổ thậm chí chát xém tóc.
“Ví dụ người nào quàng chiếc khăn von lên cổ, bén lửa thì nó cháy luôn, gây bỏng”, bác sĩ Thống khuyến cáo.
Theo bác sĩ, mức độ bỏng này thường không sâu, ít sẹo nhưng đối với người dị ứng thì sẽ rối loạn sắc tố, bề mặt da loang rộng ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Dù vậy, bác sĩ Thống khuyên người dân hết sức cẩn thận không nên sử dụng bóng dạng khí hydro để trang trí, bởi lẽ thường thì mỗi hội nghĩ sẽ trang trí “cả chùm”, nếu một tàn thuốc lá, thổi nến sinh nhật, hoặc tác động khách quan nào đó gây nổ 1 quả, thì lập tức sẽ kéo theo nhiều quả bóng nổ.
![]() |
Các chuyên gia khuyên nên chọn loại bóng an toàn để trang trí |
Chuyên gia khuyến cáo
Khí hydro là loại khí dễ cháy nổ, chỉ cần tiếp xúc gần nguồn lửa như tàn thuốc lá, tro đốt vàng mã, nến đang cháy cũng khiến nó phát nổ và lan tỏa nhiệt rất mạnh. Bởi khí hydro có cấu trúc phân tử rất bé, có thể dễ dàng thẩm thấu cực nhanh qua màng bóng bay, chỉ cần tiếp xúc với bóng đèn, hay gặp không khí nóng, khi đi ngoài trời nắng là có thể đủ điều kiện kích hoạt phản ứng, khiến một trái bóng có thể nổ tung
Khí hydro bị nén trong bóng bay sẽ phát nổ rất mạnh. Khoảng cách cầm bóng rất gần với tay và mặt, vì vậy khi nổ sẽ rất nguy hiểm, có thể gây cháy tóc, bỏng mặt, mù mắt, bỏng tay…
Khí hydro thường được sử dụng để bơm vào bóng bay vì loại khí này rất rẻ tiền, dễ sản xuất. Tuy nhiên, loại khí này khi ở gần nguồn lửa thì vô cùng nguy hiểm.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khi cầm bóng tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, các phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do món đồ chơi này gây ra, cần lưu ý những điều sau:
Không nên mang bóng bay hydro vào trong nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng nó có thể phát nổ.
Những dịp sinh nhật, sự kiện, không nên mua bóng bay với số lượng lớn để ở trong nhà.
Luôn để mắt đến trẻ khi chơi bóng bay.
Nếu chẳng may gặp phải trường hợp bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro cần nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân theo hướng dẫn cụ thể sau:
Nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương
Nhanh chóng ngâm khu vực bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng
Cuốn vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tác giả: Minh Ngọc
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn