Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu thuần hơn 1.440 tỷ đồng, tăng hơn 887 tỷ đồng (160%) so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ cấu, doanh thu thu từ trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất với 577 tỷ đồng, tăng 162% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán heo tăng gần 200% lên mức 540 tỷ, còn lại là doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng mang về 241 tỷ đồng, tăng 184%.
Đi cùng với đà tăng doanh thu là sự tăng lên đáng kể của giá vốn bán hàng, đẩy biên lợi nhuận gộp đi lùi về còn 19%. Tuy nhiên, tính theo số tuyệt đối, lãi gộp của HAGL vẫn tăng trưởng 59% so với cùng kỳ, đạt 281 tỷ đồng.
Trong kỳ này, các chi phí bán hàng của công ty đã tăng gấp rưỡi lên gần 59 tỷ đồng, do sản lượng bán trái cây và hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp kỳ này tiếp tục được hoàn nhập 181 tỷ đồng (cùng kỳ hoàn nhập đến 457 tỷ đồng). HAGL cho biết đây chính là các khoản giảm hoàn nhập dự phòng từ các khoản phải thu của công ty.
|
Chi phí tài chính cũng sụt giảm mạnh 76% kỳ này, chỉ tiêu tốn của doanh nghiệp 166 tỷ đồng, với nguyên nhân là HAGL đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm Công ty HAGL Agrico trong quý III. Các chi phí hoạt động khác trong kỳ giảm 59% do đánh giá lại một số tài sản không hiệu quả.
Với những biến động trên, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã báo lãi sau thuế gần 370 tỷ đồng trong quý III, cao gấp 17 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn nông nghiệp này đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng 154% lên mức 3.471 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đạt 892 tỷ đồng, cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, cổ đông HAGL đề ra mục tiêu doanh thu thuần 4.820 tỷ và có lãi 1.120 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 72% tiến độ doanh thu và gần 80% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến cuối quý III, quy mô tài sản của doanh nghiệp phố núi đạt hơn 19.300 tỷ đồng, tăng ròng 900 tỷ so với đầu năm. Tuy nhiên, phần lớn tài sản vẫn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (7.175 tỷ) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (4.576 tỷ đồng).
Đối ứng ở nguồn vốn, HAGL vẫn đang cải thiện chất lượng vốn chủ sở hữu nhờ giảm dần lỗ lũy kế. Dù vậy, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này vẫn còn hơn 14.400 tỷ đồng, gấp gần 3 lần vốn chủ sở hữu.
Trên thị trường, HAGL đang được chú ý với việc ra mắt thương hiệu thịt Bapi - heo ăn chuối - với kế hoạch mở khoảng 200 cửa hàng trong năm nay. Mục tiêu đến năm 2023, HAGL dự kiến có 1.000 cửa hàng kinh doanh mặt hàng thịt heo ăn chuối, bao gồm cả mô hình nhượng quyền.
Bên cạnh nuôi heo, tập đoàn của bầu Đức cũng đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, Gia Lai và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11 tới.
Tác giả: Huy Lê
Nguồn tin: zingnews.vn