"Tôi làm lễ tân phải đứng nhiều lại đeo giày cao gót thường xuyên nên nghĩ đau đơn thuần do mỏi nhưng vừa khám xong, bác sĩ kết luận tôi đã bị giãn tĩnh mạch chân giai đoạn 2. Nếu để lâu sẽ vỡ mạch máu", chị Phương Anh chia sẻ.
Những dấu hiệu ban đầu của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân dễ bị bỏ qua
Hay như trường hợp của bác Nguyễn Thị Châu (61 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An). Nhiều năm trước, bác Châu đã phát hiện dưới bụng chân và trên đùi nổi từng búi vân tím như mạng nhện nhưng không để ý.
Khoảng 1 năm gần đây, hễ đứng lâu bác thấy 2 chân tê cứng không thể nhúc nhích, đêm ngủ tê bì, ấn vào là đau, có hôm bị chuột rút căng cứng. Nghĩ mắc bệnh khớp, bác tự ý mua thuốc của thầy lang uống nhưng vẫn không đỡ.
Đến khám tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bác Châu được chẩn đoán bị giãn tĩnh mạch giai đoạn 4, tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo như giun, phía bàn chân da đã đổi màu, có dấu hiệu sắp hoại tử.
Theo BS Đinh Quang Huy, Trưởng đơn vị can thiệp tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội, trường hợp của bác Châu, nếu để thêm một thời gian ngắn nữa sẽ bị loét phần cổ chân, nhiễm trùng máu hết sức nguy hiểm.
Những búi tĩnh mạch bị giãn nổi ngoằn ngoèo trên chân bệnh nhân
Ở giai đoạn cuối, chân bị lở loét, hoại tử
BS Huy cho biết, khoảng 40% người trưởng thành tại Việt Nam mắc bệnh giãn tĩnh mạch chân nhưng không được phát hiện sớm. Đây là bệnh mạn tính, tỉ lệ nữ mắc nhiều hơn, tuổi càng cao, tỉ lệ mắc càng lớn.
Tuy nhiên bệnh cũng đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt những người trên 35 tuổi do đặc thù nghề nghiệp phải đứng nhiều, ngồi nhiều, đi giày cao gót nhiều.
"Khi tĩnh mạch ở chân bị suy yếu sẽ khiến việc dẫn máu về tim bị hạn chế, gây ứ đọng máu ở phần bàn chân sau đó lan dần lên trên gây vỡ loét rất đau đớn hoặc có thể tử vong nếu gặp biến chứng thuyên tắc động mạch phổi", BS Huy thông tin.
BS Huy tư vấn cho bệnh nhân
Theo BS Huy, ở giai đoạn đầu, những dấu hiệu đầu tiên dễ nhận thấy là phát hiện những hình mạng nhện màu đỏ hoặc xanh, tím ở đùi, bắp chân. Giai đoạn nặng hơn, khi máu đã bắt đầu ứ đọng sẽ thấy cảm giác khó chịu ở chân, căng tức ở bắp chân, mỏi chân...
Tùy theo thể trạng bệnh, các bác sĩ chia bệnh giãn tĩnh mạch chân theo 6 cấp độ:
- Cấp độ I: Cảm giác nặng chân, tê chân.
- Cấp độ II: Phù chân khi đi lại hay đứng nhiều.
- Cấp độ III: Giãn và nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi.
- Cấp độ IV: Giãn tĩnh mạch và có thay đổi sắc tố da của chân, phần thấp của chân sạm màu.
- Cấp độ V: Giãn tĩnh mạch và có những vết loét ở chân.
- Cấp độ VI: Các vết loét điều trị mãi vẫn không lành.
"Nếu ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ cần đi tất áp lực, uống thuốc, tiêm xơ nhưng từ giai đoạn 2-3 sẽ cần can thiệp, sử dụng máy siêu âm dò từng mạch máu dưới da để chiếu laser giúp bệnh nhân đỡ được 80-90% bệnh", BS Huy cho biết.
Hiện tại, kĩ thuật này đã được BHYT chi trả 80%, do đó người bệnh chỉ phải trả thêm 3-6 triệu đồng.
Để dự phòng bệnh, BS Huy khuyên nên thường xuyên tập thể dục, hạn chế ngồi, đứng lâu, đêm kê chân cao khi ngủ. Khi thấy tĩnh mạch nổi sần, không nên ngâm chân nước nóng sẽ khiến tĩnh mạch nở thêm, gây đau nhức.
Tác giả bài viết: Thúy Hạnh