Cần làm hàng rào, đường gom xóa bỏ lối đi tự mở dày đặc, vi phạm hành lang ATGT đường sắt ở Hưng Yên |
Hàng rào dở dang, hành lang bị tái lấn chiếm
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại đoạn đường sắt Thống Nhất qua địa bàn xã Liêm Tiết, TP Phủ Lý và xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam vẫn tồn tại hàng chục điểm vi phạm hành lang ATGT đường sắt. Dọc hai bên đường ray, chất hàng đống phế thải, đá hộc, đá xẻ, vật liệu làm non bộ…
Mỗi lối đi vào cửa hàng, bãi phế liệu lại có một lối đi qua đường sắt ra QL21 bằng đủ loại vật liệu như: Rải đá, đặt tấm đan bê tông, sắt, gỗ… Có đoạn làm hàng rào sắt nhưng chưa làm đường gom nên dân vẫn vô tư lấn đất để vật liệu. Có đoạn trơ những trụ hàng rào giữa cây cỏ hoặc bãi phế liệu, bị mưa nắng làm cho xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, đơn vị bảo trì đường sắt trên địa bàn cho biết, thực trạng này diễn ra nhiều năm nay. Trước đây, đã có dự án làm hàng rào, đường gom để xóa lối đi tự mở, nhưng do không được bố trí vốn nên dự án bị dừng lại, thi công dở dang, dân tái lấn chiếm.
“Đây là tình trạng chung của nhiều dự án ATGT đường sắt theo Kế hoạch 1856 (ban hành năm 2008), sau này thay bằng Kế hoạch 994 (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch lập lại trật tự hành lang đường bộ, đường sắt giai đoạn 2014-2020)”, ông Dũng nói.
Ông Võ Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường sắt VN) cho biết, từ năm 2008, đã có nhiều dự án được lập, triển khai nhằm nâng cao ATGT đường sắt như làm hàng rào, đường gom, cải tạo cầu yếu... Tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước cấp hạn hẹp chưa đáp ứng được yêu cầu nên nhiều dự án chậm, kéo dài hoặc phải dừng lại.
Đơn cử dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.432 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2008, kết thúc 31/12/2019. Đến nay, đã thi công hoàn thành gần 100 cầu/134 cầu (bao gồm 2 cầu bổ sung dự án), nhưng còn hơn 30 cầu và một số gói thầu khác vẫn chưa thi công do chưa bố trí đủ vốn.
Vốn cấp mới chỉ để trả nợ
Đại diện Vụ KH&ĐT Bộ GTVT cho biết, từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho đầu tư phát triển, ngành Đường sắt được Nhà nước bố trí 1.280 tỉ đồng để nâng cấp đường sắt hiện có. Tuy nhiên, trong đó đã mất 634 tỉ đồng trả nợ xây dựng cơ bản và hoàn ứng. Còn lại hơn 600 tỉ đồng để thực hiện một số dự án dở dang như: Nâng cấp cầu yếu, dự án khôi phục cầu Long Biên, dự án thay tà vẹt bê tông K1, K2... Do đó, không còn vốn bố trí cho dự án mới.
Tìm hiểu của PV, công trình xây dựng các hạng mục thuộc giai đoạn II Kế hoạch 1856 theo lệnh khẩn cấp có khối lượng rất lớn gồm: 3 cầu đường bộ vượt đường sắt, 3 hầm chui dân sinh, 55 đường ngang và hơn 84km đường gom, hơn 89km rào cách ly với tiến độ hoàn thành là 31/12/2013. Đến 31/3/2014, công trình đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, phần khối lượng còn lại gồm 30 đường ngang, hơn 32km đường gom, hơn 34km rào cách ly vẫn chưa thực hiện được do vướng GPMB, phải tạm dừng từ tháng 3/2014, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. |
Kể cả các dự án quan trọng đang chuẩn bị đầu tư như: Xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt gồm cầu Lục Nam; kết nối giao thông với đường bộ đối với 3 cầu Bắc Giang, Chung Lu và Long Đại; xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia… cũng chưa được bố trí vốn.
Thông tin cụ thể hơn, một cán bộ lĩnh vực quản lý đầu tư dự án Tổng công ty Đường sắt VN (đề nghị giấu tên) cho hay, nhiều dự án hàng rào, đường gom đang thi công dở dang phải dừng lại từ giai đoạn trước, nhưng vốn trung hạn cũng không bố trí để thi công tiếp. Cụ thể, năm 2016 được bố trí 472 tỉ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành, trong đó có nợ chi phí GPMB và nợ chi phí những dự án dở dang.
Một điểm đáng chú ý là năm 2018, Nhà nước đồng ý cấp 7.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho 4 dự án đường sắt, trong đó mục tiêu số một là xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ một số điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có nguy cơ mất ATGT cao trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM, đồng thời nâng năng lực tuyến.
“Việc bố trí 7.000 tỉ đồng này góp phần xử lý được nhiều điểm nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM. Nhưng số vốn này vẫn không đủ so với nhu cầu đầu tư xây dựng công trình đảm bảo ATGT đường sắt trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia. Do đó, tới đây cần phải xem xét phân kỳ theo thứ tự ưu tiên từng giai đoạn”, ông Hiền nói.
Tác giả: Kỳ Nam
Nguồn tin: Báo Giao thông