Kinh tế

Hàng chục ông lớn cạnh tranh giành quyền xây dựng trạm dừng nghỉ Cao tốc Bắc - Nam

Tám dự án trạm dừng nghỉ thuộc 7 dự án trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã bắt đầu mời thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký quan tâm cho thấy các dự án khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và sẽ là cuộc cạnh tranh ở giá trị nộp ngân sách nhà nước.

Phối cảnh một dự án trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 dự án thành phần gồm: Mai Sơn - QL45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết (2 cặp trạm). Cả 8 dự án đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Các trạm dừng nghỉ này sẽ được xây mới hoàn toàn. Tại mỗi trạm dừng nghỉ sẽ phải có công trình dịch vụ công cộng (miễn phí); công trình dịch vụ thương mại; công trình bổ trợ biểu trưng của địa phương hoặc của trạm dừng nghỉ...

8 dự án trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc đang được kêu gọi đầu tư.

Theo hồ sơ mời thầu, về tài chính, các nhà đầu tư phải thu xếp vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% giá trị sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án và sơ bộ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, còn lại là phần vốn vay. Các nhà đầu tư sẽ cạnh tranh ở giá trị nộp ngân sách nhà nước.

Trước đó, khi các dự án công bố mời gọi nhà đầu tư quan tâm, khoảng 30 doanh nghiệp đăng ký tham gia với tư cách độc lập hoặc hợp tác trong các liên danh nhà đầu tư.

Chỉ xét về nhà đầu tư đạt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm có thể kể đến: Liên danh Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines, Công ty TNHH Thành Hiệp Phát; Liên danh Petrolimex gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế; Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư du lịch T&T, Công ty cổ phần 19-5 Thanh Hóa, Doanh nghiệp tư nhân Trung Phương.

Các doanh nghiệp khác có tiền lực tài chính, năng lực kinh nghiệm như: Liên danh Hải Hà gồm Công ty cổ phần Tư vấn và đầu tư 36, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam, Công ty cổ phần Thương mại I - Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Du lịch Hà Tĩnh; Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam; Liên danh Công ty cổ phần Anh Phát Petro - Công ty cổ phần Quản lý và khai thác bến xe Thanh Hóa; Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 - Tổng công ty Phát triển hạ tầng và dầu tư tài chính Việt Nam; Liên danh Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng An Giang DRAGON, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Nam Ninh, Công ty cổ phần Tổng công ty Xây dựng Nghệ An; Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Thịnh Vượng Land, Công ty TNHH Thương mại Hồng Hải; Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm cũng đặc biệt quan tâm muốn thực hiện dự án.

Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, khi đấu thầu rộng rãi, tất cả nhà đầu tư quan tâm đều có thể tham gia. Kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm không phải là cơ sở để thay thế việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư trong bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Theo kế hoạch, các dự án sẽ lần lượt đóng thầu từ ngày 20 đến 24/5/2024. Sau khi tìm được nhà thầu, dự án sẽ sớm được khởi công. Tiến độ đầu tư dự án khoảng 18 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, thời gian khai thác dự án sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm.

Tác giả: Văn Tuân

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP