Kinh tế

Hạn chế tình trạng 3 nhà máy đường ở Nghệ An tranh mua vùng nguyên liệu mía

Đến nay, trên địa bàn Nghệ An có diện tích mía 20.123 ha, năng suất bình quân đạt 53,34 tấn/ha với sản lượng trên 1 triệu tấn. Trong lúc diện tích, sản lượng mía chưa đặt mục tiêu đề ra, 3 nhà máy đường gồm: NASA, Sông Con, Sông Lam trên địa bàn Nghệ An còn có tình trạng tranh mua nguyên liệu.

a1
Người trồng mía trên địa bàn Nghệ An phấn khởi vì vụ mía vừa qua, giá mía được thu mua cao. Ảnh tư liệu
Chiều 14/6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất mía đường vụ ép 2016/2017 và triển khai kế hoạch vụ ép 2017/2018. Dự hội nghị có đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo 3 nhà máy đường và các huyện vùng nguyên liệu mía.

Thống kê trong vụ ép 2016/2017, diện tích mía giảm 1.549 ha, sản lượng giảm 39.242 tấn. Như vậy, theo quy hoạch của UBND tỉnh, vùng mía nguyên liệu mới chỉ đạt 83,78% (20.123/30.600 ha).

Năng suất, sản lượng theo dự tính cũng chưa đạt với mục tiêu đề ra (KH năng suất 63,5 tấn/ha; tổng sản lượng 1 triệu 944.002 tấn). Giá thu mua mía vụ ép 2016/2017 từ 950.000 - 1.000.000 đồng/tấn.

Trong lúc diện tích , sản lượng mía chưa đặt mục tiêu đề ra, 3 nhà máy đường gồm: NASA, Sông Con, Sông Lam còn có tình trạng tranh mua nguyên liệu. Thậm chí một số nhà máy đường ngoại tỉnh cũng vào thu mua. Các nhà máy đề nghị các cấp ngành cần có giải pháp giúp quản lý vùng quy hoạch nguyên liệu mía và hạn chế tối đa việc tranh mua nguyên liệu.
a2
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Nguyên Sơn

Tại hội nghị, các nhà máy đường đề nghị ngành NN&PTNT và UBND tỉnh cần có chính sách cùng các nhà máy quản lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu máy, tránh chồng lấn trong quy hoạch đất cho các loại cây trồng khác. Về phát triển diện tích mía, trên thực tế, các nhà máy đã có chính sách cho nông dân vay giống, phân bón và phối hợp trong thu mua.

Một vấn đề khó khăn hiện nay là hầu hết các vùng trồng mía là vùng đất khó khăn, chưa áp dụng được mô hình tưới và KHKT phù hợp để tăng năng suất, sản lượng. Theo khảo sát ở một số vùng mía nguyên liệu, nếu đầu tư chăm sóc tốt, mỗi hécta mía có thể đạt trên 80 tấn/ha, điển hình một số nơi đạt trên 110 tấn/ha.

a3
Đại diện lãnh đạo nhà máy đường NASU phát biểu về vấn đề ứng dụng giống mới và KHKT trong trồng mía. Đơn vị này cũng đề nghị tỉnh có giải pháp quản lý tốt quy hoạch vùng nguyên liệu mía. Ảnh: Nguyên Sơn

Các nhà máy cũng đưa ra những giải pháp về đưa giống mới vào trồng, tích cực ứng dụng máy móc vào tất cả các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có máy móc phù hợp, trong khi lao động phổ thông ở các địa phương lại đang thiếu trầm trọng.

Việc phát triển vùng mía nguyên liệu ở Nghệ An theo đánh giá là một trong những hướng đi tích cực. Bởi theo thông tin từ các nhà máy, mía trồng trên địa bàn tỉnh có chữ đường cao hơn mức bình quân của cả nước, đạt từ 10,5 đến 11,40 CCS (cả nước 9,74 CCS). Và quan trọng hơn, trên địa bàn có 3 nhà máy đường có thể bao tiêu mía nguyên liệu.

a4
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh trách nhiệm phối hợp giữa các bên trong quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu mía. Ảnh: Nguyên Sơn

Một số ý kiến tại cuộc họp đề nghị 3 nhà máy mía trên địa bàn tỉnh cần hợp tác để lấp đầy diện tích mía nguyên liệu quy hoạch, nâng cao năng suất và thu nhập cho người trồng mía. Ở lĩnh vực này cũng nên từng bước dồn điền, đổi thửa hình thành vùng nguyên liệu cánh đồng lớn để áp dụng máy móc thiết bị thuận lợi, ổn định.

Cùng đó, tránh hiện tượng tranh mua nguyên liệu và tăng các giải pháp tăng thu từ rỉ mật, sản xuất phân bón, điện từ bã mía…

a5
Việc ứng dụng máy móc vào trồng, chăm sóc, thu hoạch mía đang được các địa phương chú trọng. Ảnh: Thu Huyền

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tiếp thu những ý kiến và đưa ra giải pháp sẽ cùng các nhà máy đường và các huyện, xã tổ chức khảo sát, rà soát chặt chẽ vùng nguyên liệu, từ đó có quy hoạch chi tiết về vùng mía nguyện liệu để quản lý chặt chẽ. Cùng với công tác này sẽ kết hợp rà soát về vùng đất có thể thâm canh, áp dụng KHKT tăng năng suất, xây dựng cánh đồng lớn.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đinh Viết Hồng giao nhiệm vụ cho ngành NN&PTNT chủ trì trong quản lý quy hoạch vùng nguyên liệu, đồng thời các nhà máy đường cần nỗ lực hơn trong đồng hành cùng người trồng mía để khép kín diện tích, nâng cao năng suất.

Đồng chí Đinh Viết Hồng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyên Sơn

Về thời vụ thu hoạch, các nhà máy cũng cần tăng công suất vào đúng thời điểm mía đạt độ đường cao để hạn chế thất thoát, tăng thu nhập cho nông dân. Về giống mía, các nhà máy đường là đơn vị hạt nhân cần có chính sách nghiên cứu, ứng dụng giống mía sạch bệnh và có những ưu đãi cho người trồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho các huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền người dân trồng mía theo quy hoạch, tránh hiện tượng chạy theo một số cây trồng khác thiếu ổn định đầu ra.

Tác giả: Nguyên Sơn
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP