Rời bến đò Hồng Nhất (xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), người lái đò đưa chúng tôi qua khúc sông Lam sang với Hồng Lam. Chỉ cách trung tâm xã gần 500m đường sông, nhưng cuộc sống nơi đây cũng lắm điều lạ lùng.
Hồng Lam là một trong 7 thôn của xã Xuân Giang. Không như các thôn khác, từ đời nào người dân nơi đây đã bị biệt lập với 4 mặt nước bao vây xung quanh. Không có cây lúa, người dân lấy cây cói, cây lạc làm cây trồng chủ lực. Cây trồng ít ỏi, nhưng nếu có nhiều cũng không có người làm.
Thôn Hồng Lam hiện có 183 hộ dân với hơn 500 dân cư sinh sống. Nhưng gần 80% dân số của làng đều ở độ tuổi trung niên, từ 45 – 55 tuổi.
“Học sinh học xong cấp 3, đứa đậu đại học, cao đẳng kiếm nghề xứ khác không thì cũng tha hương kiếm ăn. Độ tuổi từ 20 – 28 tuổi trong làng gần như không có, nhất là thanh niên lứa 20 tuổi thì vắng bóng”, ông Hồ Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội Nông dân của thôn cho hay.
Cả vùng biệt lập này chỉ có 2 cặp vợ chồng trẻ lập gia đình rồi sinh sống ở đây. Đó là vợ chồng anh Hồ Văn Sáng (30 tuổi) và vợ chồng anh Ngô Kim Sinh (32 tuổi).
Đây cũng được coi là trường hợp “đặc biệt” tại thôn bởi lâu nay, đám cưới xong trai gái ở đây lại dắt díu nhau ra Bắc vào Nam kiếm sống.
Nghĩ chuyện đám cưới tại đây cũng lạ, khi nhiều nơi người ta "sợ" đi đám cưới thì người dân nơi đây lại “thèm” được đi đám cưới. “Thèm cái không khí đám cưới lắm. Ở vùng này đám cưới rất hiếm. Cả mấy chục năm mà cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Người già thì ít thấy mà đến đứa trẻ 10 tuổi trong làng cũng mới thấy đám cưới đầu tiên vào năm ngoái, chứ toàn tổ chức ở tận đâu, tận chỗ làm”, nhắc đến đám cưới ông Sơn vui hẳn.
Đám cưới ông Sơn nói đến là của 2 người con trai ông Nguyễn Văn Tý là Nguyễn Văn Rốp và Nguyễn Văn Đạo. 2 đám chỉ cách nhau 4 tháng, cả làng vui như mở hội. Mỗi người một tay nhiệt tình góp vui cho đôi trẻ. Cưới xong, như bao cặp vợ chồng khác, vợ chồng anh Rốp và Đạo lại tha hương làm ăn.
10 năm qua, từng lớp người trẻ bỏ làng ra đi, từ hơn 1.500 nhân khẩu, Hồng Lam giờ chỉ còn hơn 500 người ở lại.
Nhiều người già cũng bỏ nhà bỏ thôn tha hương theo con cái. Trong làng, bên cạnh những ngôi nhà có người sinh sống chẳng thiếu những ngôi nhà khóa cửa không người trông nom. “Cả nhà cả đất ở đây mua rẻ như cho ấy. Tính sơ sơ cũng có hơn 50 ngôi nhà để hoang như thế trong làng”, ông Sơn chỉ cho chúng tôi một ngôi nhà bỏ không đã lâu.
Ông Hồ Ngọc Sơn cũng có 2 người con, một người ở tận trong Đồng Nai, một người đã đi xuất khẩu lao động. Mấy năm trước người con ở Đồng Nai sinh cháu, được 8 tháng gửi cháu về cho ông bà nuôi giúp, giờ đứa bé cũng đã 3 tuổi.
Những ngôi nhà lúp xúp chỉ toàn ông bà và cháu nhỏ như nhà ông Sơn chẳng phải chuyện hiếm ở Hồng Lam biệt lập này.
Bấp bênh giữa đôi bờ
Nhìn cảnh những lớp thanh niên lớn lên rồi đi, nhiều người già không khỏi ngậm ngùi. Nhưng họ không giữ con cháu ở lại bởi đời sống ở đây còn quá bấp bênh, khốn khó.
Đứng bờ bên này nhìn sang Hồng Lam như một gò đất nổi lên giữa sông, giữa 2 bờ đồ thị. Từ thuở nào, để qua đó người ta cũng chỉ có thể qua đò. Người dân cứ mòn mỏi ngóng một cây cầu. Đến người lái đò cũng chỉ mong gác cái nghề sinh nhai của mình để có cầu mà đi. Nhưng chờ mãi…
Ngoài người và phương tiện, mỗi chuyến đò ngang chất đầy cơ man nào hàng hóa như đạm, cây giống, vật nuôi, thức ăn, xăng dầu… cung cấp cho người dân Hồng Lam.
Hồng Lam cũng có chợ nhưng chỉ có 4 người bán, chợ họp 8h thì 10h đã tan. Hàng hóa cũng chỉ vài 3 con cá lặt vặt, ít rau củ nên người dân chủ yếu phải qua sông để đi chợ. “Người ta bên kia mua bó rau 5.000 đồng thì chúng tôi phải mua 6.000; thịt cá cũng thêm một giá vô tiền đò nữa”, bà Nga - một hành khách đi đò cho biết.
“Khổ nhất là chuyện vật liệu xây dựng. Năm ngoái tôi mua một ít đá về xây nhà. Ngoài chi phí vật liệu phải mất tiền thuê người, thuê xe chở về đến bến đò. Rồi tiền thuê đò qua sông, lại tiếp tục thuê nhân công để đưa về nhà. Tính ra giá mà hoa hết cả mắt, gấp tận 4 lần”, anh Nguyễn Viết Thuật (38 tuổi) góp chuyện.
Chi phí cứ đội lên trong khi đồng tiền kiếm được từ hoa màu và nghề trồng cói cứ thu hẹp dần.
Trước đây, Hồng Lam không chỉ trồng cói mà còn làm chiếu. Nhưng rồi nghề cói cũng dần mai một bởi chiếu nhựa, chiếu trúc đã thống lĩnh phần lớn thị trường. Thôn dần vắng bóng những tiếng cút kít bên khung dệt. Mất nghề truyền thống, người dân tập trung trồng lạc, ngô.
Với lợi thế là vùng đất được bồi đắp phù sa hằng năm, nghề trồng lạc ở đây cho thu nhập khá nhưng cũng bị thương lái ép giá mỗi mùa thu hoạch do đò giang cách trở.
Sông đem phù sa bồi đắp cho con người nơi đây kế sinh nhai nhưng cũng tiềm ẩn lắm hiểm họa. Trước đây, mỗi năm thôn phải gánh chịu 2 trận bão lũ, lũ nhỏ thì nước ngập ngang mắt cá chân, lũ lớn thì "san phẳng" cả làng.
Ông Nguyễn Thế Lục – Trưởng thôn Hồng Lam - chép miệng: “Diện tích trước của làng này khá rộng. Sau những trận lũ gây sạt lở nghiêm trọng, làng bị thu hẹp dần. Nhất là những năm gần đây, khi nạn cát tặc hoành hành thì diện tích đất liền trên đảo càng bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện cả thôn chỉ còn khoảng hơn 2,5 km2. Nếu không có phương án xử lý dứt điểm, chúng tôi sợ mất làng khi nào không biết chừng”.
Thiên tai, nhân tai, khiến mảnh đất biệt lập nhưng trù phú màu mỡ này chẳng thể níu người...
Tác giả bài viết: Phượng Vũ
Nguồn tin: