Xã hội

Gia đình êm ấm nhờ sự tôn trọng, sẻ chia

Hướng tới Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), PV Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với cô Nguyễn Thị Hoài Thanh - nữ hiệu trưởng đầu tiên của Nghệ An.

- Xin chào cô, em (PV) vừa xem một bức tranh biếm hoạ trên mạng Internet, miêu tả cảnh bữa ăn gia đình trong thời công nghệ: mỗi người đều cầm một chiếc điện thoại trên tay và cắm cúi lướt web, xem phim, thi thoảng ngẩng đầu lên chỉ để gắp thức ăn. Dường như khung cảnh trong tranh biếm họa ấy không phải là chuyện hiếm ngoài đời?

- Năm nay tôi đã 87 tuổi, không sành công nghệ nhưng thi thoảng con cháu cũng đọc cho nghe những câu chuyện thú vị trên mạng Internet. Tôi cũng đã xem bức tranh biếm họa ấy và thực tâm thấy rất buồn. Từ bao giờ bữa ăn gia đình - khoảng thời gian hiếm hoi để các thành viên gắn kết, tâm tình, bồi đắp tình cảm với nhau, lại trở nên vô hồn, tẻ ngắt và xa cách đến thế? Đồng ý là mỗi thế hệ có một mối bận tâm, một thú vui riêng, nhưng dù là mối bận tâm gì và thú vui nào thì cũng cần phải nhớ là không gì bằng tình cảm gia đình.

Hiện tôi sống cùng gia đình con trai và bao nhiêu năm nay, bữa cơm gia đình luôn là khoảng thời gian thảnh thơi, thư giãn của cả nhà. Bố mẹ, con cái, bà cháu cùng sẻ chia, chuyện trò với nhau. Chuyện hàng ngày cũng chẳng có gì, đơn giản như hôm nay cháu đi học ở trường có gì vui, bố mẹ đi làm gặp những người như thế nào, bà ở nhà thì kể chuyện hưu trí, chuyện phố phường… Không ra quy định nhưng đã “bất thành văn” là trong bữa cơm không ai kể chuyện buồn hay để trút bực dọc, còn chuyện gì thì giải quyết sau.

- Gia đình nhiều thế hệ luôn tiềm ẩn những bất đồng về tính cách, quan điểm, thái độ sống, rất khó để dung hoà bền vững. Em thấy thực tế có những gia đình nhiều thế hệ hiện nay đang sống theo kiểu chịu đựng nhau…

- Đúng là giữa các thế hệ khó tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, tuy nhiên nếu sống theo kiểu chịu đựng nhau thì không nên vì như thế mệt mỏi, căng thẳng lắm. Theo quan điểm cá nhân và cách giải quyết của gia đình tôi thì phải trò chuyện thẳng thắn, công bằng.

Qua những cuộc trò chuyện, có thể chúng ta sẽ thấy rằng những khúc mắc tưởng chừng như to đùng ấy thật ra lại chẳng có gì, không ai đúng hoàn toàn và cũng không ai sai hoàn toàn. Vấn đề là cách nhìn nhận, một khi nói ra được rồi thì sẽ tìm được giải pháp dung hòa. Ví dụ như người lớn tuổi trong nhà thường kỹ tính trong “điều ăn, điều ở” và khá nhạy cảm khi đánh giá ứng xử, còn con cháu lại cho rằng ông bà hay “chấp vặt”, hay “dỗi” và khắt khe. Nhưng ai mà chẳng từng có tuổi trẻ, ai mà chẳng có lúc sẽ già đi, mình hiểu được thế để nhẹ nhàng trong tâm lý, chia sẻ với con cháu, ông bà nhiều hơn.

Cô Nguyễn Thị Hoài Thanh cùng cháu gái. Ảnh Phước Anh

Quan trọng nhất là sự tôn trọng và lối sống “vì nhau”. Tôi luôn căn dặn con cháu mình rằng sống đừng ích kỷ, đừng quá đề cao cái tôi, luôn xem ý kiến của mình là nhất mà không suy xét đến góc nhìn của người khác. Đại gia đình tôi hiện có 5 con, 9 cháu, 4 chắt, người chồng quá cố của tôi cũng nguyên là giáo viên, hiện đang có 4 người con và 1 người cháu tiếp tục theo nghề sư phạm. Lối sống mẫu mực, kính trên nhường dưới là truyền thống của gia đình.

- Quan điểm đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng người Việt là “nam tôn, nữ ti”. Dường như đấng mày râu trong nhà bao giờ cũng ngồi “mâm trên” trong mọi việc, quyết định độc đoán, sự sẻ chia việc nhà rất ít dẫn đến nhiều mâu thuẫn vợ chồng khó hàn gắn. Cô nghĩ gì về điều này ạ?

- Chúng ta không bàn sâu về cái đúng, cái sai trong hệ tư tưởng phương Đông, phương Tây mà chỉ nói vấn đề ứng xử trong khuôn khổ gia đình. Tôi từng tham gia hoà giải một trường hợp vợ chồng bất hoà, dẫn đến bạo hành nghiêm trọng ở khu dân cư. Nguyên nhân lại nhỏ nhặt đến không ngờ: chồng đi làm về, nhấc bình nước uống lên thì thấy không có nước, chờ mãi đến quá trưa vợ mới đi làm về. Chồng hỏi sao nhà không có nước, vợ có nói lại là anh đi nấu ấm nước hoặc ra ngõ mua chai nước khoáng uống tạm không được à? Thế là anh chồng cáu lên đánh vợ, ầm ĩ cả xóm phải nhờ đến tổ hoà giải. Chuyện bé xé ra to như thế rất nhiều, mấu chốt là thiếu sự chia sẻ, tôn trọng nhau.

Ở gia đình tôi không có chuyện vợ tất bật đi làm về muộn mà chồng vẫn ngồi rung đùi chờ cơm, hoặc bố mẹ bận rộn mà con ngồi chơi điện tử chờ mẹ phục vụ. Bà ở nhà rảnh rỗi thì nấu giúp cho con, hoặc chồng về trước vợ thì xắn tay vào bếp, cháu chắt cũng thế. Trong mọi việc lớn nhỏ đều cùng đưa ra bàn bạc, thống nhất mới quyết định. Nói thì có vẻ khách sáo nhưng bao năm nay, ngành Dân số nước nhà đã tuyên truyền rồi: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Nhớ và làm theo như thế thì ổn thoả cả thôi!

- Cảm ơn cô về cuộc trò chuyện này!
Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP