Đại diện Sở GTVT Thừa Thiên Huế thông tin, ông Kiều Văn Chương (chủ nhân của 3 cây đa "quá khổ", "quá tải" đang bị mắc kẹt tại Huế) đã có văn bản đề xuất tỉnh cấp giấy phép để vận chuyển 3 cây đa khủng này ra Hà Nội.
Theo Sở GTVT Thừa Thiên Huế, tuyến đường QL1 từ Thừa Thiên Huế ra Hà Nội hiện có 6 cầu yếu (2 cầu ở Thừa Thiên- Huế, 2 cầu ở Hà Tĩnh và 2 cầu ở Thanh Hóa) chỉ chịu được tải trọng 36 tấn.
Trong khi đó, theo hồ sơ doanh nghiệp gửi đến Sở GTVT để xin cấp giấy phép vận chuyển thì cả cây và xe khoảng 45 tấn, nhưng doanh nghiệp không có các phương án kèm theo để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển cây khủng.
Muốn vận chuyển 3 cây đa "quá khổ", "quá tải" ra Hà Nội, sẽ phải gia công các cầu yếu trên quốc lộ 1 |
Phương án cắt bớt cây để giảm tải trọng cũng được đưa ra, song Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho rằng, không mang lại kết quả. Bởi, việc cắt tỉa bớt chỉ là các cành, nhánh cây, trong khi trọng lượng nằm chủ yếu ở thân cây.
Do vậy, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đang bế tắc trong việc cấp phép 3 cây lớn này ra Hà Nội. Bởi nếu Sở GTVT Thừa Thiên Huế cấp giấy phép, trên đường ra Hà Nội, các xe chở cây khủng sẽ đi qua cầu yếu tại nhiều tỉnh, trong khi Sở GTVT Thừa Thiên - Huế không có cơ sở để giám sát, theo dõi xe chạy qua cầu yếu ở tỉnh khác.
Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đã tham mưu UBND tỉnh để có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị Tổng cục Đường bộ cấp giấy phép vận chuyển và chỉ đạo Sở GTVT… kiểm tra, rà soát các cầu yếu trên QL1 để có phương án xử lý và giám sát, theo dõi khi xe chạy qua các cầu yếu ở tỉnh mình.
Đến chiều 11-5, trao đổi về đề xuất này của Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thông tin, Tổng cục chưa nhận được đề xuất. “Trước tiên phải xác minh rõ nguồn gốc 3 cây đa đó có hợp pháp hay không. Nếu nguồn gốc hợp pháp, thì việc vận chuyển các cây này không quá khó,” đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay.
Theo ông Huyện, do cây quá khổ nên khi vận chuyển phải có lực lượng chức năng dẫn đường. “Các cầu yếu đều có biển tải trọng, để vận chuyện cây “khủng” có thể dùng phương án gia cố tạm thời cầu. Tuy nhiên, việc vận chuyển phải dùng xe siêu trường, siêu trọng để giảm tải các bánh xe, không thể dùng xe tải thông thường”, ông Huyện cho biết.
Trả lời về việc cấp phép vận chuyển cây đa "quá khổ", "quá tải", ông Huyện cho rằng, địa phương hoặc Tổng cục Đường bộ đều có thể cấp phép, quan trọng là phương án vận chuyển phải rõ ràng, khả thi.
Tác giả: Hải Dương
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô