Các bác sĩ Trung tâm Nam học, Bệnh viện Việt Đức vừa tiến hành phẫu thuật cắt cụt dương vật cho nam bệnh nhân 33 tuổi, bị ung thư bộ phận này. Bác sĩ Nguyễn Duy Khánh (Trung tâm Nam học) cho biết, bệnh nhân ban đầu chỉ bị hẹp bao quy đầu nhưng vẫn sinh hoạt tình dục thường xuyên. Trong thời gian đó, bệnh nhân bị nhiễm virus HPV nhưng không đi khám, chính việc để lâu dẫn tới bị ung thư cơ quan sinh dục và hậu quả là bị cắt cụt.
Sau phẫu thuật này, các bác sĩ tiến hành nạo vét hạch hai bên, đồng thời sẽ lên phương án tái tạo "cậu nhỏ" cho bệnh nhân sau khi điều trị. Bác sĩ Khánh cho biết, đây là trường hợp vô cùng đáng tiếc vì tình trạng ung thư hoàn toàn có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, trong thực tế, có không ít trường hợp đã phải cắt bỏ “cậu nhỏ” vì sự chủ quan, không đi khám sớm.
Có không ít trường hợp phải đau đớn cắt cụt dương vật vì sự chủ quan không xử lý hẹp bao quy đầu. Ảnh mang tính minh họa. |
Trước đó, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận, điều trị và cắt cơ quan sinh dục cho một bệnh nhân 28 tuổi ở Hà Nội vì ung thư. Cụ thể, nam thanh niên này phát hiện "của quý" có hiện tượng chảy dịch, bốc mùi hôi và càng ngày tình trạng tổn thương càng nghiêm trọng khi bao quy đầu bị sưng to, rỉ máu, các tổ chức sùi ở vùng chỏm... Thế nhưng thay vì đi khám, bệnh nhân lại tự điều trị bằng các loại thuốc bôi, thuốc uống khiến tình trạng ngày càng nặng. Tới khi không thể chịu đựng, nam thanh niên mới tìm đến bệnh viện "cầu cứu" bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Quang Minh - Phó Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, BV Da liễu Trung ương cho biết, sau khi trải qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư ở giai đoạn 2 nhưng do điều trị muộn dẫn đến biến chứng, tổn thương nặng nề vùng bao quy đầu không thể cứu vãn nên buộc phải cắt bỏ khoảng 1/5 dương vật.
Bác sĩ Minh cho biết, theo thống kê, có đến 90% trường hợp ung thư "cậu nhỏ" ở nam giới có tiền sử hẹp bao quy đầu, khoảng 5-10% còn lại liên quan đến bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục như sùi mào gà, nhiễm HPV...
Sở dĩ hẹp bao quy đầu dễ dẫn đến ung thư là do khi đi vệ sinh hay quan hệ tình dục, các chất dịch và cặn bã ứ đọng, tích trữ dưới da bọc quy đầu, lâu dần gây viêm nhiễm quy đầu và đường tiết niệu. Chính tình trạng viêm nhiễm mãn tính do hẹp bao quy đầu kéo dài dẫn đến nguy cơ bị ung thư dương vật. Để phòng tránh, bác sĩ Minh khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý kiểm tra cho trẻ từ khi còn nhỏ, nếu có hẹp bao quy đầu nên xử trí càng sớm càng tốt.
Bác sĩ Minh tư vấn, nếu nam giới có các dấu hiệu như viêm, sưng khi hẹp bao quy đầu; bỗng dưng sờ thấy cục ở ngay dưới quy đầu, chạm vào có thể gây chảy máu, hoặc có sùi, loét; xuất hiện vùng da sẫm màu bất thường ở vùng kín hay bất cứ dấu hiệu gì thấy nghi ngờ... thì nên đi khám sớm.
Để phòng bệnh, điều đầu tiên là phải xử lý hẹp bao quy đầu (nếu có) càng sớm càng tốt, sau đó giữ vệ sinh “cậu nhỏ” hàng ngày. Ngoài ra nên quan hệ an toàn để tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, tốt nhất nên chung thủy một vợ, một chồng.
Nguồn tin: giadinh.suckhoedoisong.vn