Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa công bố Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ và phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2022.
Cụ thể, FPT nâng vốn điều lệ từ 10.970 tỷ đồng lên 11.043 tỷ đồng, tương ứng tăng 73 tỷ đồng thông qua việc phát hành thành công 7,3 triệu cổ phiếu.
Trong đó có 5,48 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên có thành tích đóng góp trong năm 2022 và 1,8 triệu cổ phiếu cho cán bộ lãnh đạo cấp cao năm 2023.
|
Mặt khác, HĐQT FPT cũng thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt tỉ lệ 10% (1.000 đồng/cổ phiếu).
Hiện mã FPT đang có 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, như vậy dự kiến doanh nghiệp sẽ chi khoảng 1.100 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Bên cạnh đó, FPT cũng thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15% (cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Dự kiến doanh nghiệp sẽ phát hành hơn 165,6 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành dự kiến theo mệnh giá là hơn 1.656 tỷ đồng.
Nguồn vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc quyền sở hữu của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán ngày 31/12/2022 (hơn 7.711 tỷ đồng). Toàn bộ số cổ phiếu này không bị hạn chế chuyển nhượng.
Dự kiến FPT sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng tiền mặt trong tháng 6/2023, sau khi được chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Trên thị trường chứng khoán, tại phiên giao dịch ngày 15/5, FPT đang giao dịch quanh vùng giá 81.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến thị giá cổ phiếu FPT (Nguồn: TradingView). |
Về tình hình kinh doanh quý I/2023, FPT ghi nhận doanh thu thuần tăng 20% so với cùng kỳ lên 11.681 tỷ đồng, tuy nhiên so với quý IV/2022 thì kết quả này đã giảm 10,4%. Giá vốn hàng bán tăng 23% lên hơn 7.113 tỷ đồng, lợi nhuận gộp theo đó tăng 16% lên gần 4.568 tỷ đồng.
Cấn trừ đi các chi phí, FPT ghi nhận lãi kỷ lục 2.120,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.809,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 19% và 18% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý I/2023, tổng tài sản của FPT đạt hơn 50.741 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền và các khoản tương đương tiền giảm tới 49% so với cuối năm 2023 còn 3.289 tỷ đồng. Phần giảm chủ yếu do khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng giảm mạnh từ 2.559 tỷ đồng xuống còn 221 tỷ đồng.
Nợ phải trả của tập đoàn giảm 10% so với đầu năm còn gần 23.680 tỷ đồng. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn ghi nhận ở mức 12.355 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 10% lên 12.043 tỷ đồng, tuy nhiên vay nợ thuê tài chính dài hạn giảm sâu từ 1.477 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 312,8 tỷ đồng.
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
Nguồn tin: nguoiduatin.vn