Kinh tế

Động thái thú vị của FLC khi muốn đòi lại trụ sở tại 265 Cầu Giấy từ OCB

FLC và FLCHomes dự kiến mua lại tòa trụ sở từ OCB với giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ ba độc lập, song có thể bán tối thiểu 2.000 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại.

Ngày 29/6 vừa qua, Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) đã ban hành nghị quyết thông qua việc FLC cùng với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (mã FHH) mua lại tòa nhà trụ sở tại 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội từ Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Giá chuyển nhượng được xác định bởi bên thứ 3 là đơn vị thẩm định giá độc lập.

Đồng thời, HĐQT Tập đoàn FLC cũng cho phép bán/chuyển nhượng tòa nhà này cho một bên khác với giá trị tối thiểu 2.000 tỷ đồng sau khi đã hoàn tất thủ tục mua lại tòa nhà từ OCB.

Trụ sở FLC tại 265 Cầu Giấy đã được dùng để gán nợ cho OCB từ năm 2020 (Ảnh: Mạnh Quân).

Từ tháng 9/2020, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua việc sử dụng tài sản tại số 265 Cầu Giấy để bảo đảm cho nghĩa vụ tài chính của Bamboo Airways tại OCB - chi nhánh Thăng Long. Sau đó, đến tháng 11/2020 thì HĐQT FLC đã ban hành nghị quyết sử dụng tòa nhà 265 Cầu Giấy để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - mã BAV) tại OCB.

Được biết, tòa nhà trụ sở FLC tại 256 Cầu Giấy bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019. Tổng diện tích các sàn của tòa nhà này là hơn 101.000 m2 với 42 tầng, gồm 4 tầng hầm và 38 tầng nổi.

Trong đó, tài sản bảo đảm là sàn thương phẩm kinh doanh hình thành trong tương lai của 3 tầng hầm, 6 tầng trung tâm thương mại (từ tầng 1 đến 6), Khu tháp văn phòng (từ tầng 7 đến 17 và từ tầng 21 đến 38).

Còn FLCHomes gán nợ cho OCB các quyền sử dụng thửa đất Khu 2, Khu 3A + 3B + 3C tại địa chỉ số 265 Cầu Giấy. Khu 2 có diện tích 1.160 m2 để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm. Khu 3A + 3B + 3C có diện tích 2.297 m2 để xây khu thương mại cao 5 tầng. Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.

Hiện, OCB đang là một trong những chủ nợ lớn của FLC, với số dư nợ ngắn hạn tại ngày 31/3 là 713 tỷ đồng và 818 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Trong một động thái có liên quan, ngày 28/6, HĐQT FLC cũng đã ban hành Nghị quyết thông qua việc thế chấp dự án đầu tư khu A, khu B và khu C - khu biệt thự nhà ở thuộc Khu phức hợp tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư cho OCB để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của FLC và công ty TNHH Một thành viên FLC Land phát sinh tại ngân hàng này.

Mục đích bảo đảm là để đổi chấp một phần và/hoặc toàn bộ các tài sản thế chấp đang đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ nêu trên và đề nghị OCB xuất trả tài sản cho công ty.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FLC đang có chuỗi diễn biến tích cực với 9 phiên tăng liên tục. Phiên 1/7, mã này tăng nhẹ 0,9% lên 5.800 đồng - ghi nhận mức tăng 59% kể từ phiên 21/6.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP