Giáo dục

Đổi mới giáo dục, đào tạo cần tiếp cận nhu cầu hội nhập quốc tế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.

Chiều 28/11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng các bộ, ngành liên quan và một số địa phương để tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dự thảo Đề án trình Tổng kết Nghị quyết 29 Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục đào tạo nhận định rõ, thành tựu quan trọng trong 10 năm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo là những đóng góp lớn vào việc nâng cao dân trí, đội ngũ nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết 29 vẫn chưa đạt được, như số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, lương giáo viên còn thấp so với mặt bằng chung, tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiết bị học tập còn phổ biến.

(Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất đánh giá công tác đổi mới giáo dục, đào tạo đang đi đúng hướng nhưng nguồn lực dành cho lĩnh vực này, cả nhân lực, vật lực, tài lực, cần được quan tâm sâu sát hơn để bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện. Cụ thể, đầu tư cho giáo dục chưa bảo đảm tỷ lệ tối thiêu 20% theo yêu cầu của nghị quyết 29 và Luật giáo dục 2019. Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học còn rất thấp, nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo. Những vấn đề về tự chủ, đổi mới sách giáo khoa - chương trình, tự chủ đại học… vẫn là những vướng mắc trong đổi mới giáo dục

GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, một số vấn đề liên quan đến thực hiện tự chủ đại học, đổi mới chương trình, sách giáo khoa, kỳ thi xét tốt nghiệp vẫn thiếu chỉ đạo đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, ngành, cơ quan. GS.TS Nguyễn Quý Thanh cũng kiến nghị xem xét quan điểm về mô hình, cơ chế quản lý, quản trị trong các trường đại học bảo đảm tự chủ toàn diện, thực chất, cùng với quản lý chất lượng và chuyển đổi số.

"Đối mới căn bản đã thực sự căn bản và đã thực sự toàn diện hay chưa? Đây là điểm tôi cho rằng trong báo cáo tổng kết cần đi sâu phân tích hơn", GS.TS Nguyễn Quý Thanh nêu ý kiến.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nêu một số vấn đề đã được đặt ra trong Nghị quyết 29, nhưng chưa đạt được yêu cầu như: Mục tiêu "thực học, thực nghiệp", sự phối hợp thực hiện giữa các bộ, ngành, bảo đảm bình đẳng giữa khu vực giáo dục công lập và ngoài công lập…

"Giải pháp đột phá là đầu tư cho đội ngũ giáo viên. Thiết kế đã có nhưng thiếu người thi công thì không thể xây được công trình", GS.TS Nguyễn Văn Minh nói.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM và tỉnh Nghệ An cùng kiến nghị, báo cáo tổng kết cần có giải pháp để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non, tỷ lệ tốt nghiệp bậc trung học phổ thông và tương đương được nêu trong Nghị quyết 29, thí điểm hình thức hợp tác giáo dục quốc tế mới tại những đô thị, thành phố lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý tại cuộc họp để hoàn thiện dự thảo Đề án, trình các cấp có thẩm quyền theo kế hoạch đã đề ra: "Các tiêu chí đánh giá chất lượng, kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần theo thang chuẩn của thế giới".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho rằng, trước bối cảnh, yêu cầu trong nước và quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, thì hệ thống quan điểm, tư duy, phương pháp thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo cần được đánh giá, nhìn nhận lại. Từ đó, xác định những định hướng lớn; bổ sung các vấn đề từ thực tiễn đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo trong giai đoạn mới.

"Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của hệ thống giáo dục, đào tạo được nêu trong Nghị quyết 29 đã được khắc phục đến đâu sau 10 năm triển khai, nguyên nhân, giải pháp sắp tới là gì? Đổi mới giáo dục, đào tạo cần cách tiếp cận liên ngành, gắn với yêu cầu của xã hội, nền kinh tế cũng như nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tác giả: Lê Hoàng

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP