Kinh tế

Doanh nghiệp bột giặt lãi hàng chục tỷ đồng mỗi tháng

Không chỉ gia công cho các hãng lớn của nước ngoài, nhiều hãng bột giặt trong nước ngày càng kinh doanh hiệu quả với các sản phẩm mang thương hiệu của chính mình.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015 của Công ty bột giặt Net (Netco) cho thấy kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Mặc dù doanh thu 2015 giảm hơn 2%, đạt 784,2 tỷ đồng nhưng lợi nhuận tăng 96% so với 2014, lên 102 tỷ. Cũng chính từ việc quản trị tốt, lại hoạt động kinh doanh hiệu quả nên lợi nhuận sau thuế 2015 của doanh nghiệp đạt 86,7 tỷ đồng, tăng 87,2% so với 2014. Đa phần lợi nhuận này đến từ cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa cho Unilever.

Không chỉ có kết quả kinh doanh tốt, nhiều chỉ số tài chính khác của công ty này cũng khá ấn tượng. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp đạt 371,8 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả là 98,4 tỷ, chủ yếu là nợ ngắn hạn phải trả người bán.

Thị trường bột giặt vô cùng màu mỡ. Ảnh: M.H.


Bên cạnh đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức cao và tăng đều qua các năm, riêng năm 2015 đạt 5.205 đồng. Công ty cũng sử dụng đồng vốn của cổ đông khá hiệu quả khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 đạt 30,7% và chia cổ tức ở mức 30%, tức 3.000 đồng một cổ phiếu. Các năm trước đó, chỉ số ROE luôn nằm trong mức 20%. Với kết quả kinh doanh này, chỉ số tài chính ấn tượng nên cổ phiếu Net đang đứng ở mức giá 69.000 đồng tính đến 8/7.

Công ty cổ phần Bột giặt Net là thành viên của Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem). Công ty này đang là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa như, bột giặt Omo, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà Vim. Ngoài ra, đơn vị còn có các sản phẩm riêng như bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén và lau sàn mang thương hiệu riêng.

Cũng là đối tác của Unilever, bức tranh kinh doanh của Công ty cổ phần bột giặt Lix (Mã CK: LIX) cũng khá sáng sủa nhờ gia công sản phẩm cho đối tác này.

Năm 2015, công ty đạt doanh thu bán hàng 1.780 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 233 tỷ, tăng 124% so với 2014. Như vậy, mỗi tháng Lix thu 19,4 tỷ đồng lãi từ kinh doanh bột giặt, chất tẩy rửa… Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 181 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với 2014.

Sản lượng gia công cho Unilever không còn nhiều như những năm 2000 (70% trên tổng doanh thu) song các chỉ số kinh doanh của đơn vị này khá tốt nhờ phát triển nhiều sản phẩm mang thương hiệu riêng. Tính đến ngày 31/12/2015, tổng nguồn vốn của công ty đạt 792 tỷ đồng, nợ phải trả 339 tỷ, trong đó nợ ngắn hạn chiếm đa số và chủ yếu là phải trả người bán, người mua trả trước, người lao động…

Năm 2015 lãi cơ bản trên cổ phiếu của công ty đạt 7.522 đồng - con số ấn tượng nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Lix năm 2015 đạt 40%. Với kết quả kinh doanh tốt, đến hết ngày, 11/7 cổ phiếu Lix tăng trần lên 79.000 đồng. Hết quý I, doanh thu bán hàng của công ty đạt 441 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 46 tỷ, lần lượt tăng 14% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2016, Lix vẫn xác định sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác với Unilever. Hợp đồng gia công cho Unilever của Lix sẽ hết hạn vào năm 2019.

Lix ra đời từ năm 1972 và được nhắc đến nhiều trên thị trường bột giặt. Đến năm 1995, Unilever và Procter & Gamble tiến vào đánh chiếm thị trường Việt khiến thị phần của Lix teo tóp. Để tồn tại, năm 2000, Lix bắt đầu gia công cho Unilever. Hoạt động này đóng góp đến 70% doanh thu của công ty.

Dù vẫn duy trì hoạt động gia công và sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng cho đến ngày nay. Tuy nhiên, hiện gia công chỉ đóng góp khoảng 7-8% doanh thu và lợi nhuận gộp của Lix.

Sản phẩm không quá nổi tiếng như 2 đơn vị trên, nhưng hoạt động kinh doanh bột giặt và chất tẩy rửa hàng năm cũng đem về cho Công ty cổ phần bột giặt và hóa chất Đức Giang hàng trăm tỷ đồng doanh thu.

Báo cáo tài chính 2015 của đơn vị này cho thấy, doanh thu cả năm đạt 461 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 97 tỷ. Trong khi doanh thu tăng 22,6% thì lợi nhuận giảm mạnh tới 26,5% so với cùng kỳ 2014.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm được doanh nghiệp lý giải là do thị trường cạnh tranh gay gắt, chi phí doanh nghiệp và sản xuất tăng cao. Dẫu mức lợi nhuận giảm mạnh nhưng vẫn khá hấp dẫn, bình quân mỗi tháng thu hơn 8 tỷ đồng.

Một đơn vị khác là Công ty cổ phần Tico mỗi năm cũng thu lãi vài chục tỷ đồng từ hoạt động cung cấp các sản phẩm hoạt động bề mặt như LAS, SLES, SLS... làm nguyên liệu cho ngành sản xuất chất tẩy rửa như bột giặt, nước giặt, nước rửa chén và các sản phẩm vệ sinh khác. Với vốn điều lệ chưa đến 100 tỷ nhưng doanh thu hàng năm của Tico lên đến hơn 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 30 tỷ. Năm 2015, công ty này đạt 1.535 tỷ đồng doanh thu và 34 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Đánh giá về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp bột giặt, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, sở dĩ các doanh nghiệp này đạt lợi nhuận "khủng" trong 2015 là nhờ giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các công ty Việt Nam đang gia công sản phẩm cho đối tác ngoại cũng tận dụng được lợi thế từ việc sử dụng công nghệ hiện đại được hỗ trợ từ các hãng nên không những giảm chi phí mà còn cho ra sản phẩm chất lượng. Từ đó, họ có nhiều kinh nghiệm hơn trong sản xuất sản phẩm mang nhãn hàng riêng của mình. Ngoài ra, việc kinh doanh các sản phẩm từ hóa chất vướng rất nhiều rào cản nên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể chen chân vào. Do vậy, thị trường này vẫn đang là mảnh đất màu mỡ mà doanh nghiệp thỏa sức vùng vẫy.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, theo ông Khiêm, hoạt động kinh doanh hóa chất kém lâu dài và thiếu bền vững, nên nếu xảy ra sơ xuất doanh nghiệp rất dễ đánh mất thị trường vào tay đối thủ.

Tác giả bài viết: Hồng Châu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP