“Cầu được ước thấy”
Cách trung tâm thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) khoảng 1 cây số về phía Bắc, nhiều năm qua tồn tại một ngôi mộ rất đặc biệt. Miếu thờ cạnh đó được xây dựng to lớn, bên trong có bàn thờ, hương khói nghi ngút. Vì không rõ tên tuổi, quê quán nên người dân địa phương quen gọi đó là mộ “ông ăn mày”.
Bà Trần Hải Yến (71 tuổi), người trông coi ở đây gần chục năm qua cho biết, ngày nào cũng có người từ khắp nơi mang lễ vật đến thắp hương thành khẩn cầu xin. “Ngôi mộ ông ăn mày này thiêng lắm. Rất nhiều người đã xin được ơn rồi”, bà Yến chưa nói dứt câu thì có một người phụ nữ mang bánh kẹo, đồ lễ đến khấn bái.
Bà Yến – người trông coi ngôi miếu kể chuyện với phóng viên
Nói về gốc tích ngôi mộ đặc biệt này, bà Yến cho hay, khoảng 50 năm trước, tại ga Cầu Giát (Quỳnh Lưu) xuất hiện một người đàn ông tầm 60 tuổi, dáng người gầy gò, ăn mặc rách rưới, hành nghề ăn xin. Chẳng ai biết ông ta tên gì, từ đâu đến, chỉ biết sau mỗi buổi chiều, ông lại tìm về gốc đa giữa cánh đồng ngủ, rồi sáng sớm hôm sau lại bị gậy lên đường.
Những ngày mưa gió, ông lão không đi xin mà nằm co ro phía sau nhà trực của ga tàu. Chứng kiến cảnh tượng đó, rất nhiều người động lòng mang đồ ăn, chăn chiếu cho ông. Thậm chí, có người đề nghị ông về nhà mình ở tạm nhưng bị ông hành khất từ chối.
Vào một ngày đông giá buốt, người dân phát hiện ông lão nằm bất động trước cửa một nhà xưởng. Lại gần, họ bàng hoàng phát hiện ông ăn mày đã chết từ lúc nào. Với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”, một số người dân đã mua chiếu đắp tạm lên thi thể, đồng thời trình báo sự việc lên chính quyền địa phương.
Sau đó, một nhóm người đã tiến hành chôn cất người đàn ông vô gia cư này. Cụ Lê Đăng Hiên (86 tuổi, một trong những nhân chứng) trầm ngâm nhớ lại: “Chúng tôi buộc hai đầu chiếc chiếu lại rồi khiêng đi chôn ngay tại gốc đa, nơi khi còn sống ông lão vẫn thường trú ngụ. Do không biết tên tuổi nên chúng tôi gọi luôn ngôi mộ là mộ ông ăn mày”.
Cũng theo chia sẻ của cụ Hiên, ngày ấy, mộ ông ăn mày chỉ là một ụ đất, cỏ mọc um tùm, xunh quanh là đồng ruộng, ít người lui tới chứ không kiên cố, bề thế như hiện nay. Nguyên do sự việc bắt đầu vào năm 1980.
Năm ấy, ông Bùi Văn Á (người ở địa phương) cùng một số bạn bè hùn vốn mở một lò nung vôi ngay gần gốc đa, nơi có mộ ông ăn này. Dù đã có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, nhưng không hiểu tại sao từ khi mở lò nung vôi tại đây, lần nào nhóm ông Á cũng thất bại. Lúc thì vôi sống, lúc thì chín quá.
Hơn một tháng ròng rã như vậy khiến họ vô cùng buồn bực vì vốn liếng sắp hết. Trước áp lực phá sản, ông Á quyết định thực hiện mẻ vôi cuối cùng với suy nghĩ “một mất một còn”. Trong quá trình làm, ông Á vừa đùa, vừa thật nói với nhóm công nhân rằng: “Đây là lần nung cuối cùng. Nếu lần này vôi chín, tao sẽ lấy số vôi này, mua thêm ít đá, xi nữa về xây lăng cho ông ăn mày”.
Không ngờ lần ấy, mẻ vôi chín đúng thật. Điều này khiến ông Á vô cùng vui mừng, quyết định sẽ thực hiện lời hứa bèn thuê thợ về xây mộ cho ông hành khất. Hay tin, một số bạn bè của ông cũng xin được góp tiền xây dựng ngôi miếu thờ cạnh đó. Cũng từ đó, ngày rằm hay mồng một hàng tháng, ông Á đều đặn ra thắp hương khấn vái với mong muốn công việc phát đạt.
Sức mạnh của niềm tin
Từ đó, người làng truyền tai nhau rằng, từ sau ngày bỏ tiền xây lăng mộ và miếu thờ cho ông ăn mày, công ty của ông Á ngày càng ăn nên làm ra. Tin tưởng công việc của mình thuận lợi là nhờ ông ăn mày nên ông Á càng toàn tâm toàn ý lo hương khói, thờ cúng.
Không lâu sau, số người nghe được chuyện này kéo đến ngày càng đông. Phần đông là dân buôn bán đến cầu an, cầu lộc. Lâu dần, mộ ông ăn mày được nhiều người biết đến, không chỉ người dân trong vùng mà cả những nơi khác như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình… cũng tìm tới.
Sau khi ông Á qua đời, trách nhiệm lo hương khói được giao lại cho bà Yến. Nói thêm về ngôi miếu này, bà Yến cho hay, sau lần xây dựng đầu tiên, dân làng có tiến hành tu sửa thêm hai lần nữa. Tất cả tiền bạc, đồ thờ cúng trong miếu đều do người dân và các doanh nghiệp quyên góp.
Mộ ông ăn mày được người dân góp tiền, sửa sang khang trang, thanh tịnh
Hiện nay, nơi an nghỉ của ông ăn mày đã được hoàn thiện, kiên cố. Phía trên ngôi mộ được lát gạch màu men đỏ, cao ráo, sạch sẽ. Trên cùng là bức tượng khắc họa chân dung ông ăn mày theo mô tả của các cụ cao niên. Với diện tích 500m2, không gian lăng mộ trở nên thoáng đãng, thanh tịnh.
Nhiều năm trở lại đây, theo ghi nhận của người dân địa phương, cứ đến ngày rằm, mồng một, hàng trăm người từ khắp nơi lại tìm đến mộ ông ăn mày thắp hương. Từng dãy ô tô xếp hàng dài từ đầu ngõ. Đó là chưa kể hàng trăm chiếc xe máy nối đuôi nhau dựng khắp đường làng.
Người ta tìm đến đây với nhiều mong muốn, kẻ cầu mong thi cử đỗ đạt, kẻ xin làm ăn thuận lợi, gia đình êm ấm, thuận hòa... Cũng không ít người tìm đến cầu xin tìm lại được đồ vật đã mất. Chẳng ai rõ ngôi mộ ấy linh thiêng thế nào, nhưng số người kéo đến mỗi ngày một đông.
Anh Trần Văn Tính, trú xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu cho hay, hồi đi thi đại học, anh đã đến đây cầu xin ông phù trợ. Sau này khi đã ra trường, có công việc, vợ con, gia đình anh cũng thường lui tới đây thắp hương. “Tôi không bàn đến vấn đề linh thiêng của ngôi mộ này, chỉ biết rằng mình tự tin hơn, tìm thấy niềm vui trong tâm hồn mỗi khi tìm đến đây”, anh Tính nói.
Đó cũng là cảm giác của chị Võ Thị Lương, người huyện Đô Lương (Nghệ An). Chị Lương chia sẻ, bản thân thường đến đây thắp nén hương, khấn bái. Sau mỗi lần đó, chị cảm thấy nhẹ nhõm trong người, mọi phiền muộn tan biến.
Trao đổi với ông Lê Văn Mạn, trưởng khối 9, thị trấn Cầu Giát, nơi có ngôi miếu an tọa, ông Mạn cho biết, khi ông lớn lên đã nghe ông bà kể về ngôi mộ ông ăn mày rồi. Trước năm 1980, ngôi mộ chỉ là một đám cỏ xanh nằm lọt giữa vùng đầm lầy. Sau này, một số người dân đã quyên góp xây dựng thành lăng mộ cao ráo, khang trang như bây giờ.
“Còn việc ngôi mộ linh thiêng hay không là do niềm tin của mỗi người. Có thể nhiều trường hợp chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”, ông trưởng khối chia sẻ.
Việc thờ cúng một người ăn mày không phải là hiếm gặp trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ở nhiều làng, ngoài các vị thiên thần được thờ cúng làm thành hoàng còn có cả những nhân thần, thậm chí có cả người chết trẻ, trẻ con, người ăn mày, ăn trộm, người mù, người gắp phân, người chết nghẹn... Sở dĩ những người này được thờ vì họ theo niềm tin của dân làng, chết vào giờ thiêng, nên thường ra oai (gây dịch bệnh, hỏa hoạn...) khiến dân nể sợ mà thờ. Sự thờ phụng tượng trưng cho làng xã, biểu hiện của lịch sử, phong tục, đồng thời là một thứ quyền uy, một mối liên lạc vô hình, khiến cho làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ. |
Tác giả bài viết: Ngọc Điệp