Dấu tích miệng núi lửa Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn) như cái chảo khổng lồ hứng mây trời giữa biển khơi. PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản nhìn nhận, đảo Lý Sơn, ven biển Bình Châu và vùng phụ cận có những tầng lớp địa chất độc đáo, phong phú. Đây là dấu tích nhiều đợt kiến tạo của vỏ trái đất cách đây hàng triệu năm.
Hoàng hôn trên dấu tích miệng núi lửa Thới Lới. Theo ông Văn, các thời kỳ phun trào núi lửa khác nhau đã tạo nên những tuyệt phẩm tự nhiên từ sự tương tác giữa biển và núi lửa.
Vách đá trầm tích núi lửa khoảng 10 triệu năm huyền hoặc trong màn sương buổi sớm. TS Nguyễn Hoàng, Chuyên gia Viện Khoa học và Công nghệ(Nhật Bản) nhận định, huyện đảo Lý Sơn có địa hình núi lửa chiếm 70% diện tích. "Mỗi đợt phun trào, núi lửa tạo thành nhiều lớp dung nham có bề dày khác nhau. Đây có thể xem là bảo tàng tự nhiên về hoạt động núi lửa hiếm có trên thế giới, xứng tầm là công viên địa chất toàn cầu", vị chuyên gia nói.
Mùa hoa muống biển tạo không gian màu tím thơ mộng bên dưới trầm tích núi lửa Thới Lới ở huyện đảo Lý Sơn.
Thắng cảnh chùa Đục bên vách đá miệng núi lửa Giếng Tiền sừng sững giữa biển trời đảo Lý Sơn.
Trầm tích núi lửa nhuốm màu rêu xanh trên bãi biển phía trước thắng cảnh chùa Hang - di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở huyện đảo Lý Sơn. TS Nguyễn Ngọc Thu, nguyên Giám đốc Trung tâm địa vật lý - Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam cho rằng, trầm tích núi lửa đã tạo nên nhiều cảnh quan độc đáo cho vùng biển Bình Châu - Lý Sơn. Nếu biết cách bảo tồn và phát huy di sản thiên nhiên, khu vực này sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và các nhà nghiên cứu địa chất trên thế giới.
Trầm tích núi lửa tạo nên cổng tò vò hình vong cung độc đáo vươn về phía biển ở đảo Lý Sơn.
Trầm tích núi lửa tạo nên thắng cảnh hòn Đụn ở xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn.
Hải âu về tổ trên vách đá trầm tích núi lửa hòn Đụn. GS Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu ghi nhận, các tiêu chí về di sản địa chất ở huyện đảo Lý Sơn và Bình Châu hết sức độc đáo, hội đủ điều kiện trở thành công viên địa chất toàn cầu.
Bé gái vui chơi bên vách trầm tích núi lửa ở xã đảo An Bình.
Vách đá trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau tạo nhiều hình dáng ở xã đảo An Bình.
Hoạt động phun trào núi lửa tạo nhiều cụm đá độc đáo ở trong bờ lẫn ngoài biển ở xã đảo An Bình.
Thắng cảnh hòn Nhàn - cụm đá trầm tích núi lửa ở vùng biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn).
Trầm tích núi lửa ở đảo Bàn Than - cách cửa biển Sa Kỳ khoảng 3 hải lý về phía đông.
Các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát bãi đá trầm tích núi lửa trên đảo Bàn Than.
Bãi đá trầm tích núi lửa ở thắng cảnh Gành Yến (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn).
Phong cảnh thơ mộng Gành Yến. Tỉnh Quảng Ngãi đang lập hồ sơ công nhận vùng biển Bình Châu - đảo Lý Sơn là công viên địa chất cấp tỉnh. Sau đó tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.
Tác giả bài viết: Minh Hoàng