Chạy thoát khỏi cơn lũ dữ rạng sáng 14/9 và trở về nhà an toàn, nhưng chị Vi Thị Di (38 tuổi, xã Thanh Quân, Như Xuân, Thanh Hóa) bảo “chưa thể hoàn hồn”, nhiều lúc rơi vào trạng thái mơ sảng.
Chị Di bảo chưa từng chứng kiến cơn lũ nào kinh hoàng như vậy trong đời. Ảnh: Lê Hoàng.
Vài ngày trước, chị Di cùng nhóm 9 người ở thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, vào khu rừng sâu giáp tỉnh Nghệ An, cách nhà 15 km, để tìm hái măng. Họ ở trong ba căn lán dựng sẵn từ trước. Các khu lán đều nằm sát mép suối để tiện cho việc lấy nước luộc măng và sinh hoạt.
Rạng sáng 14/9, trời mưa như trút nước. Khoảng 3h thì nước lũ tràn về. “Đang ngủ, bỗng nghe tiếng ầm ầm gầm réo, chúng tôi hò hét nhau vùng chạy trong đêm tối trước khi căn lán xiêu vẹo bị lũ cuốn phăng…", chị Di kể.
Trong lán lúc đó có 4 người, ngoài chị Di còn vợ chồng anh Vi Văn Ứ - Vi Thị Nội và một người tên Đông. Ba người chạy thoát còn chị Nội mắc kẹt, sau đó bị lũ cuốn mất tích. “Tôi nghe tiếng chị Nội gào thét trong dòng nước lũ, nhưng không thể giúp được gì”, người phụ nữ kể tiếp.
Trong màn đêm, những người sống sót chia nhau tìm kiếm quanh khúc suối nhưng không phát hiện dấu vết chị Nội. Lần đến khu lán cách đó khoảng một km, chị Di hoảng hốt khi tất cả bị cuốn phăng, xóa sạch dấu vết. 6 người trong căn lán cũng bị lũ dữ đẩy về phía hạ nguồn.
Ba người đứng dưới cơn mưa tầm tã nhiều tiếng, khi trời tảng sáng thì men theo bờ suối tìm kiếm và phát hiện hai người đàn ông mắc kẹt dưới gốc cây và đất đá. Anh Lương Văn Thoải đã chết, còn Vi Đình Khoa đang thoi thóp, trên người không còn quần áo. “Khoa thều thào cầu cứu, nhưng nó nằm lẫn trong cây rừng và đá tảng nên không có cách nào đưa ra ngoài”, chị Di nhớ lại.
Khoảng 8h sáng, thấy việc tìm kiếm không có kết quả, nhóm người sống sót mới băng rừng trở về làng tìm sự trợ giúp.
Đi rừng hái măng nhiều năm, nhưng chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ kinh hoàng như vậy, chị Di bảo: “Không bao giờ tôi dám quay lại khu rừng ấy và sẽ bỏ hẳn nghề hái măng dù nghèo khó đến đâu”.
Dân làng Chiềng Cà cho hay, bà con người Thái ở đây sống dựa vào nương rẫy và đi rừng. Hàng năm, cứ đến mùa cây nứa đâm măng (kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch) một số người lại vào rừng hái. Mỗi chuyến đi thường kéo dài khoảng 10 ngày. Nếu thuận lợi, trong ngày một người sẽ hái được 20 kg măng tươi, đem sấy khô thành một kg măng khô, vận chuyển về làng bán cho thương lái với giá trên dưới 100.000 đồng/kg.
“Biết là thu nhập không đáng kể nhưng chẳng có nghề phụ nên chúng tôi mới liều mạng vào rừng thôi”, một phụ nữ ở Chiềng Cà kể.
Trước đó rạng sáng 14/9, xã Châu Hội (Quỳ Châu, Nghệ An) xảy ra trận lũ ống. Nhóm 10 người dân ở thôn Chiềng Cà 2 đi làm măng trong rừng nháo nhào bỏ chạy, nhưng chỉ 3 người thoát, 7 người còn lại bị cuốn trôi.
Gần trưa 14/9, những người thoát nạn mới trở về đến bản và thông báo cho chính quyền địa phương. Đến 19h cùng ngày, sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy hai nạn nhân Lương Văn Thoại (22 tuổi), Vi Văn Khoa (45 tuổi) đưa về an táng. 5 người hiện mất tích đều là phụ nữ và có họ hàng với nhau.
Một góc bản Chiềng Cà 2. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó chủ tịch huyện Như Xuân cho hay, gần 200 người thuộc các lực lượng dân quân, công an và thân nhân nạn nhân đang có mặt tại khu rừng sâu ở Quỳ Châu để tìm kiếm những người mất tích.
Do địa hình hiểm trở, sáng nay tỉnh Thanh Hóa huy động thêm nhiều bộ đội biên phòng và phương tiện chuyên dụng vào hiện trường tham gia cứu hộ.
Tác giả bài viết: Lê Hoàng