Vô số "bẫy"
Cháu gái 8 tuổi là con của một điều dưỡng trong BV được đưa đến gặp BS Trang vì bà mẹ cho hay, bé đột ngột có tình trạng hay sợ hãi cao độ, không chịu rời mẹ và không dám đến trường. Bình tĩnh, để tìm ra sự thật, người mẹ biết con thích ăn gà rán nên nhẫn nại ngày ngày đưa con đi ăn và dỗ dành từ từ, mới biết con gái bé bỏng bị bảo vệ trong trường học sàm sỡ...
Một trường hợp khác là một bé gái dưới 6 tuổi, đi chơi trong xóm, cha mẹ mải đi làm, không theo dõi sát con, nên đến một ngày, người mẹ đau đớn phát hiện con đã bị ai đó lạm dụng đến tổn thương âm đạo. Người mẹ nuốt nước mắt vào trong, đưa con đi BV điều trị.
BS Trang cũng vẫn còn nguyên cái cảm giác xót xa tới tận giờ này khi đã từng có thời gian trực tiếp điều trị cho một bé gái 15 tuổi. Chị đã phải "gồng mình" chữa trị tâm lý cho bé gần 2 năm mới gọi là tạm ổn. Cho tới giờ khi hỏi thăm, bé vẫn chưa thể bình thường hẳn khi có ai đó do vô tình mà làm "chạm" phải nỗi tổn thương của cô bé.
Cô bé kể với mẹ là đã bị một người xe ôm "sờ soạng". Hành vi sàm sỡ này đã gây nên một tác động rất mạnh, tới mức, khiến bé bị ám ảnh dài ngày, lâu ngày thành "tâm bệnh", với những cơn xung động.
Có lúc bé không còn nhận biết được gì xung quanh nữa, mà chỉ thấy người đối diện mang khuôn mặt của "gã" xe ôm gớm ghiếc có hành vi nhơ nhuốc với mình từ mấy năm trước, mà cô bé vô cùng giận dữ. Thậm chí, cô bé thổ lộ với mẹ chỉ muốn... giết người.
Sự rung chấn tinh thần nặng tới mức cô bé này đã từng có hành vi lao vào cô giáo vì tưởng chính cô giáo là gã xe ôm thậm tệ năm nào!
Theo BS Trang, hiện, chị vẫn đang phải điều trị cho cô bé hội chứng rối loạn stress, rất khó khăn và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bé. Thậm chí các BS trong khoa Tâm lý phải viết giấy chứng nhận gửi đến trường để bé có thể được tiếp tục theo học và để các thầy cô thông cảm cho các cơn xung động.
Trong các trường hợp chia sẻ, có lẽ gây cho BS Trang đau lòng nhất là trường hợp một cô bé bị chính người thân ép quan hệ tình dục trong nhiều năm. Đó là một HS lớp 7.
Trước giờ mỗi khi đi làm, cha mẹ vẫn gửi bé cho người chú ruột chăm sóc. Trong một buổi họp phụ huynh, cô giáo cảnh báo mẹ rằng bé hay buồn, ngồi co ro, như cố thu nhỏ người trong lớp, sợ hãi. Người mẹ tìm hiểu và "rụng rời tay chân" khi phát hiện bé đã bị chính người thân lạm dụng suốt từ hồi lớp 5.
BS Trang kể, nhiều trường hợp các bé trai cũng bị xâm hại hết sức đau lòng. Một cậu bé nhìn rất đẹp trai, trắng trẻo, khôi ngô, 12 tuổi, sống với những người dì, khi đi bơi bị những người đàn ông lạm dụng, bé không kháng cự được, hỏi cũng không thể nói. Nhiều lần như vậy sinh ra bứt rứt khó chịu, đến một ngày sinh cảm giác vừa sợ lại... "vừa muốn".
Trách nhiệm của cha mẹ
Theo BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Y văn ghi nhận, tỉ lệ trẻ bị lạm dụng chiếm 75% là nữ, 25% là nam. Thông thường các bé trai hay bị lạm dụng trong hồ bơi, phòng thay đồ hoặc trong những môi trường sống toàn nam giới. Trẻ có khiếm khuyết về mặt trí tuệ càng có nguy cơ cao bị lạm dụng.
Từ những thực tế điều trị, BS Trang cũng muốn gửi một thông điệp rằng: Hãy thông cảm và hãy bảo hộ, nâng đỡ cho những đứa trẻ không may bị XHTD. Và cần nâng đỡ cho cả những bà mẹ có con bị XHTD để cứu vớt và làm lành tổn thương cho chính cha mẹ và cả nạn nhân.
Thực tế, BS khoa Tâm lý tại đây đã phải "gồng mình" để giúp nhiều trường hợp trẻ và các bậc cha mẹ thoát khỏi khủng hoảng tâm lý, đã có những ca mà BS thừa nhận đành bất lực vì tổn thương quá lớn, không chữa trị được.
Từ việc trị liệu, cho thấy, khi nghi ngờ trẻ bị XHTD, cha mẹ rất cần có kĩ năng. Trước hết là kĩ năng nhận biết ra kẻ đã gây nên nỗi đau khủng khiếp cho con mình. Trong đó, người quen là "gợi ý", là "chỉ điểm" đầu tiên để nghĩ tới mà "khoanh vùng". Để phòng tránh, việc trò chuyện với trẻ về giới tính là vô cùng hữu ích. Với những đứa trẻ bị thiểu năng thì cần có kèm theo sách báo minh hoạ.
Có thể chỉ rõ: "Vùng này trên cơ thể của con là vùng cấm, người lạ không được phép sờ, mó vào”. Phải để cho trẻ hiểu rằng, phải được sự cho phép của cha, mẹ khi bất cứ ai, nhất là người khác giới muốn rủ con đi chơi, đi ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ.
Thậm chí, ngay từ khi trẻ 2-3 tuổi, đừng giấu giếm, che đậy sự thật với trẻ. Dạy trẻ hiểu, những chỗ kín trên cơ thể là không được phép để lộ ra ngoài, nên được giữ kín, che đậy bằng quần áo. Cha mẹ cũng không nên phó mặc cho nhà trường hết.
Theo BS Trang, bữa cơm mỗi gia đình là thời điểm thuận lợi nhất để hỏi trẻ việc học, sinh hoạt tại trường. Để phát hiện điều "khác lạ" từ con. Vì nếu không phòng, khi đã xảy ra hậu quả rồi, trẻ bị tổn thương khó mà "cậy" được răng hé ra điều khiến nó bị đau đớn... Đó là một trong nhiệm vụ của cha mẹ phải lo từ khi 6-12 tuổi.
Ở độ tuổi vị thành niên thì vấn đề giới tính sẽ càng khó. Phải có cách nói chuyện cụ thể hơn. Con gái thì mẹ, con trai thì ba trao đổi. Có thêm sách báo, có những câu chuyện cụ thể minh hoạ sẽ là "cứu cánh" để dễ nói chuyện, gần con một cách tự nhiên.
Còn rất nhiều kĩ năng khác mà cha mẹ cần nắm qua các tài liệu, sách báo, qua bác sĩ tâm lý tại các BV Nhi đồng nếu phụ huynh có nhu cầu, để tránh cho con không thành nạn nhân của nạn XHTD.
Tác giả bài viết: Huyền Nga
Nguồn tin: