Kinh tế

Đâu rồi 'Tiến sĩ đa cấp, Vietlott, kẹt xe'?

Nói đầy đủ là Tiến sĩ nghiên cứu về đa cấp, Vietlott, kẹt xe, hay lợn ế.., những vấn đề hết sức cấp bách, cần kíp hiện nay. Đây là những đề tài nghiên cứu nghiêm túc, có giá trị mà xã hội rất cần.

anh sy
Anh Phan Công Sỹ (Nghệ An), chưa học hết THPT, sáng chế máy cày ưu việt hơn máy cùng loại của Nhật Bản (ảnh: QĐ)

Vừa qua, dư luận dở khóc dở cười với những đề tài nghiên cứu Tiến sĩ như “Đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã”… Mặc dù, đã được các Tiến sỹ khác, giải thích là nó “mang giá trị thực tiễn lớn, có tính chất văn hóa thiết thực”, vân vân; nhưng thực ra, cái nhìn mỉa mai về đề tài này, rất khó thay đổi trong nhận thức những người không phải là Tiến sĩ, đang chiếm đại đa số.

Nói thế, tưởng rằng do quá “bí”, khan hiếm, “sa mạc” đề tài, nên mới nảy sinh ra những đề tài như trên.

Không, nếu thế, các bạn thực sự đã nhầm, nhầm to. Nói một cách nghiêm túc, đề tài đẳng cấp Tiến sĩ, hay các đề tài cấp thiết chờ đợi các Tiến sĩ, đang vô cùng nhiều.

Chẳng hạn, vừa qua Bộ Công Thương đã ra quyết định khai tử đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Có hàng nghìn, hàng vạn người đã đổ tiền của, công sức, tâm huyết vào đây, để rồi kết quả, thu về, cái gọi là “bài học xương máu”.

Mà không phải không tuyên truyền, không cảnh báo, không kêu gọi, xử phạt…, đủ các hình thức, đủ cách thức, biện pháp, đã thực thi, từ phía cơ quan công quyền, từ báo chí, từ người dân, cộng đồng…

Vậy tại sao nhiều người dân, thanh niên, cụ già, trí thức… vẫn “say như điếu đổ” đa cấp, để rồi “tiền mất, tật mang”, mất thời gian, đổ vỡ các mối quan hệ anh em, bạn bè, người thân, lỡ làng cơ hội cuộc đời? Cần làm gì để hạn chế, đẩy lùi “cơn bão đa cấp” đang hoành hành?

Đó là những câu hỏi không thể trả lời một cách giản đơn (vì đã có quá nhiều ý kiến như vậy rồi); mà cần được nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc, cần nhiều trí tuệ, công sức, tiền bạc, thời gian.

Rồi cơn địa chấn có tên gọi “Vietlott”, với những giải thưởng mà nghe qua, người thường, một là ngơ ngác, ngẩn ngơ vì thèm muốn, hai là giật mình, vì nó quá “khủng”. Rồi sinh ra phong trào “ăn “Vietlott”, “ngủ “Vietlott”, “chơi “Vietlott”, “đùa “Vietlott”…tràn ngập, chiếm lĩnh khắp nơi.

Vì sao, và nên thế nào? Lại phải nhờ, cậy Tiến sĩ.

Tiến sĩ của chúng ta hiện đã rất nhiều. Cái này đã rõ, có thể là nhất khu vực, và có thể đạt tầm quốc tế về số lượng. Vậy họ đang ở đâu, làm gì?

Ngay lúc này, thịt lợn đang ùn ứ, bế tắc, giá lợn rẻ như rau, người nông dân thua lỗ, khốn đốn. Tiến sĩ vào cuộc đi chứ. Có thể chưa cứu được nông dân ngay, vì đã quá muộn. Nhưng cuộc sống, xã hội, người dân vô cùng cần những nghiên cứu, tổng kết, và giải pháp cho hiện tại, tương lai, của ngành chăn nuôi, và cả những ngành trồng trọt, hay ngành kinh tế khác.

Rồi tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, chưa thấy Tiến sĩ nào lên tiếng?

Nếu có Tiến sĩ nghiên cứu, cảnh báo trước, thì dân đã đỡ mất của, đỡ hoảng hốt, lo âu. Vậy thì công trình đó là vô giá. Khoa học là ánh sáng soi đường mà.

Vừa rồi, chúng tôi có tìm hiểu, viết bài về anh Phan Công Sỹ, một người dân xã Hưng Tân, Hưng Nguyên (Nghệ An) đã sáng chế máy cày đa năng, với ưu thế vượt trội về nhiều mặt so với máy cùng loại của Nhật Bản.

Anh này, không phải là Tiến sĩ, thậm chí chưa có bằng THPT. Chỉ từ thực tiễn, trăn trở với người nông dân, anh ấp ủ “đề tài” hàng chục năm, và cho ra sản phẩm, được thị trường đón nhận.

Xã hội cần các nhà khoa học với những sản phẩm nghiên cứu gắn với thực tiễn, có ích, có hiệu quả cho quốc kế, dân sinh, giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc, đang đặt ra một cách bức thiết.

Tác giả bài viết: QUANG ĐẠI

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP