Nợ xấu thực tế có thể cao hơn số báo cáo
Theo dữ liệu thống kê tài chính, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đều đã đưa tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 về mức mục tiêu dưới 3% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề ra trước đó.
Riêng Top 10 các ngân hàng uy tín nhất tính đến hết quý I/2017 đều có tỷ lệ nợ xấu dưới mức mục tiêu 3%, một báo cáo của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố cho hay.
Bên cạnh đó, theo công bố của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, năm 2016, các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản đảm bảo chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, qua nguồn dự phòng chiếm 26,6% và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%.
“Đây là minh chứng cho thấy các ngân hàng đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động thu hồi và xử lý nợ xấu sau tăng trưởng nóng. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, con số nợ xấu thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu đã công bố”, báo cáo của Vietnam Report nhận định.
Do đó, đơn vị này cho rằng, để xử lý dứt điểm nợ xấu là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi cần các biện pháp cứng rắn, khả thi và tốn rất nhiều thời gian, đặc biệt khi vẫn phải gắn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng.
Kết quả khảo sát các NHTM Việt Nam vừa được Vietnam Report thực hiện trong tháng 5/2017 cho thấy, 3 yếu tố được đánh giá là có ảnh hưởng nhất đến uy tín của một ngân hàng. Cụ thể là: sự đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp; sự đánh giá uy tín ngân hàng trên báo chí, truyền thông và quy mô vốn, kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Theo nhận xét của đơn vị khảo sát, các ngân hàng giờ đây đã hướng tới khách hàng nhiều hơn, quan tâm đến sự trải nghiệm thực tế của khách hàng thay vì mải mê “đánh bóng tên tuổi” và mở rộng phạm vi hoạt động.
Sự lạc quan có thể bị “cầm chừng”
Ngoài ra, cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 5/2017 cũng chỉ ra rằng, có 3 yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ của một ngân hàng, đó là: giao dịch an toàn, bảo mật thông tin cao; thủ tục đơn giản, nhanh gọn và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, có nhiều chính sách ưu đãi.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, khách hàng thường thực hiện giao dịch thông qua dịch vụ mobile hay internet banking, do đó, đơn vị khảo sát khuyến nghị, việc đầu tư cho công nghệ và bảo mật thông tin khách hàng là yêu cầu cấp thiết của các NHTM hiện nay.
Có đến trên 95% các ngân hàng tham gia khảo sát cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế có xu hướng tăng lên trong những tháng đầu năm 2017, cho thấy hoạt động kinh doanh của khối NHTM đang tốt hơn rất nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, trên 90% đại diện ngân hàng được hỏi cho biết, họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt trên 10%, thể hiện sự lạc quan tăng trưởng trong năm 2017.
Báo cáo của Vietnam Report cho rằng, các ngân hàng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh doanh trong năm 2017. Tuy nhiên một khi vấn đề nợ xấu vẫn còn chưa được giải quyết, những thách thức mới như việc kiểm soát nợ công, chi phí và đầu tư công không mấy dễ dàng, cùng với tác động tiêu cực của các chính sách bảo hộ mậu dịch của nhiều quốc gia lên hoạt động xuất khẩu… sẽ “cầm chừng” sự lạc quan của ngành ngân hàng.
Điều này đòi hỏi các ngân hàng cần có những bước đi thận trọng, tỉnh táo lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp, vừa để giữ vững thị phần và uy tín của mình, vừa tận dụng cơ hội để trưởng thành hơn nữa trên thị trường tài chính Việt Nam.
Tác giả bài viết: Bích Diệp
Nguồn tin: