Tại tọa đàm trao đổi về các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV sáng 26/9, đại diện Cục Cảnh sát Giao thông đã trả lời về một số đề xuất mới trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, Bộ Công an đang xây dựng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Điều 33 của dự thảo nêu: xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình. Đề xuất trên của Bộ Công an nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận.
Tại tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục CSGT cho hay, với xe kinh doanh vận tải, pháp luật hiện hành đã quy định bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát, dữ liệu được truyền về Cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải để phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Còn với ô tô cá nhân, Bộ Công an chỉ khuyến khích người dân tự lắp camera hành trình để tự bảo vệ mình trong các tình huống mất an toàn giao thông, không bắt buộc.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật trả lời tại toạ đàm.
|
Trên thực tế đã có rất nhiều phương tiện cá nhân tự trang bị camera giám sát hành trình, nhằm mục đích ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường.
Với việc này, người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ xảy ra trên đường, có thể lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại xe của mình hoặc của người khác…
Những bằng chứng từ camera giám sát hành trình cũng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng để xử lý, góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của lái xe và người khác.
Về dữ liệu thu thập được từ thiết bị giám sát hành trình, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay cơ quan chức năng sẽ không thu thập mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác…
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết thêm, các đề xuất được đưa ra mới chỉ là bản dự thảo. Cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận sự đóng góp của người dân, các cơ quan, tổ chức để chỉnh lý và đưa ra điều khoản hợp lý, khoa học, đảm bảo tính nhân văn.
Mục đích của luật hướng đến đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và giảm tai nạn; đồng thời xây dựng thói quen, ý thức tham gia giao thông của người dân; nâng cao tinh thần lên án đấu tranh vi phạm…
Tác giả: Minh Tuệ
Nguồn tin: Báo VTC