Kinh tế

Công viên nước Đầm Sen thoát lỗ nhờ đầu tư chứng khoán

Khoản lãi gần 31 tỷ đồng từ chứng khoán là lý do trực tiếp giúp Đầm Sen thoát lỗ trong năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp này tham gia đầu tư chứng khoán.

Công ty CP Công viên nước Đầm Sen (DSN) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2021 với khoản doanh thu và lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2008. Thậm chí, nếu không nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán, công viên này đã đối mặt với khoản lỗ ròng đầu tiên trong hơn chục năm kinh doanh.

Cụ thể, trong năm vừa qua, công viên này chỉ ghi nhận hơn 25 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 70% so với năm liền trước, tương đương mức giảm ròng gần 60 tỷ. Đây là mức doanh thu thấp nhất mà Đầm Sen ghi nhận được kể từ khi công bố báo cáo tài chính năm 2006.

Thậm chí, công viên nước nổi tiếng tại TP.HCM này năm qua còn phải hoạt động trong tình trạng thu không đủ chi và chịu khoản lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh gần 1,6 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 51 tỷ).

Dù đã tiết giảm đáng kể hoạt động bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong năm, công ty này vẫn phải chi gần 11 tỷ đồng cho các chi phí này.

Phải nhờ đến khoản doanh thu tài chính gần 41 tỷ đồng, tăng 215%, mà Công viên nước Đầm Sen mới thoát lỗ kinh doanh và báo lãi trước thuế gần 29 tỷ đồng. Tuy vậy, so với năm 2020, mức lợi nhuận này vẫn giảm tới hơn 40%.

Lợi nhuận ròng sau khi trừ thuế thu nhập Đầm Sen ghi nhận được năm vừa qua cũng giảm gần 41%, đạt 24 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong gần 41 tỷ đồng doanh thu tài chính năm vừa qua, ngoài hơn 10 tỷ là lãi tiền gửi ngân hàng, Đầm Sen đã thu về gần 31 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán. Đây chính là nguồn lợi nhuận trực tiếp bù lỗ toàn bộ hoạt động kinh doanh của Đầm Sen năm 2021.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Đầm Sen, đầu năm 2021, công ty có khoản chứng khoán kinh doanh trị giá gần 7,1 tỷ đồng (giá gốc) vào cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á. Đến hết năm 2021, công ty đã chốt lời toàn bộ khoản đầu tư này và thu về khoản lãi gần 31 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân khiến hoạt động kinh doanh chính lao dốc năm 2021, lãnh đạo công viên cho biết lãi ròng năm gần nhất giảm gần 41% là do doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khi phải đóng cửa phần lớn thời gian kinh doanh trong năm.

Trong đó, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về việc giãn cách xã hội tại TP.HCM, cũng như các quy định của thành phố, Công viên nước Đầm Sen đã phải dừng hoạt động trong phần lớn tháng 2/2021 và tiếp tục ngưng hoạt động kể từ tháng 5/2021. Phải đến 1/1/2022, công viên nước này mới hoạt động kinh doanh trở lại.

Công viên nước Đầm Sen dự kiến lượng khách tới vui chơi chưa thể phục hồi trong năm 2022. Ảnh: Lê Quân.

Cũng vì khoảng thời gian tạm dừng kinh doanh kéo dài, trong khi các khoản chi phí cố định như bảo dưỡng, bảo trì, chi phí thuê đất, bảo hiểm xã hội và lương của người lao động vẫn phải thanh toán đầy đủ, dẫn tới công ty kinh doanh dưới giá vốn.

Trong năm 2022, lãnh đạo Đầm Sen cho biết dù các chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM đã khởi động lại nhưng tâm lý khách hàng vẫn lo lắng vì các biến thể mới của dịch Covid-19 dẫn đến lượng khách đến vui chơi vào các ngày cao điểm của năm khó có đột biến.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc sản xuất rượu Thanh Long cũng gặp trở ngại và khó tìm đối tác sản xuất thử nghiệm. Trong khi Công ty Taxi Damsen Water Park đã phải ngưng hoạt động và giải thể chờ thay đổi phương án kinh doanh mới.

Với dự báo dịch bệnh chưa thể khống chế hoàn toàn và hoạt động kinh doanh có thể chưa khởi sắc, Đầm Sen đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 ở mức 100 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu của nhà hàng Lotus Aroma và Laabi), tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu năm 2022 là 15% vốn điều lệ.

Tác giả: Quang Thắng

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP