Cổ phiếu dầu khí "đỏ lửa"
Từ 15h hôm nay (11/3), giá xăng RON 95 và E5 RON 92 cùng các loại dầu tiếp tục tăng mạnh. Mức tăng lên tới gần 3.000 đồng đến gần 4.000 đồng/lít, tùy loại. Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 28.980 đồng/lít; RON 95 là 29.820 đồng/lít - cũng là mức giá cao chưa từng có của những mặt hàng này.
Vậy nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hôm nay có phiên giảm thứ hai, mất thêm 3.300 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 5,38%. Giá mỗi cổ phiếu PLX còn 58.000 đồng. Tính chung trong tuần qua, PLX đã giảm hơn 5% sau khi lập đỉnh tại mức giá 63.400 đồng/cổ phiếu ở phiên 24/2.
Cổ phiếu "ông lớn" xăng dầu bị bán mạnh trong ngày cuối tuần (Ảnh chụp màn hình). |
Nhiều nhà đầu tư "ngỡ ngàng đến ngơ ngác" khi PLX "cắm đầu" giảm vào cuối phiên. Những nhà đầu tư lỡ mua vào cổ phiếu này ở mức giá cao nhất phiên là 61.700 đồng/cổ phiếu hẳn như đang "ngồi trên đống lửa".
Không chỉ PLX mà hầu hết cổ phiếu dòng dầu khí đều bị xả hàng cực mạnh phiên hôm nay sau khi giá dầu thế giới đêm qua quay đầu giảm sâu. PVO giảm 13,2%; PVB và PVC giảm sàn; PVX giảm 7,9%; PVE giảm 7%; PVT giảm 4,9%; GAS giảm 4,7%; PVD giảm 4,4%; VPS giảm 3,4%...
GAS và PLX cũng là hai trong những cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index, khiến chỉ số bị kéo giảm lần lượt 2,74 điểm và 1,09 điểm.
Vẫn có nhiều cổ phiếu "hút" tiền bất chấp VN-Index điều chỉnh
Sắc đỏ bao trùm thị trường với 703 mã giảm trên 3 sàn so với 430 mã tăng giá. Tuy nhiên, ngoại trừ một số cổ phiếu "nóng" bị chốt lời mạnh thì thị trường chưa xuất hiện bán tháo. 66 mã tăng trần và chỉ có 27 mã giảm sàn.
Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 12,54 điểm tương ứng 0,85% còn 1.466,54 điểm ; HNX-Index giảm 5,44 điểm tương ứng 1,22% còn 442,2 điểm nhưng UPCoM-Index lại tăng nhẹ 0,07 điểm tương ứng 0,07% lên 115,37 điểm.
VN-Index kịp "rút chân" cuối phiên (Ảnh chụp màn hình). |
Mức giảm sâu của VN-Index chủ yếu do cổ phiếu trụ bị "đạp". 22 mã giảm trong rổ VN30. Trong đó, ngoài PLX và GAS thì MSN cũng đánh mất 5%; PNJ giảm 3,5%; SSI giảm 3,4%; HPG giảm 3,2%; GVR giảm 3%; POW giảm 2,7%; SAB giảm 1,9%.
Cổ phiếu "vua" - ngành ngân hàng - dù vậy lại không cho thấy tâm lý bán mạnh. Dòng cổ phiếu này đã có sự chiết khấu đáng kể trong thời gian qua. Mặc dù vẫn có một số cổ phiếu giảm hơn 1% như BVB, ABB, VIB, VPB, NAB nhưng vẫn có nhiều mã trong nhóm này tăng mạnh: KLB tăng 3,4%; EIB tăng 3,2%; BID tăng 2,2%; STB tăng 1,6%; HDB tăng 1,3%; MBB tăng 1,3%.
Dòng chứng khoán được kỳ vọng nhưng đây là dòng có tính thị trường cao, khi VN-Index giảm sâu thì nhiều mã trong ngành này bị bán khá mạnh. Không có mã nào giảm sàn nhưng PHS giảm 7,2%; PSI giảm 6,5%; APS giảm 6,3%; FTS giảm 4,5%; VDS giảm 4,3%; CTS giảm 3,6%... Một số mã vẫn rất "khỏe" như BSI tăng 2,5%; VND tăng 2% và thậm chí có lúc tăng trần.
Cổ phiếu phân bón tiếp tục được quan tâm với hầu hết mã tăng giá trong phiên. HSI tăng trần, BFC tăng 6,6%; VAF tăng 5,8%; DPM tăng 3,9%; DCM tăng 3,7%; DHB tăng 1,8%.
Cổ phiếu ngành gỗ cũng có một phiên khởi sắc khi GTA, PTB và TTF tăng kịch biên độ trên HoSE. Cổ phiếu liên quan đến đầu tư công cũng diễn biến tích cực: HT1 tăng trần; KSB tăng 1,8%; C32 tăng 1%; HBC, HHV, DPG đều tăng giá.
VN-Index giảm khá mạnh nhưng dòng tiền vào bắt đáy vẫn tích cực giúp chỉ số có một phiên "rút chân" nhẹ, đứng vững trên vùng 1.460 điểm. Thanh khoản thị trường cao hơn đáng kể so với phiên hôm qua, đạt 27.654,68 tỷ đồng trên sàn HoSE; đạt 4.042,45 tỷ đồng trên HNX và đạt 2.502,79 tỷ đồng trên UPCoM.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Dân trí