Xã hội

Chuyến tàu định mệnh của hàng chục lao động Việt trên biển Trung Quốc

Trong 21 người Việt Nam lên tàu từ Trung Quốc để vượt biên sang Đài Loan, nhà chức trách mới tìm thấy 12 thi thể.

Chiều 7/7, trong cái nắng gay gắt của mùa hè miền Trung, con đường bê tông dẫn vào xóm 8, xã Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) vắng tanh. Dưới bóng cây, vài người túm tụm bàn tán chuyện lao động "chui" gặp nạn tại Trung Quốc, thi thể chưa đưa về quê nhà.

Đứng bên bàn thờ lập vội cho con trai đoản mệnh, bà Trần Thị Trâm (47 tuổi, mẹ nạn nhân Lưu Xuân Hoàng) cho biết chồng là ông Lưu Văn Báu đang qua Quảng Châu, Trung Quốc, làm thủ tục xét nghiệm ADN nhận thi thể con trai. Dự kiến vài ngày tới, thi thể được hỏa táng, đưa tro cốt về quê.

4 năm trước vợ chồng bà Trâm vay được 150 triệu cho Hoàng sang Đài Loan với mong muốn cuộc sống thay đổi vì mưu sinh quê nhà khó khăn, song công việc không mấy thuận lợi. Cuối năm 2016, Hoàng hết hạn lao động về quê.

Bà Trần Thị Trâm. Ảnh: Hải Bình

Cuối tháng 3 vừa qua, chàng trai 26 tuổi nói với bố mẹ ra Bắc chơi. Vài hôm sau, chuông điện thoại reo, bà nhấc máy thì đầu dây bên kia nói "Con đi với nhóm bạn qua Trung Quốc làm ăn. Bố mẹ yên tâm đừng lo...". Đó cũng là cuộc gọi cuối cùng của con trai với mẹ.

Ngày 18/4, khi một số thi thể có kèm giấy tờ tùy thân nổi trên vùng biển Trung Quốc, cơ quan chức năng xác nhận đây là lao động "chui" gặp tai nạn trên biển nên thông báo về cho người thân ở Việt Nam. Lúc này một số bạn bè của Hoàng ở Đài Loan gọi điện thông báo Hoàng tử vong trên con tàu gặp nạn hôm 31/3, khi vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan.

Theo bà Trâm, sở dĩ những người bạn biết Hoàng có mặt trên con tàu là trước đó anh thông báo, nói rằng chuyến vượt biên này sợ bố mẹ lo lắng nên giấu kín, đợi lúc nào sang đến nơi sẽ thông báo về nhà sau. Vợ chồng bà Trâm sau đó nhận được thông báo từ cơ quan chức năng yêu cầu gửi mẫu máu qua Trung Quốc để đối chiếu ADN với thi thể Hoàng.

"4 ngày trước, gia đình nhận được thông báo kết quả đối chiếu ADN chính xác tới 90%. Họ yêu cầu trực tiếp qua bên đó để đối chiếu lại lần nữa, kết quả chính xác 100% là Hoàng", bà Trâm vừa kể vừa khóc.

Di ảnh anh Lưu Xuân Hoàng. Ảnh: Hải Bình

Tại Hà Tĩnh, người thân cũng đang lo mai táng cho anh Đào Sỹ Hùng (31 tuổi, trú xóm 8 xã Kỳ Khang, Kỳ Anh). Hài cốt anh Hùng được đưa về chiều 6/7 sau nhiều tháng mất tích.

Ông Đào Hữu Thiên (50 tuổi, bố anh Hùng) kể, con trai từng đi xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, sau đó bỏ ra ngoài làm ăn. Cuối năm 2016, anh Hùng bị nhà chức trách sở tại phát hiện, trục xuất về nước. Đầu tháng 2/2017, anh gom góp được ít tiền, nhờ một người ở Bắc Giang đưa trở lại Trung Quốc làm việc "chui" với chi phí 40 triệu đồng.

Ngày 31/3, 21 người Việt Nam lên một con tàu từ Trung Quốc, vượt biển sang Đài Loan để làm việc thì bị mất liên lạc. Đến giữa tháng 6, một người dân ở Quảng Bình sang Trung Quốc nhận thi thể con, chụp ảnh nạn nhân xấu số.

"Xem ảnh, tôi nhận ra con trai mình nên ra Bắc Giang hỏi người môi giới song họ không biết", ông Thiên (50 tuổi) kể. Người cha đã đến Bộ Ngoại giao làm xét nghiệm ADN để gửi sang lãnh sự quán Việt Nam ở Trung Quốc nhờ tìm con trai.

Ông Thiên kể về ngày tháng ở bên Trung Quốc nhận hài cốt con trai. Ảnh: Đức Hùng

Theo ông Thiên, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấp giấy phép nhập cảnh tro cốt cho anh Hùng theo đơn đề nghị. Nhà chức trách xác định nạn nhân tử vong ngày 18/4, lý do tai nạn trên biển.

"Có 12 thi thể được đưa vào bờ. 4 hôm trước tôi qua Trung Quốc, thấy 7 thi thể được đưa về mai táng, còn 5 xác nữa chưa có người đến nhận vì không có giấy tờ tùy thân", ông Thiên nói.

Theo Sở Ngoại vụ Nghệ An, Vụ bảo hộ người Việt Nam ở nước ngoài đã xác nhận trong vụ tai nạn có 4 lao động quê ở Nghệ An, 2 thi thể được đưa về tới quê nhà. Trong khi đó, nhà chức trách Hà Tĩnh vẫn đang xác minh cụ thể thông tin một lao động quê Thạch Hà chưa rõ tung tích.

Lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết các lao động trên đi làm việc theo hợp đồng cá nhân, không thuộc diện quản lý của Cục lẫn doanh nghiệp xuất khẩu lao động được cấp phép.

Trong chiều nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận 7 trong số 9 nạn nhân thiệt mạng tại vùng biển Sán Vĩ, Chủ Hải (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) là công dân Việt Nam. Trong đó 3 người ở Nghệ An, 2 ở Quảng Bình, 1 ở Hải Dương và 1 ở Hà Tĩnh. Hai danh tính còn lại chưa rõ.

Gia đình các nạn nhân đã được hỗ trợ sang Trung Quốc đưa di hài về nước. Cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp cùng Trung Quốc điều tra vụ việc.

Tác giả: Hải Bình - Đức Hùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP