Mỗi lần xem bức ảnh duy nhất chụp cùng cô con gái đã thất lạc, bà Ngô Thị Thanh đau đến nhói tâm can. Ảnh: TẠ DUNG |
Hành trình “mò kim đáy biển”
Cách đây 2 tuần, ông Đoàn Xuân Út (68 tuổi) và bà Ngô Thị Thanh (65 tuổi) ở thôn Tựu Liệt, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội biết có một trường hợp ở Nghệ An khi bị lạc cũng tầm tuổi con gái ông. Ngay sau đó, người cha già đã khăn gói vào TP Vinh để gặp mặt và xin được giám định ADN với người phụ nữ mà ông rất có dự cảm đó chính là con gái mình tìm kiếm bấy lâu nay. Đến khi có kết quả xét nghiệm ADN, nỗi buồn như chạm đến tâm can ông bà khi hai bên không cùng huyết thống…
“Hành trình chúng tôi đi tìm con chẳng khác nào “mò kim đáy biển”. Ngày nào còn chưa tìm được con chúng tôi còn day dứt lương tâm”, ông Út mở đầu câu chuyện.
Hơn 40 năm trước, ông Đoàn Xuân Út - Chàng trai người huyện Đô Lương, Nghệ An kết hôn với bà Ngô Thị Thanh, quê ở Thanh Trì, Hà Nội. Sau đó, đôi vợ chồng trẻ ở lại Hà Nội mưu sinh. Năm 1982, vợ chồng ông đưa con gái đầu lòng là Đoàn Thị Thu Hiền (SN 1978) và cậu con trai 11 tháng tuổi về thăm quê. “Đến cuối năm, tôi đi nhờ xe của công ty ra Hà Nội để chở theo đồ đạc. Còn vợ tôi một nách 2 con ra ga Chợ Sy (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đón tàu đi Hà Nội”, ông Út nhớ lại.
Theo lời kể của bà Thanh, trong lúc chờ tàu, thấy bà một tay bế con trai, một tay dắt con gái nên một người phụ nữ đã ngỏ ý muốn giúp. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ họ có lòng tốt nên đưa con gái cho người phụ nữ ấy bồng bế. Tuy nhiên, khi chuẩn bị lên tàu tôi không còn thấy người phụ nữ và đứa con mình đâu nữa”, vừa dứt lời, hai khóe mắt bà Thanh đã đẫm lệ.
Nghe đến đây, ông Út cũng nức nở: “Nếu hôm đó tôi đi tàu cùng vợ con thì đã không xảy ra sự việc, con tôi đã không thất lạc đến ngày hôm nay”. Rồi ông Út bảo, Hiền còn nhỏ nhưng rất ngoan ngoãn và nghe lời bố mẹ. Ngày đó cháu hơn 3 tuổi nhưng đã biết trông em, biết nói “con bố Út, mẹ Thanh” khi có người hỏi chuyện…
Từ ngày lạc con, không đêm nào vợ chồng ông Út yên giấc. Nỗi đau, nỗi nhớ cứ ùa về khiến đôi vợ chồng luôn mong mỏi tìm lại con. Thời gian sau đó, hễ nghe ai báo có điểm nhận dạng giống con gái mình ông đều đạp xe một mạch đến xác minh. Suốt nhiều năm trời, ông Út và vợ liên tục đạp xe đi tìm con ở Nghệ An và các tỉnh lân cận. Có hôm muộn rồi còn nhận được tin, hai vợ chồng lại chia nhau đi khắp ga tàu tìm. “Ngày đó hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, tôi phải xin nghỉ việc để chở vợ trên chiếc xe đạp cũ đi tìm con. Ban đầu tìm khắp từ Ga Si, các vùng lân cận rồi lên tận vùng biên giới để tìm được tung tích con gái…”, sự thất vọng của ông bất chợt không thể diễn tả nên lời.
Ông Thanh còn nhớ, trong suốt hành trình dài, hai ông bà còn gắn biển tìm con thất lạc lên xe. “Vợ chồng tôi rong ruổi khắp nẻo đường, lang thang hết nơi nọ đến nơi kia. Gặp ai cũng tìm hỏi, có tin tức gì dù chỉ là một chút hy vọng cũng tìm đến nơi. Ngày đó, ngã xe xảy ra như cơm bữa. Đi đường nhiều người dân tốt bụng cho cơm, cho bánh để ăn qua ngày. Rồi có hôm nhỡ đường trời tối không xin ngủ nhờ được ở đâu, 2 vợ chồng đành ôm nhau chờ trời sáng…”, ông Thanh kể lại.
Nhiều kẻ xấu lợi dụng
Ông Út kể lại hành trình 36 năm đi tìm con gái nhưng chưa có kết quả. |
Theo chia sẻ của vợ chồng ông Út - bà Thanh, sau nhiều lần trình báo cơ quan công an và chính quyền nhưng những thông tin phản hồi lại đều là không trùng khớp. Có lần đi tìm con dài ngày về, ông Út ốm nặng sút gần 7kg, Gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ dừng lại.
Ông Út kể, trong hành trình tìm kiếm con gái có những kẻ xấu lợi dụng sự mong mỏi của gia đình ông để kiếm tiền như khai gian trùng khớp với những đặc điểm nhận dạng mà ông nói; gọi yêu cầu chuyển một khoản tiền nhất định để họ xác minh cụ thể, làm các xét nghiệm ADN cần thiết…
Thời gian cứ thế trôi đi, những thông tin liên quan đến vụ mất tích của con gái ông Út cứ mờ nhạt dần. Đến năm 2000, vợ chồng ông Út vô tình đọc được một bài báo đăng thông tin về một cô gái với nội dung: “Chặng đường 18 năm tìm bố mẹ ruột”. Ông bà lắp ghép mọi thông tin, nhận thấy nhân vật trong bài báo quá trùng hợp với con gái mình.
Không chần chừ thêm nữa, ông vội tìm số điện thoại của tòa soạn báo đăng tải bài viết nêu trên để hỏi tác giả bài viết về nhân vật trong bài. Nhưng niềm hy vọng lớn đó vụt tắt khi ông bà được tác giả thông báo cô gái trong bài viết đã tìm được bố mẹ đẻ của mình. “Lúc đó cổ tôi như nghẹn lại, khi vừa nhấc điện thoại để gọi, tôi chờ đợi một câu trả lời khác từ tác giả bài viết, nhưng số phận vẫn chưa mỉm cười với vợ chồng tôi, cháu Hiền vẫn chưa thể về với gia đình”, người bố nghẹn ngào.
Gần đây nhất, vợ chồng ông Út vào TP Vinh để gặp và xin thử xét nghiệm AND với 1 cô gái cũng thất lạc gia đình từ cuối năm 1981. Thế nhưng, kết quả lại trả về cho ông một số 0 tròn trĩnh. Những lần như vậy, nỗi buồn và sự tủi thân của đôi vợ chồng già lại tăng đến bội phần.
Được biết ông bà có 4 người con, hai trai và hai gái, các con ông đều đã ổn định việc làm, yên bề gia thất. Sau những năm tháng trải qua hành trình gian nan, đến nay tuổi đã cao, sức đã yếu, vợ chồng ông Út bà Thanh vẫn tiếp tục và không nguôi hy vọng sẽ tìm thấy cô con gái thất lạc suốt 36 năm qua.
Liên quan đến sự việc trên, ông Ngô Ngọc Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp (Thanh Trì – Hà Nội) xác nhận gia đình ông Đoàn Xuân Út bị thất lạc một người con gái và mấy chục năm qua đã cố gắng đi tìm nhưng chưa có thông tin. Cũng theo ông Toàn, gia đình ông Út sống ở địa phương khá lâu, nhiều người trong xã đều biết việc ông Út bị thất lạc con gái và rất chia sẻ. “Về phía chính quyền xã, nếu gia đình yêu cầu giúp đỡ về mặt chính sách, giấy tờ để tìm lại con gái, chúng tôi sẽ hỗ trợ hết sức”, vị Chủ tịch xã chia sẻ. |
Tác giả: Tạ Dung
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội