Theo lịch vạn niên, ngày 6/5 mới là ngày lập hạ. Dù chưa chính thức bước vào mùa hè nhưng hôm qua (19/4), người dân ở Tây Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã trải qua ngày nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C.
Trong đó, Điện Biên, Sơn La và khu vực từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ trên 40 độ C như Mường La (Sơn La) 42,4 độ C, Sông Mã và Yên Châu (Sơn La) 41,3 độ C, Tương Dương (Nghệ An) 40,3 độ C, Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 40,7 độ C... Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 20-55%.
Đợt nắng nóng này được dự báo kéo dài đến 23/4. Ngày 24/4, nắng nóng dịu dần. Sau đó, một đợt không khí lạnh tràn về nước ta từ đêm 24, ngày 25/4 gây mưa ở miền Bắc và miền Trung. Đây có thể là đợt không khí lạnh cuối cùng về nước ta trong năm nay.
Mùa hè năm nay được dự báo nhiều ngày nắng nóng và gay gắt hơn năm 2022. (Ảnh minh hoạ: Vietnamplus). |
Cơ quan khí tượng dự báo nắng nóng khả năng gia tăng hơn từ tháng 5-7/2023 và tập trung nhiều tại Bắc Bộ và Trung Bộ. Người dân hai miền này sẽ trải qua một mùa hè nóng bức, khốc liệt hơn năm 2022 khi số ngày nắng nóng trong 3 tháng trên được dự báo xuất hiện nhiều và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.
Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước trong thời kỳ này cũng phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C, trong đó Tây Nguyên - Nam Bộ tháng 5/2023 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Những tháng này, người dân cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.
Sang tháng 8/2023, Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn đón những đợt nắng nóng, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022. Khoảng tháng 9/2023, nắng nóng xu hướng suy giảm hơn.
Tháng 8-10/2023, nhiệt độ tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C. Tháng 10/2023, nhiệt độ tại Trung Bộ cao hơn khoảng 0,5-1 độ C.
Tổng lượng mưa trong tháng 8/2023 ở Bắc Bộ phổ biến mức xấp xỉ nhưng sang tháng 9-10/2023, tổng lượng mưa lại thấp hơn khoảng 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, khoảng từ giữa tháng 6/2023, bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể bắt đầu xuất hiện trên Biển Đông.
Từ tháng 8-10/2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (giai đoạn này thường có 6-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông) và tác động chủ yếu đến Bắc Bộ, Trung Bộ. Dù số lượng bão được nhận định ít hơn nhưng người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động trên biển cũng như đời sống, các công trình xây dựng.
Ngày 22/3, ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng. Trong đó, Sơn La, Hòa Bình, vùng núi phía Tây các tỉnh Thanh Hóa tới Thừa Thiên - Huế xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Tại Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có những điểm nhiệt độ vượt mốc lịch sử tháng 3. Đáng kể nhất tại Hòa Bình có tới 3 điểm là Lạc Sơn, Kim Bôi, Hòa Bình vượt mốc lịch sử tháng 3 (Kim Bôi 41,4 độ C vượt mốc 38,1 độ C năm 1996; Lạc Sơn 39,4 độ C, vượt mốc 39 độ C năm 1996; tại Trạm khí tượng Hòa Bình là 38,8 độ C, vượt mốc 38,5 độ C năm 1996). Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, năm nay, nắng nóng các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đến sớm so với trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do tác động của vùng thấp phía Tây cộng thêm tác động của hiệu ứng gió phơn. |
Tác giả: NGUYỄN HUỆ
Nguồn tin: Báo VTC News