Tâm Bùi là một nhiếp ảnh gia đang sinh sống tại Sài Gòn. Từ lâu, tên tuổi của anh không còn xa lạ với những người có chung niềm đam mê nghệ thuật. Không chỉ ham chụp ảnh, anh còn có một tâm hồn tự do với khát khao chinh phục mọi vùng đất trên thế giới. Ước muốn ấy đã thôi thúc những bước chân anh lên đường tìm về một Tây Tạng xa xôi, huyền bí.
Hành trình 15 ngày của Tâm bắt đầu từ Sài Gòn tới Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) song nhóm bạn không muốn cùng anh đến thung lũng Larung Gar (Tây Tạng), nơi có ngôi làng cùng tên. Tâm chia tay các bạn ở Thành Đô và bắt đầu con đường đầy gian nan đến Tây Tạng.
Chuyến độc hành chưa kịp bắt đầu, anh đã chọn nhầm bến xe và phải ở lại thành phố thêm một ngày. Sáng ngày tiếp theo, Tâm bắt xe tới quận Serta (Tứ Xuyên, Trung Quốc) để di chuyển đến Larung Gar. Hành trình dường như càng khó khăn hơn khi chiếc xe khách bị chặn lại để kiểm tra căn cước của hành khách ở một trạm cảnh sát cách thung lũng chừng 40 km. Cảnh sát yêu cầu tất cả những người ngoại quốc phải xuống xe và quay trở về Thành Đô ngay sáng hôm sau. Dù theo lời một người Nhật trên xe, chính quyền Tây Tạng hạn chế du khách nhập cảnh trong thời gian vùng tự trị này có lễ hội, anh vẫn không biết chính xác lý do phải quay về.
Lang thang bên ngoài khách sạn mà cảnh sát đã chuyển anh tới, Tâm bắt chuyện với một nữ khách người Canada. May thay, du khách này biết tiếng Trung, và đã thỏa thuận với một thanh niên người bản địa để anh ta nhận đưa Tâm qua trạm kiểm soát và kiêm hướng dẫn viên trong khi anh ở Tây Tạng.
Larung Gar được mệnh danh là học viện Phật giáo lớn nhất thế giới với hơn 40.000 vị tăng và ni tu tập tại đây. Ảnh: Tâm Bùi.
Đường đến Larung Gar
20h30 ngày hôm đó, người thanh niên kéo Tâm lên xe dưới ánh nắng hoàng hôn chưa muốn tắt. Sau cuộc trao đổi bằng tiếng Anh - Trung lẫn lộn, Tâm lờ mờ đoán rằng anh thanh niên này sẽ đưa mình đi thăm thú Larung trong hai ngày, hứa hẹn thêm cả trải nghiệm xem người bản địa làm tục thiên táng. Tâm thiếp đi một lát trước khi giật mình bởi tiếng gọi của người thanh niên. Anh mơ màng nhận ra Larung đang hiện lên trong tầm mắt. San sát trên những triền đồi, hàng nghìn ngôi nhà gỗ sơn đỏ đang im lìm trong ánh đèn nhòe với bóng đêm. Chẳng có âm thanh nào vang lên ngoài tiếng xe rì rì chạy.
Sáng hôm sau, Tâm dậy sớm để hòa mình vào nhịp sống của người làng trong những phiên chợ. Theo anh, những vị sư cũng như người dân không thích bị chụp ảnh do quan niệm hành động này sẽ khiến họ bị tổn thọ. Larung đẹp nhất từ khoảng 18h đến 20h, khi mặt trời xuống núi. Khi ấy cả ngôi làng sừng sững hiện lên dưới nắng chiều vàng, khung cảnh càng huyền ảo hơn khi những ánh đèn đầu tiên được thắp sáng.
Đàn kền kền đang xếp hàng chờ tới giờ tục thiên táng diễn ra. Thức ăn của chúng là thịt từ những thi thể được mang lên đồi.
Ngày thứ hai, anh thanh niên làng dẫn Tâm đi xem tục thiên táng của người Tây Tạng. Theo truyền thống, người dân không chôn cất người quá cố dưới lòng đất mà họ mang thi thể lên núi để làm mồi cho đàn kền kển. Anh cảm thấy rất khủng khiếp khi được nhìn - nghe - ngửi toàn bộ quá trình lễ mai táng diễn ra.
Lhasa và những kỳ vọng tan vỡ
Rời khỏi thánh địa Phật giáo Larung, Tâm vẫn chưa hết mơ màng về ngôi làng của hơn 40.000 vị sư. Chuyến tàu kéo dài 43 tiếng đưa anh đến nhà ga cao nhất thế giới tại Tây Tạng. Miên man qua những thảo nguyên mênh mông nắng gió, bao đồng cải vàng rực rỡ hay những triền núi phủ trắng tuyết, đoàn tàu đưa Tâm đến gần Lhasa. Thủ đô hành chính của Tây Tạng hiện ra với một vẻ ngoài khác xa trong trí tưởng tượng của anh. Không hề hoang sơ, Lhasa hiện đại với những cung đường cao tốc và nhà cao tầng hiện đại. Đoạn đường đẹp nhất khi đi Lhasa đối với anh là quãng đến hồ thiêng Namtso của Tây Tạng.
Hồ thiêng Namtso nằm cách thủ đô Lhasa hơn 100 km. Ảnh: Tâm Bùi.
Khép lại những dòng tâm sự, Tâm nói chuyến đi để lại nhiều suy tư về phận người, về cái gọi là “tự do” và quan niệm thế nào là hạnh phúc mà mỗi người, mỗi dân tộc đang định nghĩa cho riêng mình.
Thông tin thêm về hành trình: |
Tác giả bài viết: Phạm Huyền