Dân treo xác chó vào cổ kẻ trộm
Ông Quách Văn Thủy, Trưởng Công an xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ người dân đánh cẩu tặc rồi treo xác chó vào cổ đối tượng.
Theo ông Thủy, khoảng 10h sáng 4/8, khi Nguyễn Văn Quyết (26 tuổi, trú tại xã Hà Long, huyện Hà Trung) đi xe máy đến thôn Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo) thì phát hiện một ngôi nhà vắng người nên thả bả cho chó ăn rồi trộm 2 con. Sau đó, Quyết bị người dân địa phương phát hiện và đuổi theo bắt giữ. Quá bức xúc, người dân trói Quyết vào một gốc cây ven đường, treo xác chó vào cổ và đánh.
Kẻ trộm chó bị người dân bắt được ép treo xác chó trên cổ. (Ảnh cắt |
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Công an xã Ngọc Trạo đã đến hiện trường, thuyết phục người dân, đưa Quyết về trụ sở công an xã để giải quyết. Qua quá trình làm việc, người này thừa nhận hành vi trộm chó và bị Công an xã Ngọc Trạo xử phạt hành chính.
"Không đội trời chung" với cẩu tặc
Sự việc được người dân quay lại, phát tán trên mạng xã hội, nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng với những ý kiến trái chiều. Trong khi một số người đồng tình việc người dân xử lý mạnh tay với kẻ trộm chó thì một số người lại cho rằng, mọi việc đã có cơ quan chức năng, người dân không nên hành xử như vậy với tên trộm.
Luật gia Hùng Phan bình luận: "Người ta phải mất bao nhiêu năm chăm nuôi, con chó không chỉ là con vật giữ nhà mà còn là bạn. Bắt được trộm chó thì phải giao cho công an xử lý để không tái phạm.
"Kẻ trộm cũng là con người, túng thiếu quá mới làm liều. Mọi việc đã có cơ quan công an xử lý, sao làm nhục như vậy, nhìn thấy cũng tội tội. Người dân làm vậy có khi còn vướng vào lao lý", luật gia Hoàng Anh nêu quan điểm.
Những ý kiến trên đều thể hiện quan điểm riêng nhưng khách quan mà nói, việc người dân coi kẻ trộm chó như kẻ thù không đội trời chung cũng có nguyên nhân. Chó không chỉ là loài vật giữ nhà, có nhiều tình cảm với gia chủ mà nó còn là tài sản có giá trị. Vì thế, khi chó bị trộm, ai cũng bức xúc. Nhiều trường hợp người dân bắt được kẻ trộm chó nhưng khi giao cho cơ quan có thẩm quyền thì không xử lý, chậm xử lý hoặc xử lý chưa nghiêm. Thêm vào đó, những kẻ trộm chó ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và hung hãn, chúng có thể tấn công, sát hại cả người đuổi bắt... Chính vì thế mối quan hệ giữa những người nuôi chó, người dân với kẻ trộm chó trở thành quan hệ thù địch, thậm chí "không đội trời chung".
Tại sao khi bắt được trộm chó thì người dân hay hành hung, tự xử và hả hê khi "tra tấn" kẻ trộm? Đây không chỉ là vấn đề pháp luật, mà còn là vấn đề văn hóa, xã hội cần phải được phân tích, tìm hiểu và có hướng xử lý phù hợp thì mới bớt những căng thẳng, xung đột trong xã hội trong mối quan hệ này.
Chế tài với “cẩu tặc” rất nghiêm khắc
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội đưa ra quan điểm, pháp luật Việt Nam có một hệ thống các quy phạm để bảo vệ tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm uy tín của công dân... Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tới tài sản, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Theo luật sư Cường, trộm chó là hành vi trộm cắp tài sản. Bởi vậy, nếu giá trị của những con chó bị trộm từ 2 triệu đồng trở lên thì kẻ trộm chó sẽ bị xử lý hình sự về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu giá trị của những con chó bị trộm cắp chưa tới 2 triệu đồng, chưa từng bị xử phạt hành chính... không thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a, tới điểm d, khoản 1, Điều 173 thì có thể đối tượng trộm chó chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Rõ ràng, những đối tượng trộm chó là "trộm cắp" và sẽ bị xử lý về hành vi trộm cắp tài sản chứ không phải là không có chế tài xử lý, hay chế tài chưa nghiêm khắc. Vấn đề là có phát hiện được không và xử lý như thế nào cho đúng luật.
Vị luật sư phân tích, nếu những đối tượng trộm chó bị phát hiện, bị tri hô, đuổi bắt mà chống trả người đuổi bắt thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng là "hành hung để tẩu thoát" để tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu bắt chó là nguồn sống chính, có công cụ, phương tiện đầy đủ thì có thể áp dụng tình tiết tăng nặng là "có tính chất chuyên nghiệp"... để tăng nặng hình phạt.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Còn nếu những tên trộm chó chủ động dùng vũ lực tấn công chủ nhà để chiếm đoạt chó thì hành vi này là cướp tài sản và sẽ bị xử lý về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi đó không cần xem xét đến giá trị của con chó bị cướp, chỉ cần dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để tấn công, chiếm đoạt con chó... thì đối tượng đã bị xem xét, xử lý về tội Cướp tài sản, chứ không đòi hỏi giá trị con chó phải từ 2 triệu đồng như hành vi lén lút trong tội Trộm cắp tài sản.
"Tự xử" là vi phạm pháp luật
Vì yêu quý chó cũng như giá trị của con chó với đời sống (trông nhà, thú cưng...) mà người dân tỏ ra ghét trộm chó hơn bất cứ loại trộm nào khác. Thêm vào đó, hành vi chuẩn bị hung khí sẵn sàng tấn công lại chủ nhà, tạo thành các băng nhóm trộm khiến người dân phải "làm căng" với cẩu tặc. Có lẽ chính vì thế mà hành vi "tự xử", hành hạ, làm nhục, cố ý gây thương tích, thậm chí sát hại trộm chó vẫn diễn ra hàng ngày.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, pháp luật cho phép công dân tự bảo vệ tài sản của mình hoặc nhờ người khác, cơ quan Nhà nước bảo vệ tài sản cho mình. Những người dân khác, dù không phải là chủ chó mà phát hiện ra kẻ trộm chó thì cũng có quyền bắt giữ kẻ trộm chó theo quy định về "bắt người phạm tội quả tang". Nếu trong quá trình bắt giữ mà vô ý gây thương tích cho kẻ trộm chó hoặc không còn cách nào khác buộc phải gây thương tích để khống chế, bắt giữ thì còn được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 24, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tuy nhiên, khi những người dân đã bắt được trộm chó rồi mà cố tình "tự xử" bằng các hành vi như đánh đập, hành hạ... thì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Khi bắt được trộm chó thì phải trình báo, bàn giao ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để xử lý theo pháp luật. Không được sử dụng một hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết, xử lý với một hành vi vi phạm pháp luật khác.
“Vì đánh trộm chó mà nhiều người đã dính lao lý, bị khởi tố về các hành vi như giết người, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giam, giữ người trái pháp luật... Vì vậy, khi tham gia bắt trộm thì ngoài việc đảm bảo an toàn cho mình và cho những người khác, những người bắt trộm còn phải hiểu biết pháp luật để biết giới hạn hành vi của mình, không được quá khích, bức xúc để rồi tự xử, xâm hại tới quyền và lợi ích của các chủ thể khác hoặc xâm hại tới các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ”, luật sư Cường cho hay.
Tác giả: Việt Hương
Nguồn tin: Báo Người đưa tin