Thời gian gần đây các cơ quan báo chí phản ánh hàng loạt các sự việc liên quan đến cán bộ, công chức có hành vi quan hệ bất chính gây xôn xao dư luận.
Hai người trong ảnh được cho là Chủ tịch UBND và một nữ cán bộ của xã này. |
Ví dụ gần đây nhất là trường hợp của Lê Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có quan hệ bất chính với một phụ nữ địa phương, trường hợp của ông Lương Thế Tài – nguyên Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân (huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có quan hệ bất chính với nữ cán bộ trẻ cùng cấp. Mới đây nhất là nghi vấn Chủ tịch xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên) lộ clip quan hệ bất chính với cấp dưới.
Hiện tượng trên không còn là cá biệt mà xuất hiện ở nhiều địa phương, gây nên hiện tượng xã hội xấu.
Chia sẻ với PV VOV.VN về vấn đề trên, ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, những sự việc này ngày càng xuất hiện nhiều cho thấy tình trạng xã hội của nước ta đang xuống cấp ở nhiều nơi, cán bộ đang ngày càng hư đốn, thoái hóa, cuộc sống tha hóa là dấu hiệu vô cùng xấu.
“Đảng đã đưa vào Nghị quyết của mình, pháp luật cũng có rồi nhưng việc thi hành chưa nghiêm Tổng Bí thư và Thủ tướng cũng nói là “trên nóng, dưới lạnh”, ông Trần Quốc Thuận cho biết.
Ông Thuận cho rằng, cần phải làm trong sạch bộ máy bằng cách thực hiện dân chủ thực sự, dựa vào nhân dân, tạo cơ hội cho nhân dân có quyền được nói được phản biện.
“Muốn khởi động việc làm trong sạch thì chỉ có cách dựa vào dân về mặt thực chất, chủ trương phải thấm vào dân, dân dám nói lên tiếng nói và giám sát mọi việc cho tốt. Muốn người dân lên tiếng thì phải tạo ra cơ hội bằng cơ chế và thể chế cho phù hợp. Khi người dân có quyền thực thụ, có vị trí để nói lên tiếng nói của mình thì những chuyện kia sẽ dần bị xóa bỏ. Để giải quyết triệt để vấn đề này thì cần có cơ chế, thể chế mở rộng để thực hiện dân chủ, làm sao cho người dân có thực quyền, mà thực quyền lớn nhất là việc giám sát cán bộ, đảng viên và giám sát những người làm việc”, ông Trần Quốc Thuận cho biết.
Cần bảo vệ và khen, phạt với người tố cáo
Ông Trần Quốc Thuận – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Hoàng Lực/giaoduc.net.vn. |
Ông Trần Quốc Thuận chia sẻ về những người tố cáo về những vụ việc cán bộ quan hệ bất chính thì cần phải kiểm tra kĩ lưỡng.
“Người dân có quyền tố cáo, đơn thư, tố cáo nhiều lần mà không giải quyết, họ bức xúc quá thì người ta phải tố cáo chứ. Nếu việc đó là bịa đặt, vu khống hay có động cơ xấu thì các cơ quan cần điều tra xử lý theo pháp luật. Đôi khi việc tung clip như vậy cũng là hành động đấu đá, mất đoàn kết nội bộ của các bên mà đứng đằng sau là những người có chức có quyền để chống lưng, bảo vệ. Cho nên cần thẩm tra, kiểm tra kĩ lưỡng xem sự việc đó có hay không có và trong hoàn cảnh như thế nào xảy ra. Dĩ nhiên tất cả những hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý và người tố cáo đúng cần được tuyên dương”, ông Trần Quốc Thuận chia sẻ.
Ông Thuận cho rằng: “Phải điều tra có đầu có đũa, không người ta sẽ nói là đã làm sai người dân lên tiếng mà còn tìm cách bịt miệng nữa, xử lý nữa thì còn nghe ai, điều kiện nào có thể thấy được sự thật, nếu không có clip đó thì thế nào? Việc tung clip có mặt tiêu cực và tích của nó, cho nên mình phải làm sao xem xét cho kĩ chứ chưa gì đã xử lý mấy người tung clip chẳng khác nào mình bịt miệng người ta lại. Như thế chẳng khác gì bảo vệ người sai. Mình phải ủng hộ những cuộc đấu tranh, tố cáo những tên thoái hóa”.
Chưa cần đến xử lý hình sự cán bộ quan hệ bất chính
Về việc xử lý, ông Trần Quốc Thuận cho biết, có nhiều cách xử lý không chỉ là hình sự mà còn là hành chính, kỷ luật Đảng như cách chức, bãi miễn, khai trừ Đảng...
“Theo tôi không cần cái gì cũng hình sự, chỉ cần xử lý hành chính hay kỷ luật Đảng thật nghiêm cũng đủ sức đưa các thành phần đó ra khỏi đội ngũ. Cái đó làm trước đi, nếu tái phạm hay làm nhiều lần thì nên tính đến hình thức xử lý hình sự. Vấn đề quan trọng là có xử lý hay không, hay lại che chắn, người nào cũng như người nào, cấu kết với nhau khiến không chỉ hư 1 người mà làm bệ rạc cả tổ chức. Lúc đó dân không còn tin vào tổ chức nữa vì tổ chức thoái hóa, đấy mới là cái sợ nhất”, ông Trần Quốc Thuận nói.
Ông Trần Quốc Thuận cho rằng, cần xem xét lại công tác cán bộ đặc biệt cần thanh kiểm tra thường xuyên, liên tục cả về năng lực đến phẩm chất đạo đức. Nếu Chi bộ, Đảng bộ hay tổ chức dưới cơ sở không tự đấu tranh để bài trừ những trường hợp đó ra khỏi tổ chức thì thật là tai họa.
“Tổ chức Đảng mà không tự đấu tranh, vạch mặt, kỉ luật được những trường hợp quan hệ bất chính đó thì nên xem xét lại tổ chức Đảng đó”, ông Thuận nói./.
Tác giả: Nguyễn Ngân
Nguồn tin: Báo VOV