Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà trao đổi với báo chí về vụ việc nhiều tỉnh miền Trung đề xuất nhận chìm bùn, cát xuống biển sau khi nạo vét luồng lạch công trình cảng. Ảnh: Minh Hoàng. |
Sau khi thị sát vịnh Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc nạo vét luồng lạch cảng biển định kỳ là nhu cầu thiết yếu, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, quá trình nhận chìm bùn, cát xuống biển sau khi nạo vét công trình cần khảo sát, đánh giá tác động môi trường thận trọng, tính toán kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo lợi ích môi trường song hành với phát triển kinh tế.
“Tuyệt đối cấm nhận chìm bùn, cát ở gần khu vực nuôi trồng thủy sản, bãi tắm du lịch và khu bảo tồn biển có cơ chế đặc biệt. Trước khi nhận chìm bùn, cát xuống biển, cơ quan chức năng cần khảo sát, điều tra, đánh giá tác động môi trường đảm bảo các quy định, quy trình hiện hành”, ông Hà nhắc nhở.
Cảng biển Quy Nhơn sau khi được nạo vét luồng lạch, Cục Hàng Hài Việt Nam đề xuất nhận chìm khoảng 440.000 m3 bùn, cát xuống vùng biển nơi đây. Ảnh: Minh Hoàng. |
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thực chất bùn, cát sau khi nạo vét luồng lạch ở các cảng biển vốn là phù sa, trầm tích bồi lắng của biển, khác với quan điểm chất thải trong ngành công nghiệp. Nhu cầu nạo vét luồng lạch đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại không thể không làm được. Các địa phương nên tính toán việc nhận chìm bùn, cát kết hợp với các dự án có mục tiêu lấn biển, san lấp bờ biển... nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học.
Mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000 m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn. Điều này khiến các chuyên gia, lãnh đạo địa phương và người dân lo ngại trước nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng việc nhận chìm ở biển rất “nhạy cảm” nhưng không thể không thực hiện vì nhu cầu phát triển kinh tế.
"Các tỉnh miền Trung muốn nhận chìm bùn, cát xuống biển phải làm việc có khoa học, có cơ quan tư vấn, đánh giá tác động dự án nhận chìm thật rõ ràng, thu thập ý kiến người dân. Bởi lẽ, khi xảy ra sự cố từ việc nhận chìm bùn, cát thì không chỉ riêng một tỉnh thiệt hại mà mà các địa phương lân cận đều phải gánh hậu quả”, tiến sĩ An lưu ý.
Tháng 7/2017, Công ty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đề xuất nhận chìm khoảng 1 triệu m3 bùn, cát xuống vùng biển Tuy Phong (Bình Thuận). Trước dư luận trái chiều, Bộ Tài nguyên & Môi trường quyết định tạm dừng việc nhận chìm bùn, cát xuống vùng biển nơi đây. Mới đây, tháng 10/2017, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định cấp phép nhận chìm với khối lượng dự kiến ban đầu hơn 400.000m3 bùn, cát nạo vét duy tu luồng hàng hải Quy Nhơn (Bình Định). Trước đó, cuối tháng 10/2017, Quảng Ngãi cấp phép cho Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được phép nhận chìm 62.000 m3 vật chất xuống vùng biển xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Đến ngày 3/11, ông Đặng Văn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ký công văn hỏa tốc yêu cầu dừng việc nhận chìm bùn, thải xuống vùng biển xã Tịnh Khê. |
Tác giả: Minh Hoàng
Nguồn tin: zing.vn