Phát hiện 2 đường dây buôn lậu vàng qua biên giới trị giá 8.500 tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định), Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, quê Tây Ninh); Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, chị ruột Phượng) cùng 21 bị can khác về tội "Buôn lậu”.
Báo SGGP dẫn cáo trạng nêu rõ, các bị can nhận thấy giá vàng ở Việt Nam cao hơn Campuchia nên từ đầu năm 2022 đã lập ra 2 đường dây, buôn lậu tổng cộng 6.150kg vàng qua biên giới. Vàng lậu được tiêu thụ tại Tây Ninh, TPHCM, thậm chí còn "lên máy bay" ra Hà Nội.
Tang vật một vụ buôn lậu vàng, ngoại tệ. Ảnh: Bộ đội Biên phòng An Giang |
Đường dây thứ nhất do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu. Cơ quan điều tra xác định, từ 3-8-2022 đến khi bị phát hiện ngày 28-9-2022, đường dây này buôn lậu trót lọt 4.830kg vàng thỏi tổng trị giá hơn 6.644 tỷ đồng. Qua đây, 17 bị can trong đường dây hưởng lợi hơn 17,6 tỷ đồng.
Đường dây thứ hai do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu. Viện kiểm sát cáo buộc, từ 16-7-2022 đến 28-9-2022, đường dây của Phượng buôn lậu thành công 1.320kg vàng, trị giá hơn 1.817 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, báo Lao động dẫn cáo trạng cho hay, ngoài các bị can là chủ tiệm vàng, cơ quan điều tra còn làm rõ nhiều chủ cơ sở kinh doanh trang sức vàng bạc liên quan đến việc mua bán vàng lậu với hai bà trùm trên.
Theo cáo trạng, có 36 khách hàng mua vàng lậu liên quan đến nhóm Nguyễn Thị Minh Phụng. Kết quả điều tra xác định được 10 khách hàng có những ký hiệu riêng.
Trong đó, khách hàng "Nhung điện lực" được xác định là Trần Thị Tuyết Nhung, mua 148kg vàng, thu lời khoảng 500.000/kg; Khách hàng "Minh Tiên" được xác định là Lê Thị Ánh Minh, mua 72kg vàng.
Còn lại các khách hàng có biệt danh: "Kim Mai Hậu Giang" mua 143kg; "A Đền" mua 68kg; "Mi Hồng" mua 137kg; "Chị Nụ" mua 113kg; "Sơn Phúc" mua 49kg; "Yên Bình, Chị Ròm" mua 53kg...
Theo cơ quan điều tra, các khách hàng này không biết là vàng lậu nên không có căn cứ xử lý hình sự. Song việc mua bán không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định.
Thủ đoạn tinh vi của đường dây buôn lậu hơn 6.000 kg vàng về Việt Nam
Theo nội dung cáo trạng được dẫn lại trên báo Thanh tra, Nguyễn Thị Minh Phụng từng có thời gian làm nhân viên tiệm vàng, kinh doanh tự do vàng bạc, thu đổi ngoại tệ nên quen biết nhiều người kinh doanh lĩnh vực mua bán vàng tại TP.HCM, Tây Ninh và Campuchia.
Năm 2022, Phụng thiết lập, điều hành đường dây mua bán vàng thỏi nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam qua Cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh với nhiều đối tượng tham gia, có sự phân công từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ.
"Bà trùm" Nguyễn Thị Minh Phụng thỏa thuận, thống nhất để Nguyễn Thị Ngọc Giàu tổ chức vận chuyển tiền thanh toán mua vàng lậu từ Tây Ninh sang Campuchia và vận chuyển vàng từ Campuchia về Tây Ninh để giao cho nhóm người của Phụng.
Tang vật lực lượng chức năng thu được trong vụ buôn lậu hơn 6 tấn vàng. Ảnh: Hải quan Online |
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới cho phép các phương tiện của cư dân thường xuyên qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt không bắt buộc phải kiểm soát hải quan, các đối tượng này đã cất giấu vàng lậu trong ngăn bí mật dưới sàn xe ba gác của đối tượng người Campuchia, chạy xe đến Cửa khẩu Chàng Riệc với lý do mua đá lạnh sinh hoạt nhằm đưa vàng qua biên giới.
Giàu giao cho con trai là Trần Thanh Thắng đi xe máy đến cửa khẩu Chàng Riệc, để xe máy lại và chạy xe ba gác của các đối tượng người Campuchia có chứa vàng được cất giấu trong ngăn bí mật về xưởng đá lạnh của Giàu tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Tại đây, các đối tượng mở ngăn bí mật của xe ba gác lấy các hộp vàng ra, sau đó Thắng bỏ túi chứa tiền mua vàng lậu lên xe rồi chất các túi đá lạnh lên xe ba gác và chạy xe ra cửa khẩu Chàng Riệc giao xe cho các đối tượng người Campuchia và nhận xe máy đi về nhà.
Sau khi nhận được vàng, Giàu giao cho các đối tượng khác trong đường dây đi giao số vàng này hoặc trực tiếp giao vàng lậu cho khách hàng theo chỉ đạo của Phụng…
Cơ quan điều tra làm rõ, Nguyễn Thị Minh Phụng dùng nhiều địa điểm để giao nhận tiền, vàng và bảo quản vàng lậu; mua nhiều điện thoại di động, cài đặt và sử dụng các ứng dụng Telegram, Viber, Zalo để giao dịch, mua bán, vận chuyển vàng lậu.
Đường dây do Nguyễn Thị Kim Phượng (em ruột bị can Ngọc Giàu) cầm đầu cũng thực hiện chiêu thức tượng tự để vận chuyển vàng lậu.
Báo VnExpress dẫn cáo trạng xác định, trong hơn hai tháng (16-7 đến 28-9-2022), đường dây này đã vận chuyển trót lọt hơn 6 tấn vàng vào Việt Nam. Mỗi thỏi vàng trước khi bán sẽ được khò mất ký hiệu (che giấu nguồn gốc từ nước ngoài), trừ tiền công của những người tham gia, Phụng lãi 500.000 đồng. Tổng cộng, Phụng hưởng lợi gần 2,5 tỷ đồng; Phượng 132.000 USD (tương đương 3 tỷ), còn Giàu được gần 14 tỷ.
Đáng chú ý, theo nội dung cáo trạng được trích dẫn trên Tạp chí Hải quan, kết quả điều tra có căn cứ xác định, trong khung giờ hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc có bố trí cán bộ phối hợp với các lực lượng Hải quan, kiểm dịch trực kiểm soát tại khu vực cửa khẩu. Ngoài giờ hành chính (từ 17 giờ - 7 giờ sáng hôm sau), lực lượng Biên phòng chịu trách nhiệm gác trực đảm bảo an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại, trong khung giờ này, người, phương tiện, hàng hóa không được qua lại cửa khẩu, trừ trường hợp bất khả kháng theo luật định. Tuy nhiên, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, trong khoảng thời gian từ 4 giờ 30 - 5 giờ và 17 giờ hôm trước - 6 giờ hôm sau, bị can Trần Thanh Thắng thường xuyên có hoạt động giao nhận xe máy có thùng hàng chở đá lạnh với một đối tượng người Campuchia tại khu vực barie số 1 cửa khẩu Chàng Riệc thuộc trách nhiệm trực kiểm soát của các cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu. Hành vi của các cán bộ nêu trên có dấu hiệu tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Xét thấy sai phạm này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, vì vậy, C03 đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. |
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn