Kinh tế

Bamboo nghi Vietnam Airlines 'chơi xấu' và cơn khát phi công tại VN

Sẵn sàng chi lương hơn trăm triệu đồng mỗi tháng cho một phi công nhưng Vietnam Airlines vẫn đang gặp khó trong việc đảm bảo lượng nhân sự trước sự cạnh tranh gay gắt.

Bamboo Airways và Vietnam Airlines (VNA) đang làm nóng câu chuyện về lao động chất lượng cao trong ngành hàng không khi hãng bay của tập đoàn FLC cho rằng đang bị VNA "chơi xấu", thông tin sai sự thật.

Cụ thể, FLC vừa gửi công văn tới Bộ GTVT về việc doanh nghiệp này "nhặt" được một văn bản tại trụ sở, được cho là từ VNA tố Bamboo Airways giành phi công.

Nội dung văn bản phản ánh về việc Bamboo Airways có hành vi “giành giật lực lượng phi công của VNA”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA và cho rằng điều này trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.

Lương trăm triệu vẫn khó giữ người

Theo Bản cáo bạch niêm yết gần nhất của VNA, tính đến cuối năm 2018, hãng có 1.118 phi công (người Việt chiếm gần 76%), tăng 61 phi công so với tháng 9/2017.

Bản cáo bạch cũng cho biết trong năm 2018, VNA đã thực hiện chính sách lương cho các phi công của mình ở mức 132,5 triệu đồng/tháng, tương đương 1,59 tỷ đồng cả năm.

Nếu so với mức lương thực chi trong năm 2017, lương bình quân tháng của các phi công VNA đã tăng gần 11 triệu đồng.

Chi không nhỏ cho lương phi công, nhưng đây không phải là lần đầu VNA vướng chuyện lùm xùm liên quan đến phi công nhảy việc.

Giữa năm 2018, khi cho rằng VNA gây khó không cho nghỉ việc, nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn, một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng.

Trong đơn kiến nghị với 16 chữ ký trực tiếp gửi đến Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, các phi công của VNA nói rằng hãng hàng không quốc gia đang vi phạm Luật Lao động, môi trường làm việc không đảm bảo.

Cùng với đó, nhóm này cũng cho hay đang tồn tại nhiều bất cập tại hãng bay và khẳng định đã nhiều lần đối thoại với doanh nghiệp trong nhiều năm, nhưng không nhận được hợp tác.

Các phi công của VNA còn cho rằng dựa vào quy định hiện hành, Cục Hàng không Việt Nam không cấp bằng cũng như chấp nhận cho các phi công chuyển nhà khai thác khác, buộc họ phải làm việc cho VNA với chế độ đãi ngộ thấp hơn mặt bằng chung của phi công, đẩy họ lâm vào cảnh phải bồi hoàn cho VNA số tiền phi lý để chuyển sang nhà khai thác khác hoặc phải chịu cảnh thất nghiệp.

Còn theo báo cáo tình hình số lượng, chất lượng và chế độ chính sách dành cho phi công của VNA gửi đi vào tháng 6/2018, hãng nhận định tốc độ phát triển cao của ngành hàng không toàn cầu, đặc biệt là thị trường Đông Bắc Á và Đông Nam Á đang dẫn tới tình trạng thiếu hụt phi công tại Việt Nam.

Cạnh tranh nguồn phi công đang là điều khó tránh khỏi khi đào tạo phi công trong nước đang không theo kịp tốc độ phát triển của ngành hàng không. Ảnh:Hoàng Hà.

"Phi công nhảy việc là hiện tượng phổ biến gây áp lực cho các hãng hàng không", báo cáo của Vietnam Airlines nêu rõ. Trong giai đoạn 2015-2017, hãng đã có 223 phi công nghỉ việc. Năm tháng đầu 2018, hãng tiếp tục ghi nhận 33 phi công nghỉ việc, bao gồm 25 phi công nước ngoài và 8 phi công Việt, đi kèm dự báo sẽ có 15-20 phi công nộp đơn xin nghỉ.

"Có thể thấy năm 2017 là đỉnh cao phi công nghỉ việc, chủ yếu là các hãng hàng không Trung Quốc tăng lương hút người, năm 2018 chiều hướng chậm lại", báo cáo có nêu.

Tuy nhiên hãng cũng cho rằng việc các hãng hàng không Việt Nam đang có kế hoạch tuyển dụng phi công số lượng lớn sẽ lại khiến tình trạng phi công nhảy việc trở lại.

Thu nhập tại hãng mới hấp dẫn hơn

Tuy chưa công bố mức lương bình quân của các phi công, số liệu cho biết từ năm 2017 Vietjet Air đã chi khoảng 180 triệu đồng/tháng trả lương cho phi công của mình, cao hơn rất nhiều so với mức lương mà phi công Vietnam Airlines nhận được.

Trong đó, lương cơ phó của Vietjet Air cũng đang dao động trong khoảng 120-140 triệu đồng/tháng, đối với vị trí cơ trưởng lên tới 180-240 triệu đồng/tháng, tùy vào giờ bay và thâm niên.

Cùng là hãng bay Việt nhưng đại diện Vietjet Air chia sẻ với Zing.vn hãng không gặp khó trong vấn đề phi công do có nguồn phi công nước ngoài cũng như đã bắt đầu tự đào tạo được phi công.

Tính đến hết năm 2018, tổng số nhân sự của Vietjet là 3.850 nhân viên đến từ hơn 30 quốc gia, tăng 24,3% so với năm trước. Trong năm 2018, Vietjet đã đào tạo 68 học viên để trở thành phi công.

Tại đại hội cổ đông của Vietjet Air, nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng, cho biết trong năm 2019 trung bình mỗi tháng hãng cần bổ sung 9-10 phi công, đi liền với kế hoạch phát triển đội hình bay, nhận máy bay mới.

Bà cho biết mỗi máy bay mới cần tầm 9 phi công, và hãng sẽ tuyển bên ngoài 2 và tự đào tạo 7 người. Mỗi năm, hãng có 50-70 phi công được đào tạo mới tại trung tâm huấn luyện bay của mình trong khi số hồ sơ ứng tuyển lên tới 3.000 bộ, đến từ nhiều quốc gia.

Với Bamboo Airways, ngay từ khi chưa cất cánh, hãng đã thực hiện các chiến dịch tuyển phi công rầm rộ. Không có con số về thu nhập cụ thể cho các ứng viên nhưng trong các thông tin tuyển dụng trước đó, hãng luôn đưa ra cam kết mức lương, thưởng hấp dẫn nhất thị trường Việt Nam và cả khu vực.

Chia sẻ với Zing.vn, một cựu phi công Vietjet Air cho hay anh từng nhận được lời mời về lái A320 cho Bamboo Airways với mức lương còn cao hơn mức anh từng nhận tại hãng cũ.

Có thể thấy việc cạnh tranh trong tuyển dụng phi công giữa các hãng đang ngày càng trở nên gay gắt. Ông Peter Harbinson, chủ tịch của CAPA, nhận định với Bloomberg rằng Đông Nam Á và Ấn Độ sẽ là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vấn nạn thiếu phi công. Những hãng hàng không giá rẻ đang có chiến lược mở rộng mà mua sắm máy bay quyết liệt sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất.

Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã và đang phát triển nhanh chóng. Hiện có 171 tàu bay khai thác mang quốc tịch Việt Nam và dự kiến trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 tàu bay mang quốc tịch Việt.

Theo tính toán từ nay đến năm 2030, ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 200 phi công mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu tính trên số lượng máy bay trong đội bay, VNA với số lượng máy bay nhiều nhất sẽ là hãng chịu áp lực không nhỏ trong việc duy trì nhân sự và tuyển phi công mới.

Trong bối cảnh cả 3 hãng đều liên tục tuyên bố mua và nhận bàn giao hàng chục, thậm chí hàng trăm máy bay mới, cùng với việc đào tạo phi công trong nước còn chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành hàng không, cạnh tranh tuyển dụng phi công gần như là điều chắc chắn xảy ra, dù các hãng có muốn hay không.

Tác giả: Ngô Minh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP